Cố Thủ tướng Phan Văn Khải với mảnh đất, con người Quảng Nam - Đà Nẵng

.

Ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) có nhiều kỷ niệm sâu sắc với cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông và cố Thủ tướng Phan Văn Khải quen thân nhau từ thời cùng học tại Trường Bổ túc Công nông miền Bắc từ những năm 1955.

Thủ tướng Phan Văn Khải (giữa)tham dự lễ khánh thành hầm đường bộ Hải Vân năm 2005.  Ảnh: THANH LỘC
Thủ tướng Phan Văn Khải (giữa) tham dự lễ khánh thành hầm đường bộ Hải Vân năm 2005. Ảnh: THANH LỘC

Ông Lê Trí Tập nhớ lại những ngày đầu chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, mọi thứ vẫn còn ngổn ngang, nhất là về công tác cán bộ. Những cán bộ, công chức ở các sở, ban, ngành từ Đà Nẵng vào Quảng Nam làm việc phải đối mặt với những khó khăn, phải xa gia đình, đặc biệt là không có chỗ ở, mọi người ăn ngủ tại nơi làm việc, lấy bàn làm giường ngủ do chưa có đất để xây nhà.

Thấu hiểu nỗi khó khăn của họ, ông Lê Trí Tập lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã mạnh dạn đề xuất Chính phủ cơ chế cấp đất ở cho cán bộ, công chức các sở, ngành phải công tác xa nhà, tạo điều kiện thuận lợi để họ yên tâm công tác.

“Trong một cuộc họp tại Thành phố Hồ Chí Minh vào giữa năm 1997, qua trao đổi riêng của tôi, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhất trí ngay với những đề xuất của lãnh đạo tỉnh. Ngay sau khi trình bày, tôi có trình anh Khải văn bản đề xuất của lãnh đạo tỉnh.

Chỉ trong chốc lát suy nghĩ, anh ấy liền bút phê chấp thuận và đề nghị liên hệ ngay với các ban, ngành Trung ương để xem xét giải quyết với những đề xuất của tỉnh”, ông Lê Trí Tập nhớ lại. Một thời gian sau, dù đã có chủ trương cấp đất nhưng nhiều cán bộ, công chức không đủ kinh phí để xây nhà, tỉnh Quảng Nam lại xin Trung ương và Thủ tướng Phan Văn Khải cho tỉnh mượn tiền giúp cán bộ ổn định chỗ ở.

“Qua câu chuyện này, có thể nhận thấy anh Phan Văn Khải là một người cầu thị, lắng nghe và có sự đồng cảm với những khó khăn của địa phương từ những ngày đầu chia tách. Anh chỉ đạo giải quyết vấn đề nhanh chóng, kịp thời. Trước những khó khăn, chính cách giải quyết linh hoạt và hợp tình của Thủ tướng Phan Văn Khải đã tạo điều kiện cho anh em cán bộ tỉnh Quảng Nam nhanh chóng ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó xây dựng quê hương”, ông Tập xúc động.

Ông Lê Trí Tập kể lại những kỷ niệm với cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: Q.KHẢI
Ông Lê Trí Tập kể lại những kỷ niệm với cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: Q.KHẢI

Không chỉ là người cầu thị và lắng nghe, trong mắt ông Lê Trí Tập, Thủ tướng Phan Văn Khải là một lãnh đạo gương mẫu, công tư phân minh. “Tôi nhớ vào năm 1995, trên cương vị là Phó Thủ tướng, anh Khải có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ).

Sau khi khảo sát tại Liên Chiểu vào buổi sáng, anh  nói với tôi anh bị đau nhức răng nên e rằng sẽ khó làm việc trong cuộc họp vào buổi chiều. Sau thời gian hội ý, anh quyết định đến ngay Bệnh viện C Đà Nẵng để các bác sĩ chữa trị kịp thời, đồng thời để không ảnh hưởng công việc buổi chiều.

Khi đến bệnh viện, anh yêu cầu tất cả các xe dẫn đường tắt còi hụ và trở về lại trụ sở để tránh ảnh hưởng đến các bác sĩ và bệnh nhân đang nằm điều trị tại đây. Hành động này làm tôi rất ngưỡng mộ”, ông Lê Trí Tập nhớ lại.

Trong buổi sáng hôm đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã cùng lãnh đạo các sở, ngành và ông Lê Trí Tập, lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đến khảo sát các địa điểm trên địa bàn Liên Chiểu, trong đó có đề cập việc quy hoạch, xây dựng Cảng Liên Chiểu.

“Sau khi được lãnh đạo tỉnh trình bày, anh Khải rất đồng tình và cho rằng, cảng Liên Chiểu nếu được xây dựng sẽ đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội địa phương”, ông Lê Trí Tập chia sẻ.

QUỐC KHẢI ghi

;
.
.
.
.
.
.