Một thời gian dài, sự gìn giữ những yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể chưa được thành phố Đà Nẵng coi trọng, thậm chí chưa có nhìn nhận đúng tầm quan trọng của di sản văn hóa. Tuy nhiên, giống như quy luật, khi kinh tế ổn định, dân trí phát triển thì văn hóa được quan tâm và thành Điện Hải là bằng chứng cho điều đó.
Bảo tàng Đà Nẵng xây dựng trên khu vực bảo vệ I của di tích thành Điện Hải, phá vỡ cảnh quan của di tích. |
“Băm nát” thành Điện Hải
Những ngày cuối tháng 1-2018, chúng tôi đến khu vực phía tây thành Điện Hải, gần 80 hộ dân đã được di dời, song vẫn còn đó dấu vết từng mảng tường loang lổ, được xây áp sát và chồng lấn lên mép tường thành Điện Hải. “Đây chỉ là một phần của sự xâm hại. Phải nói rằng, thời gian dài thành Điện Hải bị xâm hại một cách thô bạo”, ông Nguyễn Hữu Chiến, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao nói.
Câu chuyện bắt nguồn khi Đà Nẵng thành nhượng địa của Pháp vào năm 1888, quân đội Pháp đã lấy thành Điện Hải xây dựng bệnh viện quân y (hospital militaire) để chữa bệnh cho sĩ quan và binh lính Pháp vào năm 1895.
Họ vẫn giữ nguyên các bức tường và hào bao quanh nhưng làm lại cầu rộng hơn bằng bê-tông để xe cứu thương có thể ra vào. Đồng thời, họ phá vỡ các nhà gỗ lợp ngói cũ trong thành và dựng các ngôi nhà lầu, mái tôn phục vụ nhu cầu của bệnh viện. Sau năm 1975, Xí nghiệp Dược Trung ương 5 đã sử dụng thành Điện Hải làm xưởng chế biến tân dược.
Năm 1988, thành Điện Hải đã được công nhận là di tích cấp quốc gia, nhưng di tích vẫn chưa nhận được sự quan tâm bảo tồn, gìn giữ của các cấp, ngành. Xí nghiệp Dược Trung ương 5 vẫn tiếp tục sử dụng thành Điện Hải làm nơi sản xuất thuốc, nhiều đoạn tường và hào rãnh phía bắc và phía tây nam Xí nghiệp Dược đã đập phá để mở đường vận chuyển thuốc và xây dựng nhà kho…
Đến năm 2004, chính quyền thành phố Đà Nẵng quyết định chuyển Xí nghiệp Dược Trung ương 5 đi nơi khác và thành Điện Hải được trùng tu, tôn tạo bước đầu. Tuy nhiên, vui mừng chưa được bao lâu thì năm 2007-2008, UBND thành phố Đà Nẵng đã cho phép xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng trên thành Điện Hải.
“Thành Điện Hải là di tích cấp quốc gia, được bảo vệ theo Luật Di sản 2001. Khi ấy, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, quản lý văn hóa đã bày tỏ sự không đồng tình bởi xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng trên thành Điện Hải là xâm hại di tích trong khi Đà Nẵng vẫn còn quỹ đất và những vị trí thích hợp để xây dựng bảo tàng”, ông Nguyễn Hữu Chiến chia sẻ.
KTS Hồ Duy Diệm, nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch thành phố Đà Nẵng cho rằng, cách đối xử của Đà Nẵng đối với thành Điện Hải trong thời gian qua đã “phạm” triết lý phong thủy. Theo ông Diệm, không phải ngẫu nhiên thành Điện Hải được xây dựng ở vị trí hiện tại mà không nơi nào khác bởi ngoài yếu tố quân sự - là tiền đồn cửa sông, ven biển thì nơi đây có thế phong thủy khá tốt.
Tại sao quân Pháp xâm lược đánh ở những trận địa khác như Hà Nội, Nam Kỳ chiến thắng một cách dễ dàng nhưng không thể thắng ở Đà Nẵng và phải bỏ lại biết bao nhiêu mạng người tại nghĩa địa Y-pha-nho.
Rõ ràng ngoài chỉ huy tài ba của tướng Nguyễn Tri Phương, tinh thần chiến đấu quật cường của quân và dân Đà Nẵng thì địa thế của một vùng đất thiêng góp phần cho thắng lợi này. Tuy nhiên, Đà Nẵng đã không xem trọng phong thủy của vị thế này.
