Trong bão gió Trường Sa - Bài 3: Hậu phương của ngư dân trên biển

.

Trong số 12 điểm đảo chúng tôi có dịp đến thăm, với đặc thù không có cư dân sinh sống nhưng không có nghĩa các điểm đảo thiếu sự gắn kết tình quân - dân. Ngược lại, các đảo đều xem công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bất kể khi nào, tàu thuyền của ngư dân cần đến sự hỗ trợ, các đảo sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, chăm sóc y tế, làm điểm tựa tinh thần...

Các chiến sĩ tuần tra trên đảo.
Các chiến sĩ tuần tra trên đảo.

Bám ngư trường nhờ các anh

Những ngày biển động mạnh, không thể tiếp tục hành trình, tàu 561 được lệnh thả neo ở một vị trí để bảo đảm an toàn cho mọi người. Một trong những nơi đoàn chúng tôi dừng lại khá lâu là “lòng hồ” Tốc Tan. Theo kinh nghiệm của các chỉ huy tàu, khu vực các đảo Trường Sa có một số lòng hồ có thể lưu trú để tránh thời tiết xấu như Núi Le, Tốc Tan, Đá Tây...

Qua giới thiệu của Đại tá Phan Ngọc Quang, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, hồ Tốc Tan được ví như âu tàu tự nhiên giữa biển. Nước hồ có màu xanh lơ rất đẹp với độ sâu trung bình khoảng 15-25m, hình thành như miệng núi lửa và rặng san hô.

Để có thể ra vào thuận tiện, lực lượng đảo đã nạo, vét, mở luồng từ mép xanh vào hồ cho rộng. Mùa giông bão ở Trường Sa, hồ Tốc Tan như âu tàu lớn, là nơi trú tránh an toàn cho nhiều tàu cá của ngư dân và tàu vận tải của hải quân.

Thực tế, trong cơn bão số 16 vừa qua, những đảo không có âu tàu thì hướng dẫn tàu ngư dân vào khu vực các lòng hồ như Núi Le, Tốc Tan... Trong điều kiện phức tạp hơn, bộ đội sẽ dùng xuồng đưa ngư dân vào đảo trú tránh an toàn. Thượng tá Đào Văn Nam, Chính trị viên đảo Tốc Tan C bày tỏ: “Trong thời gian qua, đảo tích cực làm tốt công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ngư dân. Ở quanh lòng hồ Tốc Tan khá êm nên ngư dân thường xuyên vào khu vực này để tránh bão”.

Theo chỉ huy các đảo, hằng năm Trường Sa đón rất nhiều cơn bão. Do đó, các anh có nhiệm vụ theo dõi thời tiết, hoạt động đánh bắt của ngư dân và sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết. Để tránh những sơ suất đáng tiếc, người lính đảo phải luyện tập thành thục các phương án tối ưu và linh hoạt nhất. Thượng úy Mai Xuân Tiên, Phân đội trưởng Làng chài Núi Le A mô tả:

“Công việc của tôi là bảo dưỡng phao bè, kiểm tra đèn tín hiệu luồng và hướng dẫn, neo buộc tàu cho ngư dân vào khu vực trú tránh an toàn. Nếu có máy móc hư hỏng, chúng tôi cũng có trang thiết bị để sửa chữa. Công việc này đòi hỏi chuyên môn, tính kiên trì và nhất là dân vận phải khéo để còn tuyên truyền cho người dân”.

Thượng tá Ngô Đình Xuyên, Chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh kể: “Vừa qua, khi nghe tin bão, một số tàu cá của ngư dân cơ động vào khu vực tránh trú ở đảo. Tuy nhiên, đặc điểm của đảo Phan Vinh khác với các đảo trong quần đảo Trường Sa là không có khu vực sóng lặng nên chúng tôi đã liên lạc hướng dẫn tàu ngư dân cơ động về các âu tàu tìm chỗ trú tránh an toàn. Trong thời điểm đó, có 6 tàu cá của ngư dân Khánh Hòa, Bình  Thuận, Phú Yên cơ động về âu tàu của Đá Tây và Trường Sa”.

