Bến Đò Xu, quận Cẩm Lệ là nơi diễn ra trận đánh máu lửa của Tiểu đoàn R20 vào Tết Mậu Thân 1968 với hàng trăm chiến sĩ giải phóng quân tuổi vừa đôi mươi và những người dân đã ngã xuống. Có người còn nằm lại ở lòng sông, có người trở về cuộc sống đời thường với những vết thương mãi không lành...
Ông Trần Văn Duy, Trợ lý tác chiến Tiểu đoàn R20 ngày ấy vẫn còn giữ tấm ảnh kỷ niệm chụp cùng đồng đội. |
Bến Đò Xu giờ vẫn còn một tấm bia nhỏ là chứng tích của trận chiến năm ấy. Tấm bia nằm lặng lẽ như một phần lịch sử. Ước mong của người dân nơi đây là có một nhà bia tưởng niệm xứng đáng để tri ân hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn R20 và nhân dân đã hy sinh trong trận Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.
Trong ngôi nhà nhỏ ở đường Nguyễn Chí Thanh, đến giờ ông Trần Văn Duy, Trợ lý tác chiến Tiểu đoàn R20 vẫn còn nhớ như in ngày gia nhập tiểu đoàn khi chưa đến 20 tuổi. Ông đã cùng đồng đội làm nên những chiến công vang dội ở Gò Hà, Gò Nổi, vùng B Đại Lộc, đường 100, cây Da Lý, biền dâu Xuyên Thanh... Tên tuổi của R20 vang xa đến nỗi người dân có câu vè: “Trên trời có phản lực cơ. Ở dưới mặt đất có R20”.
Đi cùng Tiểu đoàn R20 có Sở chỉ huy tiền phương của Đặc Khu ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 Quảng Đà. Nhiệm vụ của Tiểu đoàn R20 lúc bấy giờ là thọc sâu đánh chiếm Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy và một số mục tiêu quan trọng khác, hỗ trợ quần chúng nổi dậy kết hợp lực lượng biệt động bên trong Đà Nẵng chiếm các cơ quan trọng yếu, làm chủ địa bàn, mở đường cho Sư đoàn 2, Quân khu 5 vào chiến đấu.
23 giờ 30 đêm giao thừa, Tiểu đoàn R20 vượt sông Hòa Đa đến Trung Lương - Cồn Dầu thì được biết ghe thuyền của quần chúng chuẩn bị cho bộ đội và nhân dân vượt sông đã bị địch bắn phá gần hết nên đành phải tổ chức bơi bộ qua sông Trung Lương vào chiếm lĩnh các mục tiêu, làm bàn đạp cho đơn vị vượt sông.
Bà Trần Thị Giàu xúc động khi kể về những ngày làm giao liên trong chiến tranh. |
Thế nhưng, đến 2 giờ 30 sáng mồng Một Tết Mậu Thân, đài 15W của bộ phận tiền phương nhận lệnh của Sở chỉ huy Trung tâm Mặt trận 4 Quảng Đà là rút quân ra chờ đêm sau, tức đêm mồng Hai Tết - thời gian hiệp đồng toàn miền Nam nổ súng nhưng lực lượng đông đảo như vậy không thể rút ra ngoài kịp khi chỉ còn hơn một tiếng nữa là trời sáng.
Chỉ huy Tiểu đoàn R20 và Bộ Tư lệnh tiền phương hội ý thống nhất gửi điện báo cáo và đề nghị Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 cho nổ súng. Trận đánh bắt đầu, khi pháo của ta dội vào sân bay Nước Mặn phát lệnh tiến công, 57 chiến sĩ bộ phận vượt sông đã anh dũng mở cửa vượt qua các lớp rào, đánh thẳng vào Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1.
Biết lực lượng của ta vào bên trong thành phố không nhiều, địch điều động bộ binh và xe tăng phản kích chiếm lại; nhiều chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh sau khi tiêu diệt địch. Trong khi đó, đại bộ phận tiểu đoàn còn bên Trung Lương.
