Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải làm tốt nhiệm vụ tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các cơ chế, chính sách để làm sao quản lý đầu tư, kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất các nguồn vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Thủ tướng phát biểu tại lễ công bố - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Sáng 12/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng làm Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, khối doanh nghiệp hiện có tổng giá trị vốn và tài sản khoảng 5,4 triệu tỷ đồng.
Tới dự lễ công bố Nghị quyết của Chính phủ thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và trao Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban còn có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo một số bộ, ngành.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng chúc mừng đồng chí Nguyễn Hoàng Anh được Đảng, Nhà nước tin cậy giao nhiệm vụ đứng đầu cơ quan quản lý vốn Nhà nước, một cơ quan có vai trò quan trọng khi mà từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đến Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng được ban hành về việc thành lập Ủy ban cũng như nhân sự lãnh đạo cơ quan này.
Thay mặt Chính phủ giao nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý vốn Nhà nước cũng như trách nhiệm điều hành Ủy ban cho đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Thủ tướng nhấn mạnh một số việc. Trước hết, Thủ tướng nêu rõ, “nhiệm vụ của các đồng chí rất quan trọng vì cơ quan của chúng ta thuộc Chính phủ, chịu trách nhiệm quản lý khối lượng tài sản và vốn Nhà nước rất lớn tại doanh nghiệp”. Vì vậy, cán bộ, lãnh đạo trong cơ quan này, đặc biệt là đồng chí Chủ tịch, phải làm tốt nhiệm vụ tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các cơ chế, chính sách để làm sao quản lý đầu tư, kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất các nguồn vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Một nhiệm vụ nữa là chủ động nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan, đề xuất với Đảng, Nhà nước các giải pháp cụ thể để phòng chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong hệ thống doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được giao quản lý. Theo Thủ tướng, tham nhũng trong khu vực Nhà nước còn nặng nề. Tình trạng "sân sau" còn lớn, tình trạng gia đình, bà con thân quen, dòng tộc trong DNNN vẫn có. Do đó, chỉ cần hạn chế tối đa những tiêu cực trong DNNN, giảm chi phí bất hợp lý thì DNNN đã đóng góp quan trọng hơn trong cơ cấu GDP của quốc gia, Thủ tướng nhấn mạnh. Cần hạn chế tối đa tình trạng “cha chung không ai khóc”, "cha chung của chung", buông lỏng quản lý, không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, để xảy ra hậu quả rất xấu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN.
Trong thời gian trước mắt, Ủy ban cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc xây dựng phương án, lộ trình các công việc cần thiết để bàn giao các tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ các bộ, ngành về Ủy ban.
Nhấn mạnh việc đã có chủ trương tách bạch giữa quản lý Nhà nước và quản lý vốn từ lâu nhưng chưa làm được, chưa có cơ quan quản lý chuyên trách, nên đã xảy ra một số thất bại tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Thủ tướng cho rằng, bây giờ đã có Ủy ban chuyên quản lý vốn Nhà nước thì các bộ, ngành phải tách chức năng này ra càng sớm càng tốt.
Cần có lộ trình bàn giao chặt chẽ, không để phức tạp, sai sót xảy ra, không được để khoảng trống trong quản lý.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Hoàn thành tốt 2 nhiệm vụ chính
Trong dài hạn, Ủy ban phải hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm được giao, đặc biệt là 2 nội dung chính: Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn và tập trung đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động mọi mặt của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu, nguyên tắc cổ phần hóa là công khai, minh bạch, lên sàn chứng khoán, “chứ không có chuyện nhập nhằng”, phải mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, đặc biệt chú trọng việc phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng trong tất cả các hoạt động, các khâu của cổ phần hóa. Các bài học kinh nghiệm từ cổ phần tại Vinamilk, Sabeco đã cho thấy rõ việc bám vào mục tiêu, nguyên tắc này.
