Hơn 3 tháng nay, căn nhà nhỏ của chị Nguyễn Thị H. trong con hẻm sâu trên đường Nguyễn Văn Linh (thuộc tổ 40, phường Nam Dương, quận Hải Châu) dường như bớt trống vắng hơn với tiếng trẻ con bên cạnh tiếng máy may, tiếng vắt sổ.
Tròn 20 năm trước, sau một biến cố ở tuổi 20, chị H. bị mất ngủ triền miên và mắc bệnh trầm cảm. Do bệnh tật, chị không thể kiếm được công việc gì ngoài việc may vá, sửa đồ cho bà con trong xóm để sống qua ngày. Bao năm qua, chị ước có một chiếc máy vắt sổ nhưng mơ ước chỉ là ước mơ.
Thật may, cuối năm 2017, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cùng cán bộ phường Nam Dương đến khảo sát và đã tặng chị một chiếc máy vắt sổ trị giá 7 triệu đồng. Chị H. xúc động cho biết: Có máy vắt sổ, em có thể ở nhà vừa làm vừa chăm con cũng thuận lợi.
Có thêm chiếc máy vắt sổ mới được tặng, công việc của chị Nguyễn Thị H. đỡ vất vả hơn. |
Cũng được trao chiếc “cần câu” đúng lúc cần nhất là trường hợp của chị Nguyễn Thị Thơm (tổ 57, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê). Gia đình thuộc diện hộ nghèo của phường, lâu nay chị Thơm sống bằng nghề bán nước mía nhưng chiếc xe nước mía hư hỏng nặng đến nỗi không thể đẩy ra được đầu ngõ để bán.
Chính vì vậy, việc chăm sóc người con bị bệnh tâm thần của chị cũng gian nan hơn. Tháng 10-2017, theo nguyện vọng của chị, sau khi khảo sát, đại diện Sở LĐ-TB&XH thành phố đã tặng chị một chiếc xe ép nước mía, cùng 3 bộ bàn ghế nhựa trị giá 5 triệu đồng.
Bây giờ, buổi sáng chị Thơm ép nước mía cho vào bịch mang ra chợ Thanh Khê bán, buổi chiều đẩy xe ra đầu ngõ bán cho khách gần nhà. Chị tâm sự: “Ngày xưa xe cũ quá, không bảo đảm vệ sinh nên bán cũng khó, giờ đây có xe mới, mọi thứ đều sạch sẽ nên bà con ủng hộ nhiều hơn. Thật quá mừng cho gia đình chúng tôi, nếu không có sự giúp đỡ này tôi không biết xoay trở thế nào nữa”…
Khảo sát của Sở LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay toàn thành phố có khoảng 400 hộ gia đình có người bệnh tâm thần cần sự hỗ trợ. Hầu hết những gia đình này cũng là hộ nghèo nên đều được hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như thành phố.
Chương trình hỗ trợ phương tiện sinh kế cho các hộ có người bệnh tâm thần được xem là sự “tiếp sức” bên cạnh những chính sách cơ bản để giúp họ vươn lên. Hầu hết các hộ khi nhận được sinh kế đã cải thiện cuộc sống, có điều kiện chăm sóc tốt hơn cho người bệnh tâm thần trong gia đình.
Trong đó có những trường hợp đang đối diện với rất nhiều khó khăn cùng lúc như gia đình chị Nguyễn Thị Lan (thôn Cẩm Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang). Gia đình chị Lan có 4 nhân khẩu (trong đó 1 người bị bệnh tâm thần) trong khi chỉ mỗi cha chị là lao động chính làm nghề phụ hồ nuôi cả nhà. Khi được cấp xe máy, người cha tranh thủ làm thêm nghề xe ôm nên cũng tạm đủ sống qua ngày.
Theo bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội - đơn vị được Sở LĐ-TB&XH giao nhiệm vụ triển khai chương trình này, dù kinh phí còn hạn hẹp nhưng những chiếc “cần câu” đã được trao đúng người, đúng thời điểm nên giúp nhiều gia đình giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống để chăm sóc thành viên bị tâm thần được tốt hơn.
Bài và ảnh: THANH VÂN