Quân địch phát hiện, cho máy bay trực thăng, phản lực bắn phá, cùng xe tăng, bộ binh đổ bộ; cuộc chiến càng về trưa càng ác liệt hơn. Các chiến sĩ Tiểu đoàn R20 chiến đấu ngoan cường, gây cho địch nhiều tổn thất. Đến trưa mồng Hai Tết, Tham mưu trưởng Mặt trận 4 Nguyễn Hữu Đức và Phó Chính ủy Mặt trận 4 Mai Đăng Chơn hy sinh, Chủ nhiệm Chính trị Trần Sinh bị thương nặng chỉ còn lại Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Trí.
Qua 3 ngày đêm của Tết Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn R20 đã diệt nhiều quân Mỹ, ngụy, bắn cháy và phá hủy 4 máy bay trực thăng, 1 phản lực, 3 xe tăng và nhiều phương tiện của địch, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng tấn công xuân Mậu Thân 1968.
Thế nhưng, đây cũng là lần R20 chịu tổn thất lớn. Ông Duy quay đi, cố nén xúc động và đến bàn thờ thắp nén hương tưởng niệm những đồng đội đã khuất. Ông điểm tên từng người, anh Sinh, anh Ba... “Chỉ mới đó thôi, tui với thằng Ba còn cùng ăn một chiếc bánh mì. Nó bảo sau đợt này sẽ về thăm nhà, thăm ba má vì cũng lâu rồi. Thế mà...”, ông Duy bỏ lửng câu nói, quay đi.
Tham gia trong trận chiến năm ấy không chỉ có bộ đội mà còn có hàng trăm người dân làm những công việc thầm lặng phía sau. Là “nhân chứng sống” trong trận chiến năm ấy, bà Trần Thị Giàu (67 tuổi, tổ 44, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu), người làm nhiệm vụ chèo đò đưa bộ đội qua sông đến bây giờ vẫn còn nhớ như in cảm giác năm ấy.
“Ngày ấy, nhận nhiệm vụ đưa bộ đội qua sông, tui háo hức lắm. Khi đó không sợ chết, chỉ sợ không làm tốt nhiệm vụ được giao”, giọng bà Giàu hào sảng. Mới 12, 13 tuổi, cô bé Giàu đã tham gia giao liên và nhận nhiều nhiệm vụ như: đốt đèn làm tín hiệu cho bộ đội đến, canh chừng quân địch để báo với bộ đội.
Lần này, nhận nhiệm vụ quan trọng, cô gái 17 tuổi chuẩn bị khá kỹ và cũng tự tin vào khả năng của mình bởi vì bơi rất giỏi. Thế nhưng, khi đó bom đạn mù trời, chỉ kịp nghe một tiếng nổ “ùm”, chiếc ghe bị lật úp, cô và những chiến sĩ ngồi trên ghe đều rớt xuống sông.
Giàu lúc ấy chỉ cảm thấy tê buốt ở cột sống và hai chân cũng tê cứng nên chới với trên mặt nước chứ không bơi được vào bờ. Sau đó, cô được cứu và đưa đi chữa trị. Nỗi đau chiến tranh đến giờ vẫn còn hằn sâu trên thân thể khi đôi chân của bà dần bị liệt và phải ngồi xe lăn.
Ước mơ về một mái ấm gia đình cũng cứ dần xa tay với, bà Giàu xin một đứa trẻ về làm con nuôi để vui lúc tuổi già. Dẫu cuộc sống không bình lặng nhưng trong ánh mắt của bà vẫn ánh lên niềm tự hào khi nhắc về quá khứ. “Mất mát của bản thân mình có là gì. Đã chấp nhận hy sinh để giành lại tự do, độc lập cho dân tộc thì sao phải nghĩ suy”, bà Giàu nói.
Ngày nay trên đường Thăng Long (đoạn gần cầu Hòa Xuân), nhân dân địa phương đã xây dựng Bia tưởng niệm nổi dậy Xuân Mậu Thân và nơi đây trở thành địa điểm tổ chức các hoạt động nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ và những ngày lễ trọng hằng năm.
Nguyện vọng của những người từng tham gia cuộc tổng tiến công năm ấy cũng như người dân nơi đây là thành phố quan tâm chọn nơi đây xây dựng Đài Tưởng niệm các chiến sĩ và nhân dân hy sinh trong cuộc Tổng tấn công và nổi dây Xuân Mậu Thân 1968 và là nơi tổ chức thả hoa đăng hằng năm để tri ân những người đã ngã xuống. Đây cũng là hoạt động giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Theo ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đây là nguyện vọng chính đáng.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