Sau những ngày tàu lắc lư vì biển động, tàu chúng tôi cũng tiếp cận được một số đảo ở Trường Sa khi sức tàn phá của siêu bão Tembin (bão số 16) vẫn còn chưa xóa hết dấu vết. Các đảo quanh năm phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt là vậy, nhưng thiên nhiên chỉ có thể lấy đi những cơ sở vật chất do con người tạo dựng, chứ không thể quật ngã ý chí kiên cường của người lính đảo.
Đảo An Bang ngày mới sau cơn bão dữ. |
Chống chọi bão tố
Đêm 24-12, bão số 16 quét qua quần đảo Trường Sa với sức gió cấp 11, giật cấp 12, cấp 13, gây thiệt hại về vật chất, nhưng các đảo vẫn bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị.
Dù các đảo đã sớm khắc phục phần nào hậu quả thiên tai nhưng chúng tôi nhận thấy dư chấn của bão vẫn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống trên các điểm đảo. Có khoảng 70-80% cây xanh bị quật ngã. Hệ thống vườn rau xanh trên các đảo bị nhiễm mặn. Có những nơi vườn rau bị quét sạch, chỉ còn trơ phần đất ít ỏi đang được phơi chua rửa mặn.
Những chuồng trại chăn nuôi vắng bóng gia súc, gia cầm. Những thân cây tra, bàng vuông, phong ba còn xác xơ, trụi lá...
Thượng úy Phạm Viết Sao, Chính trị viên đảo Tiên Nữ ngậm ngùi: “Bao nhiêu năm ở đảo tôi mới chứng kiến một cơn bão mạnh đến vậy. Tiên Nữ là đảo đầu tiên bão ập vào nên cường độ rất mạnh. Trước đó, chúng tôi đã theo dõi, cập nhật dự báo về bão để tìm cách chống đỡ, ngăn gió và nước mặn tràn vào đảo. Anh em suốt mấy đêm liền thức trắng để túc trực, không ai dám chợp mắt bởi không chỉ lo đối phó với thiên tai, bão gió, mà còn phải sẵn sàng đối phó với âm mưu xâm nhập của các thế lực chống phá, xâm lược”.
Thượng úy Lê Xuân Thủy, Phó Cụm trưởng Cụm chiến đấu 1, đảo Phan Vinh cho biết: “Khi cơn bão này quật vào đảo, chúng tôi không quá bất ngờ vì Phan Vinh cũng như một số đảo nằm ở khu vực 3 của quần đảo Trường Sa quanh năm hứng chịu sóng to, bão lớn. Trong vòng nửa tháng qua, đảo Phan Vinh đã trải qua 3 cơn bão nhưng các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) vẫn luôn chủ động đối phó”.
An Bang, Thuyền Chài cũng nằm trong số đảo chịu ảnh hưởng nặng nề vì ở ngay tâm bão quét qua. Hôm chúng tôi đến thăm, các CBCS trên đảo Thuyền Chài trăn trở rằng, biết trước luồng đi của bão nhưng không có cách để bảo toàn cơ sở vật chất hay đàn vật nuôi.
Theo thống kê, đảo Thuyền Chài đã mất gần 50 tấm pin năng lượng mặt trời, 2 cục truyền sóng bị hỏng khiến việc thông tin liên lạc giữa các đảo và đất liền có lúc chập chờn, gián đoạn. Nhìn cột ăng-ten truyền sóng Viettel cao vài chục mét bị bão bẻ gãy gập, chúng tôi không khỏi rùng mình hình dung về một siêu bão.
Trong khi đó, tại đảo An Bang, toàn bộ lực lượng trên đảo phải gồng mình chống đỡ những giờ phút bão càn quét. Theo chỉ huy đảo, khoảng 90% cây cối đổ gãy; hàng loạt tấm bảng pa-nô trang trí, téc nước sinh hoạt bị đánh bay nắp; toàn bộ hệ thống vườn tăng gia bị sóng đánh sập và cuốn đi, đèn chiếu sáng cho đảo bị hư hỏng nặng; nền xi-măng, gạch lát đường trong các khu vực bị xới tung...
Sức người làm nên tất cả
Trong chương trình làm việc giữa CBCS các đảo với lãnh đạo Lữ đoàn 146, chúng tôi được nghe các anh chia sẻ bài học kinh nghiệm chống chọi với thiên nhiên. Đồng thời, CBCS các đảo nhấn mạnh công tác phòng là chính để không bị động trước mọi tình huống; bên cạnh đó, phải vận dụng những cách làm hay, sáng tạo.
