Chúng tôi trở lại với đồng bào Cơ tu sống ở hai thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng). Vẫn con đường quanh co uốn lượn, vẫn con sông Cu Đê hiền hòa một màu xanh ngút, vẫn mùi hương của núi rừng hòa quyện trong làn sương sớm. Có khác chăng, lần trở lại này, chúng tôi hồ hởi hơn với niềm vui mang những phần quà chất chứa hơi ấm của phố phường gửi đến miền quê xa xôi, hẻo lánh.
Những nghệ nhân cồng chiêng Cơ tu tại thôn Giàn Bí - xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Ảnh: Huy Đằng |
Dường như cảnh vật nơi đây đã đổi thay, hình ảnh về con đường nhỏ quanh co uốn mình theo con sông hiền hòa, những mái nhà thấp thoáng trong màu xanh của lá, của cây, của mây trời bảng lảng thuở nào giờ đây không còn nữa. Thay vào đó là một khu tái định cư đang được khẩn trương san lấp với con đường ngang dọc khang trang, nơi đó sẽ là ngôi làng mới nhấp nhô màu ngói tươi mới, nhưng không biết rồi đây hình ảnh một quần cư thôn bản có còn được người ta gìn giữ, bảo tồn hay không. Con đường ĐT601 mà tôi đang đi dù rất lầy lội với đầy ổ voi nhưng hy vọng sớm được đầu tư hoàn trả rồi sẽ thênh thang hơn, thuận lợi việc đi lại của bà con, nhưng cảnh thơ mộng, bức tranh sơn thủy hữu tình có hiện hữu nữa hay không?
Bao nhiêu nghĩ suy, trăn trở, quá khứ và hiện tại như ngưng lại, bị xua tan bởi tiếng cười giòn giã của các em thiếu nhi chờ đón chúng tôi từ rất sớm. Sau những ánh mắt hồn nhiên và đầy háo hức kia là những đôi dép đã sờn quai và nhiều em phong phanh trong chiếc áo cũ mèm. Nhưng nụ cười thì vẫn toe toét dễ thương đến lạ. Ánh mắt đó, nụ cười đó như truyền thêm năng lượng cho chúng tôi. Trong phút chốc, quãng đường xa gần 30km quanh co, lầy lội dường như tan biến, thay vào đó là vòng tay siết, là nụ cười gửi trao. Anh em chúng tôi không ai bảo ai, mỗi người mỗi việc, người trao quà, người tặng áo, tổ chức nhiều trò chơi tập thể đầy hào hứng. Nơi này hò hét với trò đập om, gốc sân kia những họa sĩ nhí cặm cụi tô vẽ những ước mơ bay bổng đầy màu sắc. Phần giao lưu văn nghệ luôn được mọi người hồ hởi chào đón, sự cuồng nhiệt đến từ chất giọng khàn đục của những anh chàng kiến trúc sư hòa cùng tiếng hát trong trẻo của những cô gái bản xứ như lời tâm tình, khao khát cuộc sống no ấm, an yên: “Anh bắt được con nai, em muốn anh là con rể của mẹ/ Anh săn được con gấu, em muốn anh là con rể của cha”.
Tiếng cồng, tiếng chiêng hòa cùng điệu múa Tung tung da dá - di sản của người Cơ tu ở đại ngàn Trường Sơn. Nhà Gươl hôm nay được trang hoàng như ngày hội. Không khí miền quê vốn yên ả giờ đây rộn rã tiếng cười, nhiều sắc màu hòa quyện với những âm thanh tươi mới.
Chuyến đi lần này, chúng tôi gom góp hơn 100 suất quà, với bánh mứt, hạt dưa, kẹo ngọt và gạo nếp, thêm 10 suất học bổng trị giá 1 triệu đồng dành tặng những học sinh nghèo vượt khó. Và có lẽ, ấm áp hơn cả là hàng trăm chiếc áo ấm còn thơm mùi vải mới, với kiểu dáng hợp thời màu sắc sặc sỡ. Tất cả được chúng tôi gom góp từ sự tằn tiện chi tiêu và sự đóng góp của một số doanh nghiệp gắn bó với CLB Kiến trúc sư trẻ thành phố. Bằng tấm lòng và sự nhiệt thành, chuyến đi ít nhiều mang lại cho chúng tôi sự trải nghiệm với nhiều cảm xúc. Nhưng sao chúng tôi vẫn cảm thấy day dứt, trăn trở, có gì đó chưa trọn vẹn. Trọn vẹn sao được khi Tà Lang, Giàn Bí vốn xưa nay là hai thôn miền núi nhiều khó khăn nay phải đối mặt với công cuộc tái thiết; văn hóa Cơ tu truyền thống giàu bản sắc nhưng phải đối mặt với quá nhiều thứ ngoại lai của thời kỳ hội nhập, liệu chúng ta có còn giữ lại các nếp nhà sàn tạo dựng theo hình vành khuyên hay ngôi nhà rông cao, to, là nơi tiếp khách, hội họp, cúng tế, tụ tập chuyện trò vui chơi. Không gian cộng đồng mới có quá xa lạ với lễ hội đâm trâu hằng năm diễn ra trước mùa tỉa lúa? Trọn vẹn sao được khi rồi đây nghệ thuật điêu khắc và trang trí truyền thống tinh xảo với những bức vẽ, chạm khắc ở nhà Gươl, những bức tượng khỏa thân treo ở cổng làng… sẽ không còn chỗ để phô diễn khi các công trình được dựng lên với chất liệu bê-tông và cốt thép khô cứng. Mục tiêu biến nơi đây thành điểm đến du lịch để đời sống của đồng bào bớt khó khăn có là hiện thực hay không?
Tôi trở về phố với nhiều cảm xúc xen lẫn quần áo đẫm mùi bùn đất. Vẫn biết rồi sẽ quay lại với núi đồi, với những ngôi nhà đơn sơ quen thuộc và có thể mang đến những điều hữu ích, thiết thực hơn để nuôi dưỡng những nụ cười thơ trẻ ở Tà Lang, Giàn Bí, nhưng trong tôi hình ảnh con đường và tấm áo ấm cứ hiển hiện. Bởi lẽ, đồng bào Cơ tu không chỉ cần một con đường được thảm nhựa êm ả mà còn cần hơn cả là con đường đó có rộng mở về tương lai hay không. Trẻ em nơi đây không chỉ cần tấm áo ấm mùa đông mà cần hơn cả là cuộc sống đủ đầy để có thể thực hiện những ước mơ và khát vọng.
VĂN HÙNG