Lắng nghe 16 ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc và sẽ đưa ra giải pháp sớm nhất.
Sáng 26-2, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã tổ chức hội nghị với các hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan có liên quan về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư số 03-2018/TT-BGTVT về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì hội nghị lắng nghe các ý kiến về Nghị định 116 và Thông tư 03. - Ảnh: VGP |
Cùng dự có ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT; ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương; đại diện Đại sứ quán các nước: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu; đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là các cơ quan, đơn vị phải bắt tay ngay vào công việc, đặc biệt là những công việc tồn đọng do nghỉ Tết, những công việc và thủ tục trực tiếp liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhân dân.
Thời gian qua, sau khi Nghị định số 116/2017/NĐ-CP và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT được ban hành, VPCP đã nhận được một số phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, cơ quan báo chí liên quan đến khó khăn, vướng mắc, bất cập tại 2 văn bản trên, nhất là trong lĩnh vực nhập khẩu ô tô. Vì vậy, VPCP tổ chức cuộc họp này với mong muốn lắng nghe, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc cụ thể của các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ, Việt Nam là nước đang phát triển, hội nhập sâu rộng, tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, song Việt Nam cũng cần có bước đi của mình. Việt Nam tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu ô tô, nhưng cũng cần bảo đảm nền sản xuất tự chủ. Việt Nam không đặt vấn đề bảo hộ tuyệt đại đa số với sản xuất trong nước nhưng cũng phải có quan tâm một mức độ nào đó.
Bộ trưởng nhấn mạnh rằng với các nhà đầu tư trong lĩnh vực ô tô, Việt Nam đã có những chủ trương, cơ chế, chính sách hết sức nhất quán để các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất tại Việt Nam. Chẳng hạn riêng tại Vĩnh Phúc, năm 2017, ngân sách đã hụt thu khoảng 4-5 nghìn tỷ do những chính sách ưu đãi thuế với thiết bị ô tô.
Hội nghị hôm nay nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp để sửa đổi, hoàn thiện các quy định tại 2 văn bản nêu trên đáp ứng theo đúng thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà vẫn bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm các yêu cầu về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường…
Hai luồng ý kiến
Tại hội nghị, đã có những tranh luận thẳng thắn liên quan đến Nghị định 116, Thông tư 03 và không khí đã có lúc trở nên khá gay gắt với có hai luồng ý kiến.
Luồng ý kiến thứ nhất của một số doanh nghiệp như Toyota, Ford, GM… Các doanh nghiệp này bày tỏ quan ngại sâu sắc trước một số quy định hành chính trong Nghị định 116, cho rằng các quy định này không theo thông lệ quốc tế, làm gián đoạn và hầu như ngưng hoạt động nhập khẩu ô tô vào Việt Nam.
Cụ thể, họ cho rằng quy định về “giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài” là không phù hợp thông lệ quốc tế. Các nước chỉ cấp chứng nhận với xe lưu hành trong nước, chứ không chứng nhận cho xe xuất khẩu.
Quy định kiểm định theo từng lô đối với xe nhập khẩu cũng được cho là gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp này cũng không đồng tình với quy định phải có đường thử xe có chiều dài tối thiểu 800m bởi những khó khăn, tốn kém về quỹ đất, đầu tư; hơn nữa, các hãng xe có những công nghệ khác nhau để bảo đảm chất lượng, không nhất thiết phải có đường thử dài 800m…
Hơn nữa, ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam cho biết các doanh nghiệp chỉ có thời gian chuẩn bị ngắn trước khi Nghị định có hiệu lực. “Hiện Ford vẫn chưa dám nhận đơn hàng vì nếu xe không đạt yêu cầu sẽ phải buộc tái xuất, nhưng tái xuất đi đâu là cả một vấn đề, vì các nước có những yêu cầu khác nhau”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, luồng ý kiến thứ hai đến từ đại diện các doanh nghiệp như Trường Hải, Hyundai Thành Công, họ liên tục đưa ra các ý kiến phản biện.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Hải khẳng định giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là rất cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Ông Dương cũng cho rằng giấy chứng nhận này không nhất thiết phải do cơ quan nhà nước các nước cấp, mà có thể do các tổ chức có thẩm quyền khác, chẳng hạn xe của Đức có thể xin các giấy chứng nhận từ các tổ chức ở quốc gia khác.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công cũng đồng tình với Trường Hải và nhấn mạnh rằng nếu ô tô sản xuất trong nước phải qua thử nghiệm thì xe nhập khẩu cũng phải thử nghiệm. Còn giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là cơ sở đầu tiên để các cơ quan nhà nước và cả người tiêu dùng đánh giá xem chiếc xe nhập khẩu có đáp ứng được yêu cầu hay không.
