Nhà thơ với báo Xuân

Có nhà thơ nói rằng, làm thơ đăng báo lai rai cũng không sướng bằng có một bài thơ đăng trên ấn phẩm Xuân. Nhà thơ trông ngóng tác phẩm của mình chẳng khác gì người chăm hoa cả năm, đến Tết ngắm hoa nở đẹp.

Đến giờ phút này, các ấn phẩm báo Xuân Mậu Tuất đã đến tay bạn đọc. Và trong câu chuyện ngày cuối năm của các nhà thơ có bài đăng báo Xuân năm nay cũng rộn ràng những chia sẻ về đề tài, văn phong, cảm hứng sáng tác. Nhà thơ Bùi Công Minh nói rằng, cảm hứng về mùa Xuân, về ngày Tết cổ truyền luôn là đề tài thường trực trong tâm hồn nghệ sĩ ở mọi loại hình nghệ thuật. Riêng với người làm thơ, không ít thì nhiều, ai cũng có một vài bài ghi lại cảm xúc của mình khi mùa Xuân đang tới, hoặc ngay trong những ngày đầu năm âm lịch. Các cụ xưa gọi là “khai bút” đầu Xuân. Có người coi “khai bút” như một tục lệ, thực hiện nghiêm cẩn để “lấy may” cho nghiệp văn bút cả năm. “Là người làm thơ, tôi luôn dành cho thơ Xuân một mảng đề tài riêng. Có điều, tôi ít khai thác cảm xúc phơi phới của ngày đầu năm mà thường nắm bắt những cảm xúc chợt đến trong những ngày chuẩn bị Tết, những phút giây suy nghiệm khi một năm vừa qua đi, những buồn vui đọng lại, những việc dự định nhưng không thành. Đôi khi, chính những suy nghiệm, cảm xúc buồn lại tạo sức mạnh cho mình hướng tới điều tốt đẹp và vui tươi hơn vào năm sau”, ông bộc bạch. Với tâm thế đó, hầu như năm nào nhà thơ Bùi Công Minh cũng gửi bài cộng tác báo Xuân. Trong số những bài thơ tác giả viết về mùa xuân thì “Trà xuân” gói gọn khá nhiều tâm tư. “…Ta ngồi một góc riêng nho nhỏ/Chén trà phả khói, ngỡ mây xanh/Cho ta gửi tới nghìn vô tận/Khát vọng thanh xuân, việc chửa thành/Rót thêm chén nữa rồi chén nữa/Cứ chi phải rượu mới say người/Độc ẩm, ta tìm nơi vắng vẻ/Rượu nồng, người chọn chốn xinh tươi. Với hai câu thơ cuối, tác giả “nhại” cách nói của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài “Cảnh nhàn”: Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/Người khôn, người chọn chốn lao xao.

Guồng quay làm báo Xuân thì năm nào cũng vậy. Trước Tết Nguyên đán độ 2 tháng, các tòa soạn báo sẽ đăng tin mời cộng tác viên tham gia viết bài. Những việc đã thành lệ như thế tưởng sẽ giúp các nhà thơ có sự chuẩn bị trước cho sản phẩm xuân của mình; thế nhưng vẫn cứ phải đợi tháng Chạp đã về, khi cây mai trước hiên nhà thay lá… thì cảm xúc mới thực sự “réo gọi” nhà thơ. Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên nói cảm xúc này là “một diệu lực của tự nhiên”. Bởi trong 11 tháng của năm, nhà thơ vẫn suy tư, ấp ủ đề tài nhưng phải “vào mùa” mới viết được, chẳng khác nào cây lá phải đến mùa mới đâm chồi, nảy lộc. Với ông, những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới luôn chất chứa cảm xúc rất thiêng liêng, khó giải thích trong tâm trạng mỗi người, chẳng cứ người làm thơ. Nhưng người làm thơ khác với mọi người ở chỗ có thể diễn đạt được cảm xúc dào dạt ấy lên trang giấy.

Có thể nói, ấn phẩm Xuân là tập hợp những bài viết tâm huyết của mỗi tác giả. Nội dung tờ báo Xuân cũng thể hiện thẩm mỹ văn chương và phần nào “khoe” được năng lực của đội ngũ làm văn hóa. Chính vì vậy, bất cứ người làm thơ nào cũng khao khát tác phẩm của mình được xuất hiện trên tờ báo Xuân. Thơ Xuân được đăng báo Xuân thì còn gì bằng! Theo nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên, cái thú và niềm kiêu hãnh của người làm thơ còn là việc được mời khách đến chơi nhà ngày Tết thưởng thức bài thơ xuân của mình trên ấn phẩm báo Xuân năm đó. Có thơ xuân đăng báo Xuân cũng là cách gần nhất để nhà thơ nhắn nhủ: “Thưa với cuộc đời, tôi còn đây”…

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.
.