Nghĩ về phát triển văn hóa Đà Nẵng

.

Nhân kỷ niệm 111 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh, đọc lại Đề cương Văn hóa Việt Nam do ông khởi thảo, nghĩ về phát triển văn hóa của Đà Nẵng. Người Đà Nẵng phải luôn trang bị cho mình một nội lực văn hóa để có thể sẵn sàng đương đầu và ứng phó linh hoạt trước mọi tình huống, sẵn sàng tiếp biến, khoan dung, hội nhập và phát triển nhưng không tan trong dòng chảy văn hóa nhân loại.

Đó chính là giá trị tư tưởng cốt lõi chỉ đạo con đường cách mạng văn hóa của Đảng mà chúng ta phải thấm nhuần mỗi khi đọc và nghĩ về Đề cương Văn hóa Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh thăm và làm việc với tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng năm 1985.  						              Ảnh: NGỌC HỢI
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh thăm và làm việc với tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng năm 1985. Ảnh: NGỌC HỢI

Cái gốc của đường lối văn hóa

Cách đây 75 năm, trong bối cảnh dân tộc Việt Nam một cổ hai tròng: Nhật, Pháp thi nhau vơ vét, bóc lột, đàn áp nhân dân ta, khủng bố phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo, đồng thời dùng những thủ đoạn phát xít để trói buộc và bức tử nền văn hóa nước ta, bản Đề cương Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh (1907-1988) khởi thảo đã trở thành ngọn đuốc soi đường, giúp cho văn hóa Việt Nam cởi mở xiềng xích, đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới.

Đề cương Văn hóa Việt Nam (gọi tắt là Đề cương) xác định rằng, muốn cách mạng thành công thì văn hóa phải trở thành một trong 3 mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa). Nền văn hóa mà cuộc cách mạng văn hóa Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa với phương pháp thực hiện theo 3 nguyên tắc “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa”.

Chính tư tưởng khoa học, cách mạng và sự mới mẻ của Đề cương đã tạo sức hấp dẫn lớn, thu hút các văn nghệ sĩ thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau đã đi theo cách mạng, tạo được dòng văn học nghệ thuật cách mạng, hiện thực chủ lưu, chi phối mạnh mẽ đời sống xã hội Việt Nam trong các cuộc kháng chiến cứu quốc, trở thành binh chủng hùng hậu trong kháng chiến, góp phần quan trọng vào những thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo.

Có thể nói, Đề cương Văn hóa Việt Nam là cái gốc của đường lối văn hóa, văn nghệ và từ cái gốc rễ cội nguồn ấy, cây văn hóa, văn nghệ xã hội chủ nghĩa nước ta đã đâm chồi nảy lộc, vươn cành ngày càng xanh tươi, đem hương thơm, trái ngọt cho đời. Kế thừa và phát triển tư duy lý luận, nguyên tắc vận động của Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943, trong những năm gần đây, Đảng đã có nhiều nghị quyết về phát triển văn hóa như:

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) được coi như cương lĩnh văn hóa của thời kỳ mới với mục tiêu “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Những mục tiêu nêu trong các nghị quyết của Đảng đang đặt ra cho văn hóa nước nhà thêm nhiều nhiệm vụ, ở đó các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ của cả nước phải luôn sáng tạo, tìm tòi, định hướng cho những giá trị chân - thiện - mỹ, đóng góp tích cực vào quá trình dân chủ hóa, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân..

Khát vọng của một vùng đất anh hùng

Soi tư tưởng, định hướng của Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời trong những năm tháng giữ nước, nhìn vào thực tiễn phát triển văn hóa của Đà Nẵng hôm nay, trong bối cảnh xây dựng và phát triển thành phố sôi động với mục tiêu trở thành thành phố đáng sống, dường như tất cả chúng ta chưa thể hài lòng với công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa mà chúng ta đang làm.    

Đảng ta luôn xem văn hóa là một lĩnh vực hết sức quan trọng và trong Đề cương cũng xác định mặt trận văn hóa là một trong 3 mặt trận mà người Cộng sản phải làm. Nhưng trên thực tế, ở thành phố chúng ta, việc chăm lo phát triển văn hóa của các cấp ủy Đảng có lúc có nơi còn chưa được chú trọng.

Trong gần 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, chúng ta chưa có được sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. TS Takjit Nahitmit (Philippines), người từng  làm việc cho một cơ quan của Liên Hợp Quốc tại Paris nói đại ý rằng: lúc kinh tế càng lao nhanh thì càng cần có văn hóa phát triển, bởi kinh tế là “chân ga” mà văn hóa chính là “chân thắng”. “Chân thắng” sẽ giúp cho cỗ xe kinh tế đến đích được an toàn.

