Dẫu biết việc tiếp cận các đảo thuộc Trường Sa khó khăn, nhất là những đảo chìm, nhưng với lòng quyết tâm, sự nhiệt huyết, chúng tôi muốn ít nhất một lần đến thăm, động viên các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đang làm nhiệm vụ nơi đây.
Vườn rau trên đảo chìm. |
Những tấm gương quả cảm
Trong chuyến đi, nhiều đêm liền các nhà báo chúng tôi không ngủ được vì thắc thỏm lo âu về thời tiết trên biển. Các bản tin thông báo vùng biển Trường Sa có gió cấp 6, cấp 7, trời giông gió, như vậy sẽ không thể xuống xuồng vào các đảo Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ, Thuyền Chài. Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 Phan Ngọc Quang vừa cập nhật thông tin tình hình thời tiết, vừa quán triệt:
“Điểm đảo nào an toàn cho người và trang thiết bị, chúng tôi sẽ bố trí vào; còn không thì các anh, chị phải ở lại tàu, chỉ có đoàn quân đội vào thôi”.
Sau những lần được lệnh khoác ba-lô trên vai sẵn sàng hành trình vào đảo, chúng tôi phải trở lên lại khoang tàu vì sóng cao 2-3 mét, xuồng dễ bị lật úp. Có lúc 3 ngày liên tục chỉ huy tàu yêu cầu cắm neo nằm chờ cho đến khi sóng tạm yên, biển tạm lặng mới quyết định thả xuồng. Cuối cùng đoàn công tác cũng vào được một số đảo chìm nói trên.
Các CBCS trên các đảo chìm nắm rất rõ sự bất lợi về thời tiết, khí hậu vào mùa này nên khá thông cảm với đoàn công tác. Tuy vậy, các đảo hết sức ngóng trông đoàn đất liền, nên dù mệt đến mấy chúng tôi cũng tranh thủ vừa tác nghiệp, vừa trò chuyện.
Ở mỗi đảo đều có những câu chuyện, những chi tiết liên quan đến cuộc sống của các anh khiến chúng tôi không cầm được nước mắt. Tại đảo Tốc Tan B, đoàn được hướng dẫn thắp nhang trong am thờ 4 chiến sĩ hy sinh năm 1988.
Năm đó, bộ đội Công binh Vùng 4 và Trung đoàn 131 đưa lực lượng ra đảo để xây dựng các công trình khẳng định chủ quyền trước sự đe dọa của nước ngoài. Trong tiết trời giông gió đầu năm, 4 chiến sĩ gồm: hạ sĩ Lâm Sư Đệ (quê ở Hòa Thịnh, Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), hạ sĩ Trần Kim Ánh (quê Phước Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), binh nhì Trần Ngọc Hiệp và Trương Văn Vỹ (người anh họ của Hiệp, quê Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) trên đường vận chuyển vật liệu xây dựng vào đảo bằng PongTong (phương tiện nổi không có động cơ - PV) thì bị sóng nhấn chìm. Các anh đã mãi mãi ra đi ở tuổi 19, 20, mà trong lòng đồng đội và người thân vẫn đau đáu nỗi đau không tìm thấy thi thể.
Chỉ cho chúng tôi những dấu tích còn sót lại đó là những “nhà cao chân” - tiền thân của những khu nhà đảo vững chãi như bây giờ, Thượng úy Nguyễn Trần Giang, Chính trị viên đảo Tốc Tan B trầm ngâm nói:
“Vẫn biết sự hy sinh nào cho Tổ quốc cũng cao cả, nhưng với các chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển, đó là nỗi mất mát quá lớn đối với đơn vị, gia đình. Hồi đó, các đảo của mình chưa kiên cố; phương tiện, thiết bị thiếu thốn nên không thể làm gì hơn. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại Trường Sa, nhưng sự anh dũng ấy đã thắp lên truyền thống kiên cường, bất khuất cho thế hệ giữ đảo sau này. Chúng tôi sẽ quyết tâm bảo vệ chủ quyền dù phải hy sinh tính mạng”.
Những ngày sau đó, tàu đến thăm các điểm đảo Thuyền Chài - đảo có diện tích bãi cạn có thể xem là rộng nhất so với các đảo chìm trên quần đảo Trường Sa với 256km2. Tại đây, một lần nữa chúng tôi được nghe về tấm gương hy sinh cao cả của liệt sĩ Nguyễn Quốc Huy (SN 1965, quê xã Cẩm Hà, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh).
Anh nhập ngũ vào tháng 9-1995 tại điểm B đảo Thuyền Chài. Trong một ngày mưa gió, đơn vị neo bia bè để bắn đạn thật, thời tiết xấu nên bia neo bị đứt trôi. Khi đó, một Phó Chỉ huy quân sự tên Quyết bơi ra níu neo không để mất nhưng do sóng to gió lớn nên anh bị hụt hơi.