“Cái án của thành Điện Hải là đỉnh núi Sơn Trà, là cửa sông Hàn. Vì thế, để một số công trình án ngay trước mặt khác nào chặn lại hướng phát triển, mất đi cái thế đi lên của một vùng đất. Đây là điều kỵ nhất trong phong thủy”, KTS Hồ Duy Diệm phân tích.
Có thể nói, một thời gian dài, bỏ qua ý kiến phản biện, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã để thành Điện Hải bị xâm hại thô bạo; phía tây là các hộ dân xây nhà chồng lên vùng bảo vệ II, phía đông có Trung tâm Hành chính, phía nam có Công viên phần mềm cũng xâm hại vùng bảo vệ II; ngay trong khu vực bảo vệ I thì bị Bảo tàng Đà Nẵng xâm hại.
Mạnh dạn “sửa sai”
Trước những bức xúc kéo dài, thành phố kịp thời có những quyết định “giải cứu” thành Điện Hải. Cuối năm 2016, UBND thành phố đồng ý chủ trương bảo tồn di tích thành Điện Hải. Sau nhiều cuộc họp quan trọng, thành phố đã quyết tâm giải tỏa, di dời các hộ dân sống xung quanh bờ tường phía tây thành và phê duyệt luận chứng kỹ thuật, kinh tế trùng tu, tôn tạo và phục hồi thành Điện Hải.
Đến tháng 6-2017, Thường trực Thành ủy ban hành thông báo kết luận thống nhất chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải. Tiếp đó, tháng 7-2017, HĐND thành phố có văn bản quyết định chủ trương đầu tư dự án này. Quá trình trùng tu, tôn tạo và phục hồi di tích thành Điện Hải sẽ diễn ra theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2017-2019) tiến hành giải phóng mặt bằng và di dời toàn bộ số hộ dân ra khỏi khu vực thành Điện Hải, tháo dỡ các yếu tố kiến trúc không nguyên gốc, xây dựng không gian đệm cho di tích… Giai đoạn 2 (2019-2021), di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi khu vực thành Điện Hải, tiến hành tôn tạo, phục hồi các yếu tố gốc trong lịch sử của thành Điện Hải như nhà kho, kỳ đài, vọng lâu…
Có thể nói, chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị di tích thành Điện Hải là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Ông Nguyễn Hữu Chiến cho rằng, trên thế giới đã có không ít bài học xương máu, nhiều nước phát triển hiện nay không khỏi tiếc nuối, ân hận vì từng đối xử thô bạo với di sản văn hóa. Họ không thể có cơ hội sửa chữa. Từ câu chuyện thành Điện Hải, mới thấy chúng ta đã kịp thời nhìn nhận lại cách ứng xử với di sản văn hóa.
“Tôi nghĩ rằng việc lãnh đạo thành phố đã nhận ra tầm quan trọng của di tích thành Điện Hải và có những quyết sách đúng đắn là điều đáng hoan nghênh. Phải mạnh dạn sửa những sai lầm của quá khứ. Từ thành Điện Hải, chúng ta có quyền kỳ vọng về việc giữ gìn, phát huy những di sản văn hóa khác trên địa bàn thành phố”, ông Chiến nói.
Ở góc độ quản lý đô thị, ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố chia sẻ, qua giám sát trong lĩnh vực đô thị, ông nhận thấy rằng, thực tế sau hơn 20 năm phát triển, thành phố Đà Nẵng đạt rất nhiều thành tựu. Tuy nhiên, sự gìn giữ những yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể chưa được coi trọng, rất nhiều di tích bị xâm hại chứ không riêng thành Điện Hải.
“Đó là câu chuyện lịch sử, chúng ta không phê phán bởi lẽ khi xã hội phát triển, đạt đến trình độ tư duy nào đó, khi điều kiện kinh tế cho phép thì lúc đó người ta mới chú trọng đến vấn đề văn hóa, xã hội nhiều hơn là kinh tế. Ban Đô thị đã nhận thấy những bất cập này, chúng tôi từng bước có những kiến nghị để trong tương lai, văn hóa có được vị trí tương xứng và vị trí đó được cụ thể hóa bằng quy hoạch không gian văn hóa”, ông Hùng nói thêm.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