Nghĩa tình trên biển

Nói về niềm hạnh phúc trong việc đảo cứu 4 ngư dân Vũng Tàu đi trên tàu BR-VT 06898 TS gặp nạn nguy hiểm khi đang đánh bắt trên vùng biển Trường Sa, Thượng tá Đỗ Xuân Tới, Chính trị viên điểm A đảo Thuyền Chài kể:

“Hôm đó, anh em nhìn ra biển thấy có những chấm đen đang trôi dạt, mọi người cho xuồng ra kiểm tra thử. Đến nơi mới biết các ngư dân đang cận kề giữa sự sống và cái chết. Khi đưa lần lượt từng người vào đến đảo, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm vì các ngư dân giữ được tính mạng. Sau khi ở trên đảo một tuần và hồi phục sức khỏe, mọi người không ngớt lời cảm ơn. Lúc đó, ai nấy đều cảm nhận được sự ấm áp của tình quân dân”.

Thời gian lên đảo không nhiều, song qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, dù không gian chật hẹp nhưng đảo nào cũng dành diện tích để làm bệnh xá chăm sóc bộ đội cũng như ngư dân. Bác sĩ Nguyễn Viết Toàn, công tác tại đảo Núi Le được 4 năm chia sẻ:

“Những ngày trên đảo, kỷ niệm đối với mình rất nhiều. Với từng đó thời gian mình đã qua các đảo từ Núi Le, Tốc Tan, Đá Tây, tiếp nhận trường hợp nào là nỗ lực hết mình để cứu chữa. Mỗi bệnh nhân khỏe lại là niềm vui, niềm hạnh phúc nhất của người lính quân y. Khi mình hết lòng như vậy sẽ để lại ấn tượng đẹp cho quân và dân, tạo niềm tin cho họ vươn khơi bám biển”.

Cũng theo bác sĩ Toàn, hoạt động nghề y trên biển, đảo cũng có những khó khăn lớn khiến anh day dứt. Đó là khi hay tin một trường hợp bệnh nặng hay tai nạn nào đó nhưng một mình bác sĩ không thể làm xuể, nhất là điều kiện máy móc, trang thiết bị ở đảo nhỏ không đáp ứng yêu cầu.

Chẳng hạn, trường hợp một ngư dân lặn quá sâu tới 25 mét rơi vào tình trạng nguy kịch do giảm áp. Do điều kiện sóng gió và địa lý, tàu ngư dân hỏng máy phải nhờ tàu trực ở đảo Đá Tây đưa về cấp cứu thì thuyền viên đã ở trong trạng thái hôn mê nguy kịch. Sau nỗ lực cứu chữa, sức khỏe ngư dân tạm ổn thì phải chuyển tàu chuyên dụng về đảo lớn cấp cứu tiếp. Đây cũng là điều mà các y, bác sĩ các điểm đảo vô cùng lo ngại.

Năm 2017 và đợt bão vừa qua, đảo Tốc Tan B đã nhường hơn 5.500 lít nước ngọt cho ngư dân và khám chữa bệnh cho 18 ngư dân. Đảo Phan Vinh hướng dẫn nhiều lượt ngư dân tránh trú bão, tiếp đón 32 lượt ngư dân đến khám chữa bệnh. Đảo Tiên Nữ hỗ trợ 1.200 lít nước ngọt cho tàu cá, cấp thuốc chữa bệnh miễn phí cho 40 lượt ngư dân và nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm khác. Đảo An Bang cấp cứu hơn 10 trường hợp ngư dân bị nạn, cấp phát hàng chục lượt thuốc men. Đảo Thuyền Chài cứu 4 ngư dân Philippines trôi dạt và trao trả cho phía bạn...

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.
.