Anh Nguyễn Quốc Huy trên cương vị Chỉ huy trưởng điểm B Thuyền Chài thấy tình huống khẩn cấp đã bơi tới để cứu anh Quyết. Khi cứu được Quyết, anh Huy bị sóng cuốn đi và điều đau lòng là thi thể anh đã mất tích. Nhìn di ảnh được đặt trang trọng trên bàn thờ, những vị khách có mặt nghẹn ngào xúc động...
Trở về tàu, tôi vẫn nghe văng vẳng bên tai lời đồng chí chỉ huy trên đảo: “Những ngày rằm, mồng một, anh em vẫn luôn làm thủ tục thắp nén nhang trên bàn thờ để bái vọng vong linh anh Huy. Anh hãy yên nghỉ, đảo sẽ không bao giờ quên một người rất mẫu mực, luôn yêu thương đồng chí đồng đội như anh”.
Lạc quan người lính đảo chìm
Đóng quân ở đảo nổi đối diện với bao vất vả. Ở những đảo chìm càng vất vả hơn bởi đặc thù địa lý và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Đặc điểm của đảo chìm là được xây dựng trên nền san hô nằm dưới mực nước biển. Lúc thủy triều lên, bãi san hô ngập nước; hay lúc thủy triều xuống, bãi san hô trơ ra nên quanh năm chịu nhiều sóng gió. Thượng úy Đỗ Xuân Tới, Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy đảo Thuyền Chài bộc bạch:
“Thời gian qua, tôi đã cảm nhận được tính chất bất thường của thời tiết nơi đây khi giông gió nổi lên bất ngờ. Bây giờ có thể nắng nhưng 10-15 phút sau giông lốc kéo đến rất nhanh, rồi có khi mưa, nắng đan xen. Đặc biệt, khu vực này thường có vòng xoáy vòi rồng, tôi đã chứng kiến 3 cơn vòi rồng”.
Hiện nay, còn nhiều đảo ở Trường Sa không có giếng nước ngọt. Để có nguồn nước sinh hoạt hằng ngày, đảo phải sử dụng máy lọc nước. Từ khi có máy lọc nước biển thành nước ngọt đã cải thiện phần lớn lượng nước sinh hoạt trên đảo.
Đến những đảo chìm, chúng tôi ghi nhận không gian khá chật hẹp nhưng tất cả vật dụng đều được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Có đảo chìm nhỏ với diện tích chỉ một khối nhà với điều kiện sinh hoạt chung nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước, đời sống các CBCS ngày càng được cải thiện. Hầu hết các đảo đều được trang bị ti-vi cỡ lớn với đầu thu kỹ thuật số, hệ thống dàn karaoke giải trí, phòng đọc sách, tập luyện thể thao...
Cuộc sống thường nhật trên đảo cũng rất bình dị với việc rèn luyện chiến đấu, học tập, tăng gia sản xuất và vui chơi giữa những người lính với nhau. Chúng tôi còn được nghe kể về những người bạn của những CBCS rất đỗi đáng yêu, đó là những chú chó cưng được huấn luyện rất khôn ngoan hay những chú chim trời được thuần thục. Ngoài ra, còn có các phong trào thi đua sôi nổi như trình bày báo tường, chăm sóc các vườn rau tươi tốt, huấn luyện vật nuôi tham gia vào việc canh gác đảo...
Giới thiệu với đoàn khách về đàn chó có thể bơi lội cả ngày, Chỉ huy đảo Tiên Nữ, Đại úy Tô Văn Thư vui vẻ kể: “Kỷ niệm đáng nhớ của anh em cùng những chú chó là khi chúng cùng đi đánh bắt cá để tăng gia sản xuất đánh lưới vây. Chúng cũng săn cá thiện xạ chẳng thua gì người”.
Nhằm bảo đảm đời sống tinh thần cho CBCS, những ngày lễ lớn, các đảo tổ chức các hội thi bóng bàn, tập tạ, hát karaoke, câu cá, đọc sách báo, kể chuyện... Bên cạnh đó, sự quan tâm của cán bộ đã động viên, tạo niềm tin với các chiến sĩ, anh em các điểm coi nhau như ruột thịt.
Mỗi lần tàu đất liền ra như tiếp thêm sinh khí cho những người lính đảo. Tranh thủ những giờ phút ít ỏi, nhà báo Khánh Vân (báo Văn nghệ Thái Nguyên) cất bài hát cùng các lính đảo: Đời mình là một khúc quân hành. Đời mình là bài ca chiến sĩ...
Bài và ảnh: DUYÊN ANH