Chẳng hạn như đảo Phan Vinh, các chiến sĩ dùng bao cát để đắp quanh gốc các loại cây trồng đặc trưng như bàng vuông và tổ chức tưới nước ngọt rửa mặn cho cây. Việc chăm sóc kỹ lưỡng sẽ giúp cây phục hồi nhanh chóng, dễ nảy mầm trên các cành bởi trên rễ cũ, cây dễ phát triển hơn là trồng lại, mỗi cây bàng sẽ phải mất hơn 10 năm mới trở thành một cây lớn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này, hầu hết các đảo đã khắc phục được nhiều công trình hư hỏng sau bão, phần nào phục hồi hiện trạng ban đầu bằng những vật chất, vật liệu sẵn có để rửa mặn cây cối, đất tăng gia, nạo vét hầm hào công sự trận địa, dọn vệ sinh môi trường, san gạt mặt bằng xói lở. Đặc biệt, các vườn tăng gia và chuồng trại được tổ chức lại với quy mô bài bản hơn nhờ sự hỗ trợ của các đảo lân cận. Những miếng tôn được ghép lại để che chắn vườn, một số gỗ trôi dưới biển cũng tận dụng vớt lên làm giàn.
Từ những bịch hạt giống rau các loại đến những chú chó, chú gà, chú heo còn sót lại ở mỗi điểm đảo, các chiến sĩ đều nâng niu và tặng cho nhau để gầy dựng lại từ đầu. Đối với nguồn nước bị nhiễm mặn, các đảo đã xử lý bằng máy lọc lắng để dùng sinh hoạt và tận dụng tưới rau. Ngoài ra, các đảo cho súc rửa bể chứa, huy động các dụng cụ hứng nước mưa dự trữ dùng dần.
Thiếu tá Vũ Quang Minh, chính trị viên đảo An Bang chia sẻ: “Sau bão, chúng tôi huy động 100% lực lượng tại chỗ củng cố, khắc phục 200m2 vườn tăng gia. Không kể ngày đêm, anh em tích cực thực hiện phơi chua rửa mặn đất trong điều kiện khó khăn. Hiện mầm xanh trong các bồn ươm đã phát triển, chúng tôi đã có rau để ăn. Hàng trăm cây bàng vuông, tra, phong ba được chiết cành, trồng mới, những tấm lợp che nắng che mưa được củng cố lại, cửa cổng tường nhà được quét mới lại để đơn vị khang trang hơn trong dịp đón Xuân mới”.
Trong các khu vực nhà ở bộ đội, hành lang, tường rào doanh trại các đảo vẫn còn hắc lên mùi vôi mới. Bộ phận quân y cũng đã phun thuốc khử trùng, bảo đảm không xảy ra dịch bệnh... Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là các đảo xa đất liền, tất cả vật liệu phải chờ những chuyến tàu vận tải chở ra. Trước khi chờ sự hỗ trợ, các đảo tranh thủ vớt những luồng gỗ trôi dạt đâu đó trên biển để tận dụng chắp vá làm vườn rau, chuồng trại. “Đảo gieo trồng đa dạng các loại rau, đậu, làm giá, đậu phụ và bất cứ có giống rau nào mang ra thì anh em đều cố gắng chăm sóc tích cực”, Thượng úy Nguyễn Trần Giang, Chính trị viên đảo Tốc Tan B cho biết.
Khoe chúng tôi những vườn rau xanh mướt do Chi đoàn Thanh niên thiết kế lại, Trung úy Lưu Xuân Quyền, đảo Núi Le A cho hay: “Khi nhận được những con giống từ đất liền gửi ra, đảo đều bố trí người trông coi, chăm sóc cẩn thận. Đảo cũng vừa nhân giống được 20 con chó. Mọi người phân công nhau sáng nấu cháo nuôi gà, lợn, chiều tận dụng nguồn cơm dư thừa lại nấu cháo cho vật nuôi... Bây giờ, đất trồng rau cũng thiếu, phải dùng xơ dừa rồi gieo đậu đen để khử mặn mới trồng. Biết là khó nên anh em tụi mình nâng niu chúng lắm, cứ khi nào rảnh thì lại xúm tay nhau để bón phân, tưới nước”.
Có lẽ những hiểu biết trước đây của chúng tôi về đảo qua sách báo mới chỉ là phần nổi của Trường Sa. Chỉ đến khi ra đảo, chúng tôi mới thực sự hiểu thời tiết bất lợi như thế nào cho nơi đây. Trong suốt chuyến đi, chúng tôi không còn ngạc nhiên về việc một ngày có 4 mùa và khí hậu cũng đủ các trạng thái. Mới nắng cháy da đó nhưng ra khỏi luồng lạch, trời lại bỗng đổ mưa rát mặt rồi bỗng dưng tối sầm.
Tôi chợt nhớ đến lời ví von của Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân trước giờ tiễn đoàn công tác lên đường làm nhiệm vụ: “Biển yêu thương thì dịu dàng, lúc không yêu thương thì cuồng phong nổi lên dữ dội” để xác định tư tưởng cho chuyến hành trình của mình.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH