Cuộc sống mới của bà con làng Vân

Hơn 10 năm trước, nhân dịp cuối năm, chúng tôi ra thăm bà con làng Vân cùng với đoàn công tác xã hội của Quận Đoàn Liên Chiểu. Khách đến, cả làng vui như hội, nhưng khi những người khách cuối cùng lên thuyền về đất liền thì dường như niềm vui cũng vơi đi rất nhiều. Làng Vân vẫn là ốc đảo tách biệt với bên ngoài. 

Nhưng những ngày cuối năm Đinh Dậu này, khi chúng tôi ghé thăm bà con ở tổ 9, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Cũng là những người dân đó, nhưng bây giờ họ đã là cư dân đô thị, sống trong những dãy nhà xây kiên cố, ngay ngắn, nằm sát bên đường biển Nguyễn Tất Thành nhộn nhịp. Trò chuyện với chúng tôi về đời sống bà con làng Vân, ông Phạm Trưng, cán bộ văn hóa xã hội phường Hòa Hiệp Nam không giấu niềm vui: Điều chính quyền địa phương lo nhất không phải là cơm áo gạo tiền của bà con làng Vân khi chuyển về đất liền, mà chính là sự xa lánh của những người dân sống gần đó và lo người dân làng Vân sẽ tự ti, mặc cảm xa lánh cộng đồng. Nhưng đến giờ thì điều đó đã không xảy ra, ngược lại bà con đã hòa nhập rất tốt với cuộc sống mới. Gần như không hề có khoảng cách giữa bà con ở tổ 9 với các tổ lân cận nói riêng và địa phương nói chung. Cũng nhờ vậy mà mọi việc của người dân thuận lợi hơn khi 100% các em trong độ tuổi đều đến trường, người đến tuổi lao động đều có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Mặc dù tổ vẫn còn 44/84 hộ nghèo, nhưng đây là những trường hợp bất khả kháng vì thuộc diện bị di chứng bệnh tật không thể lao động được. Tuy nhiên, những hộ này nhận được đầy đủ các chế độ chính sách như trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe miễn phí, được ưu tiên nhận quà và sự quan tâm nên cuộc sống của họ hiện rất ổn định.

Chung dòng suy nghĩ này, bà Nguyễn Phạm Thái, tổ trưởng tổ 9 chia sẻ thêm: “Điều lo sợ nhất khi chúng tôi rời làng Vân về đây sinh sống là sự xa lánh của cộng đồng và lo cả việc bà con mình sẽ “co” lại không hòa nhập, nếu vậy thì dù có vô đất liền cũng là “ốc đảo” trong lòng họ thôi. Thế nhưng, điều đó không xảy ra, bà con tổ 9 và các tổ lân cận như tổ 7, tổ 8 rất thân thiện và đoàn kết. Thậm chí những ngày cuối tuần hay lễ, Tết, ở đây còn vui hơn các tổ dân phố khác, khi bà con sang đây cùng tổ sinh hoạt, ăn uống chung rất vui vẻ”. Còn ông Phạm Tấn Bảy thì xúc động cho biết đã sống 30 năm ở làng Vân, nhưng vẫn không thể quen được cảm giác buồn và cô đơn mỗi khi Tết đến. Cuối năm bao giờ cũng có rất nhiều đoàn lãnh đạo thành phố, quận, phường và các nhóm từ thiện đến thăm, tặng quà, nhưng khi họ rời đi là buồn vô cùng. Thế nhưng 5 năm gần đây, khi về sống ở tổ 9, phường Hòa Hiệp Nam thì không còn cảm giác đó nữa. “Chúng tôi thực sự thấy mình là dân của thành phố Đà Nẵng trên tất cả mọi lĩnh vực. Bây giờ an tâm sống tuổi già với mức trợ cấp 400.000 đồng/tháng. Các con của tôi đều có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp ở quận Liên Chiểu”, ông Bảy nói. Với ông Nguyễn Văn Xứng, năm nay đã bước sang tuổi 82, đây quả thật là cuộc đổi đời không tưởng. Bây giờ, ông “được mọi thứ”, tụi nhỏ được đi học, mấy đứa trẻ được đi làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn, còn người già được chăm sóc y tế đầy đủ, muốn đi đâu cũng thuận lợi.

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND phường Hòa Hiệp Nam, đến ngày 6-2, đã có 9 đoàn từ thiện đăng ký thăm và tặng quà cho bà con ở tổ 9 với tổng số tiền gần 130 triệu đồng. Ngoài ra, UBND thành phố, quận và phường đều có kế hoạch đến thăm và tặng quà Tết cho bà con nhân dịp Tết Mậu Tuất.

THANH VÂN

;
.
.
.
.
.
.