Phó Thủ tướng dự họp mặt học sinh miền Nam các trường trên đất Bắc

.

Hòa chung không khí cả nước chào mừng kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 27-1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban liên lạc học sinh miền Nam Trung ương phối hợp với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi gặp mặt truyền thống học sinh miền Nam các trường trên đất Bắc. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và gần 2.000 thầy cô cùng các thế hệ học sinh miền Nam tham dự buổi gặp mặt.

Năm 1954, ngay sau khi hiệp định Geneva được ký kết, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chủ trương thành lập một hệ thống trường học miền Nam trên đất Bắc. Đây là những trường dành riêng cho các em nhỏ miền Nam (từ 4, 5 đến 16, 17 tuổi) là con em cán bộ, bộ đội, các gia đình chính sách được các địa phương ở miền Nam lựa chọn gửi ra học tập, chuẩn bị cho sự nghiệp cách mạng miền Nam và xây dựng đất nước sau này.

Tuy chỉ tồn tại 21 năm (1954 – 1975) nhưng khi kết thúc nhiệm vụ lịch sử, các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã mang lại những kết quả to lớn trong việc đào tạo nên những “hạt giống đỏ” của miền Nam phục vụ cho đất nước.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết rất vui mừng và bồi hồi xúc động khi đến dự một hoạt động rất ý nghĩa. Thay mặt Chính phủ, đồng thời cũng là một cựu học sinh miền Nam từng học trên đất Bắc vào những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Phó Thủ tướng đã gửi tới các thầy cô giáo, cán bộ các trường và các thế hệ học sinh miền Nam lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất.

Theo Phó Thủ tướng, 64 năm trước, với tầm nhìn sáng suốt của Bác Hồ và Trung ương Đảng, từ năm 1954 đến 1958, đã có 28 trường học sinh miền Nam được thành lập, với các loại hình từ mẫu giáo đến cấp I, II, III và bổ túc văn hóa. Sau năm 1964, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ngày càng trở nên ác liệt, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định tiếp tục đưa thêm con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra miền Bắc để đào tạo. Những năm tháng đó, đã có trên 32.000 học sinh miền Nam sống và học tập dưới những mái trường trên đất Bắc.

Và sau khi thống nhất đất nước, hầu hết các “hạt giống đỏ” được gieo trồng trên đất Bắc về lại miền Nam, trở thành lực lượng nòng cốt góp phần quan trọng vào xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng. Nhiều người trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, nhà khoa học, nhà giáo, nghệ sĩ, doanh nhân có uy tín.

B.T

;
.
.
.
.
.
.