Theo gương Bác

Tiết kiệm vì người nghèo

Ba năm qua, phong trào nuôi heo đất và hũ gạo tình thương ở xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) được duy trì thường xuyên, đem lại lợi ích thiết thực cho người nghèo trên địa bàn.

Đến trụ sở UBND xã Hòa Sơn và các đơn vị trực thuộc xã, chúng tôi ngạc nhiên bởi trên bàn làm việc của mỗi cán bộ, nhân viên đều có một con heo đất nhỏ. Anh Nguyễn Hùng Cường, cán bộ Văn phòng UBND xã cho biết, toàn cơ quan ai cũng dành dụm mỗi ngày “cho heo ăn” 1.000 đồng hoặc nhiều hơn và đây là một nội dung thi đua thường xuyên của từng người.    

Phong trào nuôi heo đất ở xã Hòa Sơn được duy trì hằng năm, do Đảng ủy xã phát động nhằm gây quỹ hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn với sự hưởng ứng của 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn xã. Lãnh đạo xã còn vận động các chi bộ và các cơ sở sản xuất-kinh doanh trên địa bàn ủng hộ, tạo thêm nguồn kinh phí để hỗ trợ các hoàn cảnh thương tâm. Cụ thể như Chi bộ Quân sự xã với 12 đảng viên, thường xuyên hỗ trợ 2 hộ nghèo ở thôn Phú Thượng và thôn Đại La, mỗi tháng 200.000 đồng/hộ. Còn 54 cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường mầm non Hòa Sơn cũng đóng góp hỗ trợ 400.000 đồng/tháng cho 2 hộ nghèo ở thôn Xuân Phú và thôn An Ngãi Tây 2…

Ở Hòa Sơn còn có mô hình hũ gạo tình thương do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã phát động và duy trì thường xuyên hằng năm. Với mô hình này, các chi hội phụ nữ vận động hội viên ủng hộ gạo ăn để giúp đỡ những gia đình khó khăn trong thôn. Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Phan Thị Mai, các tầng lớp phụ nữ ở 10 thôn trên địa bàn xã đều đồng tình hưởng ứng mô hình này. Từng hội viên ủng hộ gạo hoặc bằng tiền; sau đó từng chi hội họp xét, hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn mỗi năm 3 lần, vào dịp 8-3, 19-5 và 20-10.   

Từ hai phong trào trên, đã có hàng trăm hộ nghèo được giúp đỡ, trong đó nhiều trường hợp vừa được hỗ trợ gạo, vừa được hỗ trợ tiền hằng tháng. Nhờ vậy, nhiều hộ vượt qua khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Đơn cử như ông Nguyễn Lan ở thôn An Ngãi Tây 2, già yếu, neo đơn, đã nhiều năm được hỗ trợ từ những con heo đất và hũ gạo tình thương của cộng đồng. Còn hai chị Nguyễn Thị Diễm Ly (thôn An Ngãi Tây 3), Nguyễn Thị Quyền (thôn Tùng Sơn) cùng cho biết, sự giúp đỡ này như chiếc phao cứu sinh giúp các chị vượt qua những tháng ngày khó khăn, cơ cực...    

Theo Bí thư Đảng ủy xã Trần Vĩnh An, Đảng ủy phát động cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên toàn xã mỗi người tiết kiệm 1.000 đồng/ngày trở lên để “nuôi heo”. Số tiền nhỏ nên ai cũng dễ thực hiện. Nhờ nuôi heo đất và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, 3 năm qua, ở xã Hòa Sơn đã có gần 200 người được giúp đỡ với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng. Còn phong trào hũ gạo tình thương đã đem đến cho hàng ngàn lượt người nghèo trên địa bàn xã những bát cơm đong đầy tình nhân ái. Nói về những mô hình này, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang Nguyễn Thị Hiệp khẳng định: Hai phong trào nuôi heo đất và hũ gạo tình thương ở xã Hòa Sơn đã giúp nhiều hộ vượt qua khó khăn và góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo tại địa phương.

LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.
.