Tết an vui

.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Du lịch, dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, lượng khách do các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố khai thác đạt khoảng 44.380 lượt, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng mừng là dù hoạt động vui xuân, đón Tết diễn ra rất sôi động nhưng trên địa bàn thành phố không xảy ra tai nạn giao thông chết người, không có trọng án và không ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm.

Điểm trang trí hoa ở phía đông đường Bạch Đằng thu hút nhiều du khách nước ngoài. 														       Ảnh: HẢI ĐĂNG
Điểm trang trí hoa ở phía đông đường Bạch Đằng thu hút nhiều du khách nước ngoài. Ảnh: HẢI ĐĂNG

● Đà Nẵng đón gần 300.000 lượt khách du lịch

Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Đà Nẵng đón gần 300.000 lượt du khách trong nước và quốc tế. Đây là tín hiệu vui, mở đầu một năm mới sôi động và hứa hẹn nhiều thành quả cho ngành du lịch.

Khách quốc tế tăng cao

Theo các đơn vị lữ hành, lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng chủ yếu vẫn từ thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu, Mỹ. Cùng với việc tăng cường thêm các chuyến bay thẳng và tăng tần suất khai thác chuyến bay từ Hàn Quốc, Trung Quốc, các đơn vị lữ hành còn tổ chức các chương trình tour dành cho khách quốc tế với những trải nghiệm khám phá đón Tết cổ truyền tại Việt Nam.

Mồng 1 Tết, 180 du khách từ Hong Kong (Trung Quốc) với nhiều quốc tịch khác nhau xông đất Đà Nẵng từ chuyến bay UO 552 do hãng hàng không Hongkong Express khai thác. Đây là một trong số 27 đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng đang hoạt động (trong đó có 14 đường bay trực tiếp thường kỳ và 13 đường bay trực tiếp thuê chuyến với tần suất 233 chuyến/tuần). Từ ngày 14 đến 20-2 (tức từ 29 tháng Chạp đến mồng 5 tháng Giêng), 269 chuyến bay đưa 22.410 lượt khách quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có mặt trên chuyến bay đến Đà Nẵng, gia đình anh Ross HellAby (quốc tịch Anh) bất ngờ và thú vị khi được đón tiếp nồng hậu. Ross HellAby hy vọng gia đình anh có kỳ nghỉ tuyệt vời tại thành phố biển xinh đẹp trong dịp Tết cổ truyền của Việt Nam.

Sau chuyến bay UO 552, ngày 18-2 và 19-2 (mồng 3 và mồng 4 Tết), tàu biển Taishan và tàu Glory Sea do Công ty Saigontourist - Chi nhánh Đà Nẵng khai thác lần lượt đưa 400 khách và 700 khách quốc tịch Trung Quốc đến Đà Nẵng. Như thường lệ, khoảng 60-70% khách trên tàu mua tour đến các điểm tham quan, mua sắm của Đà Nẵng, Hội An (tỉnh Quảng Nam)...; số khách còn lại đi tự do.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, lượng khách quốc tế tăng cao trong dịp Tết năm nay do đây là mùa du lịch đối với các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và khách Việt kiều. Ngoài ra, thành phố có thêm một số đường bay quốc tế trực tiếp mới được đưa vào khai thác như: Incheon - Đà Nẵng (Vietjet Air, Eastar jet), Hong Kong - Đà Nẵng (Jetstar), Busan - Đà Nẵng (T’way), Daegu - Đà Nẵng (T’way, Air Busan), Osaka - Đà Nẵng (Jetstar), Yang yang - Đà Nẵng (Jetstar) và tăng thêm 89 chuyến bay, góp phần tăng lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng.

Người dân nhộn nhịp du xuân ở đường hoa trong tiết trời nắng đẹp. 				          Ảnh: KHẢ THỊNH
Người dân nhộn nhịp du xuân ở đường hoa trong tiết trời nắng đẹp. Ảnh: KHẢ THỊNH

Du khách nhộn nhịp du xuân

Thời tiết nắng đẹp cũng tạo thuận lợi để người dân địa phương và du khách đón Tết. Ngay từ sáng sớm những ngày đầu năm mới, các khu, điểm như chùa Linh Ứng, khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, Hội hoa Xuân tại Công viên 29-3, các cụm hoa Tết đường Bạch Đằng, khu vực đầu và đuôi cầu Rồng… luôn nhộn nhịp du khách. Vợ chồng bà Vũ Thị Khải (đến từ Singapore) có mặt tại Đà Nẵng từ chiều 30 Tết; sáng mồng 1, hòa vào dòng người khu vực trưng bày hoa Tết đường Bạch Đằng, bà Khải cho biết, dù đã đến Đà Nẵng nhiều lần nhưng năm nay vợ chồng bà vẫn chọn đón Tết ở thành phố này.

