Vọng mãi Hoàng Sa

.

Dù với hoạt động nào, hình thức ra sao thì trong tâm thức của mỗi người con đất Việt vẫn mãi vọng ngóng về mảnh đất Hoàng Sa còn trầm luân…

Mô hình Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa của KTS Trần Văn Dũng.
Mô hình Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa của KTS Trần Văn Dũng.

Nhắc nhở thế hệ mai sau

Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa từng nói, nếu vẫn còn nhớ, vẫn còn nhắc đến thì chúng ta không bao giờ sợ mất Hoàng Sa. Trận chiến Hoàng Sa 1974 là sự kiện có thật. Lịch sử là chân lý, nên cần phải ghi chép khách quan.

Đó là trận chiến không thể nào quên, không được quyền quên. Một phần lãnh thổ của ta đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm, lịch sử phải ghi, nhân dân phải biết. Không chỉ từng người dân Việt Nam mà nhân dân thế giới cần phải biết. Khi nào Hoàng Sa còn chưa lấy về được, phải đấu tranh bằng mọi cách để lấy lại.

Chính những quan điểm rõ ràng như vậy nên từ ngày nhận quyết định làm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (21-4-2009) đến hết nhiệm kỳ 5 năm, người đứng đầu huyện đảo này đã tổ chức rất nhiều hoạt động ý nghĩa để tri ân những người con đất Việt đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam, nhắc nhở thế hệ mai sau một phần lãnh thổ của nước Việt vẫn chưa về với đất mẹ.

Một trong những hoạt động cụ thể đó là sưu tầm tư liệu, bằng chứng để chứng minh chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tiến tới xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa (sắp đưa vào hoạt động trong năm 2018).

Song song với đó, chính quyền huyện Hoàng Sa cũng liên tục tìm kiếm, gặp gỡ các nhân vật vốn là cán bộ, nhân viên nha khí tượng thủy văn, các binh sĩ từng làm việc, đóng quân trên quần đảo Hoàng Sa từ trước năm 1974. Họ là những nhân chứng sống, từng gắn bó với vùng biển, đảo thân yêu với bao nhiêu chuyện kể, kỷ niệm, bằng chứng hùng hồn để có thể tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Hôm 17-1-2018, tôi theo chân đoàn cán bộ UBND huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng) đến thăm các cụ “nhân chứng Hoàng Sa”. Thật buồn khi đến 8 gia đình thì chỉ để thắp hương cho các cụ, những cụ còn sống cũng tuổi cao sức yếu. Ký ức về một Hoàng Sa tươi đẹp trong câu chuyện kể của các cụ cũng đã dần mờ phai.

Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa chia sẻ: “Rất may chúng tôi đã triển khai sớm việc gặp gỡ, trao đổi, quay phim tư liệu với các cụ khi họ còn minh mẫn. Phần lớn các nhân chứng Hoàng Sa đã quá tuổi 70 nên việc số hóa các dữ liệu về họ là hết sức cần thiết và UBND huyện Hoàng Sa đã làm được việc đó”.

Trong khi đó, từ đầu năm 2014, trong khuôn khổ chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã phát động quyên góp xây dựng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa tại Lý Sơn (Quảng Ngãi). Tuy vậy, sau 2 năm kể từ ngày khởi công, công trình này vẫn chưa có động thái xây dựng.

Khu tưởng niệm với tượng đài “Người mẹ thắp lửa” là không gian văn hóa tâm linh đầu tiên được xây dựng tại đảo tiền tiêu Lý Sơn để tưởng niệm những người con đất Việt đã ngã xuống trong suốt quá trình xác lập chủ quyền và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tuy chưa chính thức xây dựng, nhưng từ sau lễ đặt viên đá đầu tiên (tháng 1-2016), công trình là tâm điểm, thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước, bởi đó là kết tinh của lòng yêu nước, xuyên mọi giới hạn không gian, thời gian…, là nơi chốn cụ thể để mọi người con đất Việt vọng ngưỡng về Hoàng Sa thân yêu.

Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa đang được quan tâm và sẽ sớm triển khai xây dựng, tuy chậm tiến độ nhưng đó là vì sự cẩn trọng, trân trọng đối với công trình nhiều ý nghĩa này.

Ngọn lửa vĩnh cửu từ đất mẹ

Năm 2014, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức một chuyến đi thực tế tại Lý Sơn cho các kiến trúc sư (KTS), nhà điêu khắc, văn nghệ sĩ… - những tác giả có đồ án dự thi thiết kế Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa.

Trên chuyến tàu cao tốc ra đảo, KTS Trần Văn Dũng (Công ty CP Tư vấn đầu tư bất động sản Việt Tín, TP. Hồ Chí Minh) đã chia sẻ những trăn trở của anh: “Xây tượng đài gì trong Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa là “đề bài” quá khó”.

