Hạnh phúc khi lập nghiệp ở quê hương

.

ĐNO - "Nếu như trước đây, nhiều bạn trẻ cho rằng, học xong có cơ hội định cư ở nước ngoài là điều may mắn thì nay lại có xu hướng quay về nước. Vẫn biết thời đại hội nhập, người trẻ là công dân toàn cầu nhưng với họ, được cống hiến, đóng góp, làm giàu ngay tại quê hương Đà Nẵng mới là niềm hạnh phúc".

Một du học sinh đã định cư tại Đức khẳng định như vậy khi nói về quyết định trở về thành phố lập nghiệp của mình.

Kiều bào trò chuyện trong buổi gặp mặt do thành phố tổ chức
Các kiều bào trò chuyện trong buổi gặp mặt do thành phố tổ chức.

Lá rụng về cội

Định cư tại Hoa Kỳ gần 50 năm, trong 10 năm gần đây ông Nguyễn Một năm nào cũng trở về Đà Nẵng đón Tết. Mỗi lần về là một lần ông ngạc nhiên trước sự đổi thay nhanh chóng của thành phố.

“Năm nào cũng về vậy mà có lúc tưởng chừng như mình đi lạc ngay trên chính quê hương mình. Thành phố phát triển nhanh quá, chẳng kém gì những thành phố nhiều nước phương Tây mà tôi từng đến”, ông Một nói.

Là người có thâm niên làm trang trại nông nghiệp tại bang Texas, ông Một đang có ý định tìm kiếm cơ hội đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Nẵng.

"Tôi đã xem thông tin trên báo, đài trong nước và hiểu đây là lĩnh vực được chính quyền thành phố khuyến khích. Tôi mong muốn đem kinh nghiệm sản xuất nông sản sạch đóng góp cho quê hương Đà Nẵng nhằm mục đích gắn kết đại gia đình ở xứ người với quê cha, đất tổ", ông Một nói.

Rời đất nước từ năm 1972 sang Pháp học rồi đến Hoa Kỳ định cư, sau 46 năm mới trở về Đà Nẵng, bà Ôn Mẫn Linh cho rằng Đà Nẵng hiện đại, văn minh không kém gì Singapore.

Bà Linh góp ý: “Cuối năm 2017 thành phố có phát động chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng” nhân sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, khuyến khích mỗi người dân là một đại sứ du lịch.

Đây là cách làm tương tự như chính quyền tiểu bang Hawai đã làm để phát triển du lịch. Chính quyền thành phố nên duy trì chiến dịch này, tạo hiệu ứng tốt cho phát triển du lịch”.

Sau thời gian dài định cư ở Hoa Kỳ, khi đến tuổi nghỉ hưu, anh Bảo Hòa quyết định trở về quê hương Đà Nẵng. Sau 7 năm, anh đã xây dựng thành công thương hiệu cà phê Caracoli với 3 nhà hàng thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước đến thưởng thức.

Dịp Tết Bính Thân 2016, anh Bảo Hòa tham gia Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ doanh nhân kiều bào thành phố Đà Nẵng. Câu lạc bộ đi vào hoạt động đã góp phần kết nối hàng chục doanh nhân kiều bào đầu tư vào thành phố, góp phần đưa số dự án của doanh nhân kiều bào lên 70 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng.

“Bao năm làm ăn xa xứ, nay có tuổi rồi ai cũng muốn về quê hương. Lá rụng về cội mà”, anh Hòa nói.

Người trẻ trở về

Theo tiếng gọi quê hương, doanh nhân trẻ Mark Nguyễn đang định cư ở Hoa Kỳ đã về Đà Nẵng mở nhà máy sản xuất cửa chớp cao cấp Vina Window Fashions tại quận Cẩm Lệ, sản phẩm bước đầu khẳng định được uy tín thương hiệu.

Sản phẩm Vina Window Fashions không chỉ phát triển lớn mạnh trong nước mà còn xuất khẩu đến các nước Hoa Kỳ, Đài Loan , Singapore. Mark Nguyễn cho hay, đầu tư về nước là gợi ý cho ba mẹ vì lâu nay gia đình anh rất quan tâm theo dõi tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong nước và đặc biệt ấn tượng về sự phát triển nhanh chóng của Đà Nẵng, một thành phố trẻ, năng động bậc nhất miền Trung-Tây Nguyên.

Mark Nguyễn cho hay: “Ba mẹ tôi đã về nước tìm hiểu nhiều lần và nhận thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam ngày càng tiến bộ, hòa nhập với thế giới nên khuyến khích tôi về nước mở chi nhánh công ty.

Bên cạnh những thuận lợi ban đầu, công ty vẫn còn gặp vấn đề khi năng suất và kỷ luật lao động trong nước chưa thể bằng nhân công nước ngoài. Ngoài ra vẫn còn rào cản nhỏ trong thủ tục hành chính. Tuy nhiên, tôi tin chính quyền thành phố đang quyết tâm thúc đẩy phát triển thành phố, những hạn chế này sẽ sớm được giải quyết".

Hà Nguyễn Quốc Hùng – một du học sinh đã tốt nghiệp và định cư tại Đức được 7 năm cũng quyết định trở về Đà Nẵng dịp Tết Nguyên đán 2018 với dự định mở Trung tâm tư vấn du học, đào tạo nghề ở Đức.

Hùng kể, sau khi học xong, anh tìm được việc làm và có cơ hội định cư ở Đức nhưng thông tin về sự phát triển của đất nước, nỗi nhớ quê hương không ngừng thôi thúc anh trở về.

“Nếu như trước đây, nhiều bạn trẻ cho rằng, học xong có cơ hội định cư ở nước ngoài là điều may mắn thì nay lại có xu hướng quay về nước. Vẫn biết thời đại hội nhập, người trẻ là công dân toàn cầu nhưng được cống hiến, đóng góp, được làm giàu ngay tại quê hương mình, gần gũi người thân mới là điều hạnh phúc”, anh Hùng nói.

Bài và ảnh: SƠN TRUNG
 

;
.
.
.
.
.
.