Trong khi đó, vợ chồng chị Werner Claudia (du khách Đức) cũng cảm thấy thú vị khi hòa vào dòng người đi lễ chùa tại khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. Đây là lần đầu tiên vợ chồng chị đón Tết cổ truyền tại Việt Nam, đón giao thừa cùng nhiều du khách khác tại khách sạn vợ chồng chị lưu trú. “Chúng tôi được thưởng thức những món ăn truyền thống của các bạn như bánh chưng, chả, nem... Chúng tôi có những ngày nghỉ rất tuyệt vời tại Đà Nẵng”, chị Claudia chia sẻ.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Du lịch, dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, lượng khách do các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố khai thác đạt khoảng 44.380 lượt, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2017. Nhiều công ty lớn như Vietravel, Vitours, Saigontourist, Vietnam Travel Mart... đều có các chùm tour cho du khách đến miền Trung và từ Đà Nẵng đi các địa phương lân cận cũng như đi nước ngoài. Tổng lượt khách lưu trú tại Đà Nẵng đạt khoảng 108.227 lượt, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2017. Thông tin từ các khách sạn cho hay, khách đặt phòng chủ yếu từ ngày 17-2 (mồng 2 Tết) đến 19-2 (mồng 4). Công suất phòng tại đa số các khách sạn 3-5 sao từ mồng 2 đến mồng 4 Tết đạt từ 70-98%, các ngày còn lại trung bình từ 50-60%. Khối khách sạn 4-5 sao, số ngày lưu trú bình quân khoảng 3,5 ngày; khối khách sạn 3 sao và tương đương, số ngày lưu trú bình quân khoảng 2,5 ngày.

Tại các khu, điểm du lịch trong thành phố như chùa Linh Ứng tại bán đảo Sơn Trà, khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, Bà Nà Hills, các khu, điểm du lịch sinh thái như Suối Đôi, Suối Hoa, Ngầm Đôi, Hòa Phú Thành, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài... đón khoảng 170.405 lượt khách, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2017. Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, dịp Tết năm nay, lượng khách đến nơi đây rất đông, chủ yếu đi lễ chùa, ngắm cảnh. Các điểm đến được nhiều khách ưa thích là động Vân Thông, động Huyền Không, động Âm phủ, chùa Tam Thai...

Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Đà Nẵng đón khoảng 296.972 lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó khách quốc tế khoảng 132.079 lượt, tăng 27,6%; khách nội địa đạt 164.983 lượt, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong 4 ngày (từ mồng 1 đến mồng 4), khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đón hơn 32.000 lượt khách, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách quốc tế là 14.000 lượt, tăng 40% so với cùng kỳ.

Nguồn: Sở Du lịch Đà Nẵng

Phong phú hoạt động văn hóa, giải trí dịp Tết

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài một tuần (từ 29 tháng Chạp đến hết mồng 5 tháng Giêng). Trong khoảng thời gian này, nhiều hoạt động văn hóa, giải trí diễn ra sôi nổi trên địa bàn thành phố, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Hô hát bài chòi tại Công viên 29-3 thu hút người dân.
Hô hát bài chòi tại Công viên 29-3 thu hút người dân.

Trong đêm giao thừa, đông đảo người dân và du khách đổ về khu vực trung tâm thành phố, đặc biệt là tuyến đường Bạch Đằng và đường Trần Hưng Đạo để vui chơi, thưởng thức chương trình nghệ thuật và chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa trên sông Hàn; đồng thời xem cầu Rồng phun nước và phun lửa lúc 21 giờ các đêm từ 14 đến 18-2 (tức ngày 29, 30 tháng Chạp năm Đinh Dậu và mùng 1, 2, 3 Tết Mậu Tuất). Tại Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu và Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang - hai điểm bắn pháo hoa của thành phố cũng diễn ra chương trình văn nghệ đón giao thừa phục vụ người dân hai quận, huyện vùng ven thành phố.

Trong sáng mồng một Tết, từng dòng người đổ về vãn cảnh và viếng hương tại các chùa lớn của thành phố... với mong ước một năm mới an lành cho bản thân và gia đình. Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm chào đón nhiều đoàn khách tham quan và hái lộc đầu năm trên cành mai rực sắc vàng và phong bao đỏ; cùng với đó là màn biểu diễn múa lân đặc sắc, tượng trưng cho điềm lành, sự thịnh vượng, phát đạt. Nhiều du khách nước ngoài tỏ ra thích thú với nét đặc trưng của ngày Tết cổ truyền Việt Nam.

Một điểm đến thu hút đông đảo người dân vui chơi trong dịp Tết cổ truyền là Công viên 29-3. Cũng như mọi năm, Công viên 29-3 được trang trí cờ hoa và trưng bày hoa xuân, sinh vật cảnh để người dân chiêm ngưỡng, chụp hình lưu niệm. Bên cạnh các loại hình truyền thống như tuồng, bài chòi, tại Công viên 29-3 còn diễn ra chương trình ca múa nhạc kèm hài kịch trong suốt các ngày Tết gồm: chương trình hài kịch Nụ cười Xuân; ca múa nhạc dân tộc Hồn quê hương; Vũ điệu ngày xuân; Sắc xuân... Các chương trình thường niên hái lộc đầu xuân từ ba ông Phước - Lộc - Thọ, múa lân sư rồng, biểu diễn cờ người và các hội thi dành cho nhiều lứa tuổi như: Búp bê xuân, Em đi trong nắng xuân, Tài năng nghệ thuật thành phố, vẽ tranh... được tổ chức chu đáo, hấp dẫn tại đây.

Từ mồng 6 đến hết mồng 9, một số hoạt động văn hóa, giải trí tiếp tục diễn ra để phục vụ người dân và du khách như: công diễn và trao giải cuộc thi Tài năng nghệ thuật thành phố (19 giờ tối mồng 6), tại công viên bờ đông cầu Rồng; biểu diễn khiêu vũ thể thao, nghệ thuật tuồng vào mồng 6 và mồng 7 tại Công viên 29-3; biểu diễn âm nhạc đường phố, từ 19  giờ 30 - 21 giờ (mồng 9) tại công viên phía nam, bờ tây cầu Rồng (đối diện Bảo tàng Điêu khắc Chăm).

Tin và ảnh: NGỌC HÀ

THU HÀ

;
.
.
.
.
.
.