Đây là nơi tưởng niệm những người con đất Việt đã ngã xuống để xác lập và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa. Nghĩa là nơi tưởng nhớ, tri ân những công dân Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Hoàng Sa để xác lập quyền chiếm hữu, khai thác, canh giữ đảo như Cai đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải thời nhà Nguyễn; những người đã ngã xuống trong trận chiến giữ đảo năm 1974; và cả những “chiến sĩ” ngư dân đang hoạt động khai thác hải sản - những “cột mốc sống” để giữ chủ quyền biển, đảo hôm nay bị tử nạn...

Có lẽ chính vì “hiểu đề” cặn kẽ như vậy mà KTS Trần Văn Dũng đã chọn nhân vật người mẹ để xây dựng tượng đài “Người mẹ thắp lửa”. Cuối tháng 12-2015, Hội đồng thẩm định - Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tuyển chọn đồ án thiết kế của anh.

Chúng tôi ra đảo mùa biển động. Lúc đó, ngoài thông tin về mưa lũ gây chết người, ngập các làng quê ven sông thì miền Trung càng tràn ngập thông tin tàu cá chìm trên biển, ngư dân bị nạn khắp nơi. Nỗi đau mất mát chưa bao giờ nguôi ở dọc vùng duyên hải này.

Ở các vùng biển, đảo, các làng chài, vẫn còn đó những người mẹ ngóng con, những người vợ trông chồng, những người đàn bà trở thành góa phụ, cũng giống như hình ảnh vọng phu thời chinh chiến, hay sau những cuộc tiễn đưa đàn ông ra biên ải để bảo vệ chủ quyền biển, đảo trước đây…

Đấy cũng là hình ảnh tiêu biểu mà KTS Trần Văn Dũng chọn làm tượng đài “Người mẹ thắp lửa”, vượt lên cả trăm đồ án thiết kế khác, giành chiến thắng cuộc thi thiết kế Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa. Ngọn đèn trên tay mẹ cũng là ngọn lửa tưởng niệm và thắp sáng hy vọng của người Việt - tưởng niệm những người đã ngã xuống bảo vệ Hoàng Sa, thắp lên nguồn hy vọng đấu tranh bảo vệ Hoàng Sa, với một niềm tin son sắt: Hoàng Sa sẽ sớm trở về với Tổ quốc Việt Nam. Ngọn lửa vĩnh cửu ấy cũng như ngọn hải đăng soi sáng cho các ngư dân ra khơi, tìm về...

Cát từ Hoàng Sa được ngư dân Lý Sơn mang về chuyền tay nhau đổ vào nền móng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa (tháng 1-2016).							                        Ảnh: Thanh Hải
Cát từ Hoàng Sa được ngư dân Lý Sơn mang về chuyền tay nhau đổ vào nền móng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa (tháng 1-2016). Ảnh: Thanh Hải

Tại lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa vào tháng 1-2016, bà Võ Thị Hảo - người đàn bà hát ru trên đảo để “kể lại” câu chuyện “vọng phu” qua các ca từ cổ, đã gây ấn tượng mạnh. Bà Hảo đã gần 70 tuổi, nhưng giọng hát, ca từ thì như đã ngấm vào bà, vào người dân Lý Sơn từ bao đời nay:

“À ơi/Con ơi con ngủ cho mau/Để mẹ nấu cháo luộc rau cho cha dùng/Ốc u đã thổi lên rồi/Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa/Hoàng Sa là của nước ta/Để người ngoại quốc xâm vào chẳng yên/Con ơi con ngủ cho ngoan/Để mẹ đi tiễn cha xuống thuyền chứ tù và kêu”.

Bao lần ra Lý Sơn dự lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, tôi đã thuộc nằm lòng câu hát: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về”. Nhưng bây giờ được nghe bà Hảo hát mà như kể chuyện, như dựng lại những thước phim tư liệu, tôi đã hiểu những gì đang chảy trong mạch máu người đàn bà biển khi quyết lấy chồng mà “hồn treo cột buồm” kia.

Tiếp nối bao thế hệ, họ đã nâng bước cho bao trai tráng, đàn ông miệt biển giong thuyền đi bảo vệ biên cương. Họ xứng đáng để chọn làm biểu tượng, làm tượng đài để vọng tưởng về một Hoàng Sa tươi đẹp, trầm luân.

Tại lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu nghĩa sĩ Hoàng Sa, ngoài lời hát ru của bà Hảo còn có những hồi chuông. Tiếng chuông gióng lên để tưởng niệm những bậc tiền nhân ra khơi, cắm mốc chủ quyền, chiến đấu để bảo vệ Hoàng Sa đã vang vọng và sẽ ngân xa mãi. Tiếng chuông cũng thức tỉnh, nhắc nhớ trách nhiệm của mọi công dân đối với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

THANH HẢI

;
.
.
.
.
.
.