Cả ông Trần Bá Dương và ông Lê Ngọc Đức đều cho rằng Nghị định 116 đã tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu ô tô. “Tôi nghĩ không nên hoãn việc thực thi Nghị định, bởi như thế sẽ không công bằng với các doanh nghiệp đang nỗ lực, cố gắng để đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định”, ông Dương nói.
Trong khi đó, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đều nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
“Chúng tôi hết sức lắng nghe với tinh thần cầu thị, không bao giờ có ý tưởng tạo rào cản cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện có thể có những khó khăn, vướng mắc, các bên phải ngồi lại với nhau để hoàn thiện hành lang pháp lý”, Thứ trưởng Thọ nói và cho biết các vướng mắc cụ thể cũng sẽ được giải quyết, ví dụ với các lô hàng được ký hợp đồng trước khi Nghị định có hiệu lực sẽ được xem xét, xử lý phù hợp.
Sẽ có các giải pháp sớm nhất
Sau khi lắng nghe 16 ý kiến, phát biểu kết thúc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định Nghị định 116 được xây dựng công phu, trước khi ban hành đã lấy ý kiến các doanh nghiệp, các đối tượng tác động. Chủ trương là tạo cơ chế chính sách tốt hơn nhằm thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước để sản xuất ô tô chất lượng. Cùng với đó, Chính phủ cũng tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt bỏ các rào cản, thủ tục bất hợp lý; đồng thời quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ…
Theo Bộ trưởng, các vấn đề đã được nêu ra tại Hội nghị rất rõ, trong đó nhiều vấn đề cần nghiêm túc xem xét thấu đáo. “Ngay cả Thông tư 03, tại sao lại đưa ra những điều kiện như bản sao giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước, rồi bổ sung yêu cầu về “hóa đơn thương mại” có ý nghĩa gì?”, Bộ trưởng đặt vấn đề và nhấn mạnh yêu cầu phải tạo sự bình đẳng trong sản xuất và kinh doanh.
Bộ trưởng đề nghị các cơ quan nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp ủng hộ chủ trương của Việt Nam là phát triển ngành công nghiệp ô tô để dần từng bước tự chủ và tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa thông qua các cơ chế, chính sách và chính sách thuế. Không đặt rào cản hành chính để tạo chi phí, ví dụ việc thử nghiệm từng lô xe mất tới 2 tháng và chi phí 10.000 USD thì các cơ quan phải nghiêm túc xem xét.
“Hôm nay, chúng tôi không kết luận tại đây mà sẽ tiếp thu nghiêm túc và sẽ đưa ra giải pháp sớm nhất. Chậm nhất, trong tuần sau sẽ họp các bộ, cơ quan để xem xét từng khía cạnh, từng vấn đề”, Bộ trưởng cho biết và đề nghị Bộ Công Thương, Bộ GTVT và các cơ quan của VPCP tiếp thu, đưa ra các lý giải hết sức thỏa đáng với các doanh nghiệp.
“Chúng tôi đã nghe cả hai chiều, xin ghi nhận và tiếp thu toàn bộ các ý kiến. Đây là hội nghị rất quan trọng để làm rõ hơn về Nghị định 116, các yêu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội để chúng tôi báo cáo Thủ tướng các giải pháp cụ thể”, Bộ trưởng phát biểu kết thúc hội nghị.
Theo Chinhphu