Nhưng nếu hiểu một cách toàn diện về văn hóa thì văn hóa không chỉ là “chân thắng” lúc kinh tế “chệch choạc”, mà văn hóa còn là “chân ga”, bởi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực. Vì vậy, phải dồn hết tâm sức chăm lo cho văn hóa ngay trong lúc đầu tư cho phát triển kinh tế.

 Vài năm trở lại đây, công cuộc phát triển văn hóa của  thành phố đã được quan tâm nhiều hơn về đầu tư thiết chế văn hóa, nhưng câu chuyện phát triển văn hóa không phải chỉ cần có tiền, có thiết chế, mà muốn làm văn hóa thì trước hết và quan trọng nhất vẫn là đầu tư cho con người.

Con người tạo ra các sản phẩm văn hóa, con người hưởng thụ những sản phẩm đó và con người quản lý. Đến nay, thành phố đã xây dựng các chương trình hành động triển khai các Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII); Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI), trong đó chỉ rõ: vấn đề then chốt là người chỉ đạo định hướng, người quản lý điều hành, người thực hiện và nhấn mạnh vấn đề cốt lõi, trung tâm của xây dựng văn hóa là xây dựng con người có nhân cách, đạo đức tốt đẹp. Vấn đề là cần phải triển khai một cách sáng tạo và hiệu quả các chương trình này.

Thực hiện nguyên tắc “dân tộc hóa” như Đề cương đề cập, văn hóa Đà Nẵng phải thể hiện được khát vọng của một vùng đất anh hùng. Đó là khát vọng gìn giữ và xây dựng những con người có lòng yêu nước, có tinh thần dân tộc, nhân văn và sáng tạo, xứng đáng với những nhân cách lớn, trí tuệ cao như cụ Phan Châu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Trong quá trình tiếp biến văn hóa thời hội nhập quốc tế sâu rộng thì văn hóa Đà Nẵng có sứ mệnh phải củng cố, làm mạnh thêm nội lực bằng những giá trị đạo đức, di sản và bản sắc văn hóa riêng của chính mình, lấy nội lực làm nền tảng để tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của các nền văn hóa khác nhằm hoàn thiện và phát triển văn hóa thành phố.

Người Đà Nẵng còn phải có một tinh thần quyết tâm xây dựng văn hóa trong Đảng bằng nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, nhất là người đứng đầu để có được niềm tin yêu của nhân dân; một tinh thần quyết tâm bảo vệ hệ giá trị đạo đức xã hội và xây dựng quy tắc ứng xử chuẩn mực giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với công việc… thông qua tuyên truyền, giáo dục để chủ động phòng tránh những tác hại bởi mặt trái của cơ chế thị trường.

Nội hàm về tính “dân tộc” trong Đề cương Văn hóa còn phải được hiểu là sự gìn giữ và phát huy những thương hiệu mà mỗi người dân thành phố đã dày công xây đắp. Xây dựng thương hiệu chính là công việc vừa là văn hóa, vừa là kinh tế. Thương hiệu thành phố đáng sống chỉ có thể được tạo nên bằng chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các chỉ số đo lường niềm tin, nhân cách, trí tuệ, tâm huyết.

Thực hiện nguyên tắc “đại chúng hóa”, văn hóa Đà Nẵng phải là của nhân dân và do nhân dân tạo ra, giữ gìn và phát huy. Những người làm văn học nghệ thuật cần phải biết kế thừa những cái tốt đẹp sẵn có, tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng cao, tạo được sức sống cho văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại, tránh những tác phẩm nông cạn, hời hợt theo tư duy đại chúng một cách xơ cứng, phong trào.

Vẫn là thơ, văn, ca kịch, bài chòi, hát bội nhưng dưới bàn tay, khối óc, tài năng và nhiệt huyết của văn nghệ sĩ Đà Nẵng, tác phẩm đó phải được sáng tạo với mục đích phát huy chính giá trị của nó trong đời sống hôm nay, có ích cho xã hội hiện đại, được công chúng đón nhận.

Phát triển văn hóa của Đà Nẵng phải luôn giữ cho được nguyên tắc “khoa học hóa”, chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ. Đó là kim chỉ nam để Đà Nẵng xây dựng một nền văn hóa nói không với suy thoái đạo đức, nói không với tiêu cực và tệ nạn xã hội; một môi trường giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện; một lối sống văn minh, hiện đại, nhân văn, giàu bản sắc; một nền tảng văn hóa vững chắc lấy văn minh làm bệ đỡ và quan trọng hơn cả là một tinh thần đổi mới, khoa học để đưa các nghị quyết văn hóa của Đảng đi vào đời sống.

Đà Nẵng trong lịch sử, hôm nay và mai sau vẫn là vùng đất của trăm vùng.   

Đặng Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng  ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.
.