Phải tạo chuyển biến rõ nét về 2 nội dung trọng tâm này và phải thực hiện đồng thời cả 2 nội dung. Bởi việc nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động thì cổ phần hóa mới thuận lợi, khi đó mới có người mua với giá hợp lý, mang lại lợi ích cho Nhà nước.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc hoàn thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại, tuân thủ nguyên tắc thị trường, lấy hiệu quả làm thước đo đánh giá công việc của cán bộ quản lý, người lao động. Ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, ứng dụng công nghệ mới, tạo tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp khác và toàn bộ nền kinh tế. Không phải quản lý vốn Nhà nước theo hướng là làm kế toán, “chỉ tính cộng trừ sổ sách”, mà phải đổi mới sáng tạo.
Thực hiện tốt chức năng quản lý, đặc biệt là đôn đốc, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động của các DNNN trực thuộc, “những nguyên tắc nào, những quy định nào, đưa giải pháp nào để làm rõ trách nhiệm, bảo đảm công khai minh bạch trong hoạt động của DNNN”. Thực hiện thông suốt hệ thống thông tin báo cáo theo quy định.
Nhấn mạnh việc lựa chọn người tốt, bố trí đúng người, đúng việc, không để kẽ hở cho việc tham nhũng, tiêu cực là rất quan trọng, Thủ tướng nêu rõ, khẩn trương chuẩn bị kỹ, chu đáo, làm tốt các mặt công tác nội bộ, đặc biệt là tổ chức cán bộ theo tinh thần tinh gọn, không cần nhiều mà phải bảo đảm chất lượng cao, hoạt động thông suốt, hiệu quả. Không để các bộ phận không rõ chức năng nhiệm vụ, chồng chéo. Không đưa vào Ủy ban những cán bộ không đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, chính trị.
Thủ tướng giao Chủ tịch Ủy ban toàn quyền lựa chọn và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, cốt cán của Ủy ban. Là cơ quan mới, Ủy ban cần đi tiên phong đổi mới phương pháp quản lý.
Về việc phối hợp với các bộ, ban, ngành, Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành hỗ trợ Ủy ban để sớm đi vào hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình ngay trong tháng 2/2018 dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bộ, ngành liên quan quản lý các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khẩn trương báo cáo tình hình hoạt động của các doanh nghiệp dự kiến chuyển giao về Ủy ban; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban trong việc xây dựng phương án, lộ trình các công việc cần thiết để bàn giao.
Nhấn mạnh vị trí đặc biệt quan trọng của Ủy ban, Thủ tướng tin tưởng đồng chí Nguyễn Hoàng Anh với kinh nghiệm đã trải qua, từ quản lý doanh nghiệp, hoạt động Quốc hội, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng chúc Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và tập thể cán bộ, người lao động của Ủy ban vượt qua khó khăn ban đầu, tập trung sức lực, trí tuệ, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp để góp phần vào quá trình tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh nêu rõ, trên cương vị người đứng đầu của Ủy ban, sẽ làm việc hết sức mình vì sự tin tưởng của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và “trên hết là ngôi nhà chung Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà các thế hệ, cả hệ thống chính trị đã kỳ công xây dựng”.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh xác định, để Ủy ban làm tốt vai trò quản lý, sử dụng hiệu quả, bảo toàn, phát triển và tối đa hóa giá trị vốn Nhà nước được giao thì cần có đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn và bộ máy tổ chức hiệu quả.
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh đã trình bày một số nhóm giải pháp cần triển khai ngay trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Như đã đưa tin, ngày 8/2, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng làm Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 3/2, Chính phủ ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Đây là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để xây dựng Ủy ban. Tổ công tác có 11 thành viên do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng, ông Nguyễn Hoàng Anh làm Tổ phó.
Ông Nguyễn Hoàng Anh sinh năm 1963 tại xã Trường Thọ, huyện An Lão, TP. Hải Phòng, có trình độ Thạc sỹ kinh tế, chuyên ngành kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế; Cử nhân lý luận chính trị. Trước khi được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, ông Nguyễn Hoàng Anh là Đại biểu Quốc hội khóa XI, khóa XII của Hải Phòng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Từ 2010 - 2011, ông Nguyễn Hoàng Anh là Đại biểu Quốc hội khóa XII, Đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng. Ngày 24/3/2015, ông Nguyễn Hoàng Anh được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng nhiệm kỳ 2010-2015. |
Theo Chinhphu.vn