Dừng hoạt động hai nhà máy thép: Không chấp nhận sản xuất gây ô nhiễm

.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường ngày 6-3, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng, chủ trương dừng sản xuất trực tiếp của hai nhà máy thép Dana - Úc và Dana – Ý của Ban Thường vụ Thành ủy là một thông điệp: Đà Nẵng không chấp nhận việc sản xuất gây ô nhiễm môi trường, Đà Nẵng không thu hút đầu tư với bất cứ giá nào.

Nước thải lẫn nước mưa chảy ra từ bãi đổ xỉ của nhà máy thép ứ đọng trên đường dân sinh.
Nước thải lẫn nước mưa chảy ra từ bãi đổ xỉ của nhà máy thép ứ đọng trên đường dân sinh.

Thông điệp nói trên cũng là câu trả lời xác đáng vì sao Ban Thường vụ Thành ủy không chọn phương án để hai nhà máy thép tiếp tục nâng cấp công nghệ và tiến đến đóng cửa theo lộ trình kết hợp di dời dân, mặc dù nguyên nhân chính của việc người dân bao vây nhà máy, buộc ngừng hoạt động từ tối 26-2 đến tối 2-3 là do chậm giải tỏa khu dân cư bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường.

Ngày 9-6-2017, UBND thành phố chỉ đạo thực hiện giải phóng mặt bằng trong phạm vi cách hai nhà máy thép là 300m vào 6 tháng cuối năm 2017 và hoàn thành dứt điểm công tác di dời, giải tỏa trong 6 tháng đầu năm 2018. Thế nhưng, đến cuối tháng 2-2018 vẫn chưa giải tỏa, di dời hộ dân nào. Việc chậm di dời dân có nguyên nhân do hai khu tái định cư (TĐC) Hòa Liên 6 và Hòa Liên 7, nơi bố trí TĐC cho các hơn 300 hộ giải tỏa ở thôn Vân Dương 2 chưa tiến hành xây dựng. Mặt khác, HĐND thành phố cũng chưa đồng ý bố trí vốn xây dựng cơ bản đối với 2 khu TĐC cư này. Đáng nói, dù hai khu TĐC này cách 2 nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc khoảng 500m nhưng theo nhiều người dân thôn Vân Dương 2, khi đứng ở nơi quy hoạch khu TĐC mới vẫn ngửi thấy mùi khói khét và hít bụi độc hại từ hai nhà máy.

Trong khi đó, theo tính toán của các ngành chức năng, việc giải tỏa, bố trí TĐC các hộ dân ở lân cận nhà máy gặp áp lực rất lớn về kinh phí đền bù giải tỏa và đất TĐC. Theo đó, khái toán kinh phí đền bù nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu và hỗ trợ chính sách, chuyển đổi ngành nghề… lên đến 341,6 tỷ đồng, làm doanh nghiệp khó có khả năng chi trả. Bên cạnh đó, nhu cầu về đất TĐC để giải tỏa 467 hồ sơ đất ở tại thôn Vân Dương 2 lên đến 1.214 lô đất. Việc xây dựng hai khu TĐC Hòa Liên 6 và Hòa Liên 7 với tổng kinh phí 235 tỷ đồng chỉ đáp ứng 690 lô đất; còn thiếu 520 lô đất sẽ phải quy hoạch, đầu tư thêm khu TĐC mới, hỗ trợ bằng tiền cho dân tự lo TĐC, chuyển bố trí đến các khu TĐC khác đã có đất thực tế… Ngoài ra, sẽ phải nghiên cứu giải tỏa thêm một số khu vực tại thôn Vân Dương 1 do nằm trong khoảng cách ly 500m…

Do khối lượng hồ sơ giải tỏa đền bù lớn và phải xây dựng hai khu TĐC có diện tích 22,8ha với 690 lô đất, nên theo các cơ quan chức năng, nếu thực hiện đền bù giải tỏa và bố trí TĐC thì tiến độ sẽ kéo dài, nhanh nhất đến năm 2019 mới tiến hành giải tỏa các hộ dân ở thôn Vân Dương 2 và năm 2020 mới giải tỏa ở thôn Vân Dương 1. Với lộ trình như vậy, người dân sẽ phải tiếp tục hứng chịu trực tiếp ô nhiễm môi trường từ hai nhà máy thép đang hoạt động thêm ít nhất 1-2 năm để chờ giải tỏa và bố trí TĐC. Trong khi đó, việc giải tỏa, di dời dân đến nơi ở mới không phải là chủ trương mà hộ dân nào cũng đồng tình.

Trong những năm qua, lãnh đạo thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt để xử lý tình trạng ô nhiễm do hoạt động của hai nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc. Từ cuối năm 2016 đến đầu tháng 3-2018, hai nhà máy thép đã đầu tư nhiều trang thiết bị, kinh phí để xử lý ô nhiễm. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, trong quá trình hoạt động, hai nhà máy vẫn gây tiếng ồn lớn, thải nhiều khói bụi và để nước xỉ độc hại chảy ra môi trường, ô nhiễm nguồn nước ngầm làm hư hại, chết hoa màu, vật nuôi.
Từ những yếu tố trên, thành phố quyết định chủ trương dừng hoạt động sản xuất trực tiếp của hai nhà máy thép.

Đề nghị thành phố cho sản xuất hết nguyên liệu tồn đọng

Bà Nguyễn Thị Xuân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Dana - Úc cho hay, việc ra thông báo dừng hoạt động đột ngột của thành phố đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của gần 500 lao động đang làm việc tại nhà máy. Điều này kéo theo hệ lụy rất lớn, bởi doanh nghiệp đang đối mặt với chuyện phá sản. “Đề nghị thành phố xem xét lại quyết định dừng hoạt động nhà máy và kiến nghị cử các ban, ngành giám sát cho nhà máy sản xuất hết lượng nguyên liệu, phế liệu còn tồn đọng đã nhập về công ty là khoảng 22.000 tấn thép”, bà Xuân kiến nghị.

Bài và ảnh: NAM TRÂN

;
.
.
.
.
.
.
.