Cùng với dòng chảy chung của lịch sử dân tộc trong những năm đánh giặc giữ nước, người dân Hòa Vang đã chiến đấu kiên cường, ngăn chặn những bước chân xâm lược của kẻ thù. Vùng đất Hòa Vang đã sinh ra, nuôi dưỡng, tôi luyện và hun đúc nên nhiều danh nhân, anh hùng, hào kiệt, trí dũng song toàn làm rạng danh cho quê hương.
Đặc biệt, trong đó có Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh - một nhà nho yêu nước chống Pháp dưới thời Tự Đức. Tên tuổi và sự nghiệp của ông được sử sách ghi công, nhân dân tôn thờ và trường tồn mãi mãi.
Theo ông Đỗ Hữu Huyến, đại diện tộc Đỗ (tỉnh Quảng Ngãi), Đỗ Thúc Tịnh là người con của xứ Nam - Ngãi. Quê ông ở Quảng Ngãi nhưng vì cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh nên gia đình ông đã ra lập nghiệp ở Quảng Nam và ông ra đời tại La Châu, tổng Phước Tường Thượng, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).
Đỗ Thúc Tịnh tự là Cấn Trai, tên húy Như Chương sinh ngày 20-2-1818 (16 tháng giêng năm Mậu Dần). Mồ côi cha từ thuở còn bé, nhà nghèo, Đỗ Thúc Tịnh và anh em ông cùng với người mẹ phải tảo tần trăm bề, vất vả, tìm kế mưu sinh. Sinh thời, Đỗ Thúc Tịnh đã thờ mẹ, kính anh rất mực hiếu đễ, được bà con xóm làng ngợi khen.
Năm 1850, ông được bổ làm Tri phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1853, ông được bổ làm Tri phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Lúc bấy giờ mất mùa, nhân dân Diên Khánh bị đói kém, ông giúp gạo thóc, thuốc men cho người nghèo khó, bệnh tật. Không những thế, ông còn khuyến dụ những người lầm đường lỡ bước kiếm công việc làm ăn lương thiện; nhiều người đã theo chính lành của ông mà siêng năng lo việc làm ăn, làm lại cuộc đời.
Với những cống hiến trên, năm 1855, Đỗ Thúc Tịnh được thăng chức Viên ngoại Bộ Binh và được điều về kinh. Được tin, hai lần nhân dân Diên Khánh đều đến tỉnh khẩn thiết xin tâu lên triều đình lưu ông ở lại cho dân được nhờ. Vua Tự Đức đã châu phê và khen ông là người thanh liêm mẫn cán, hết lòng lo việc dân, cho ông được hưởng hàm Hàn Lâm Viện Thị Độc nhưng vẫn giữ chức tri phủ Diên Khánh để làm gương cho các phủ, huyện trong tỉnh và ngoài tỉnh noi theo.
Năm 1859, giặc Pháp chiếm thành Gia Định; 2 năm sau thành Định Tường, tỉnh Mỹ Tho cũng rơi vào tay chúng. Đỗ Thúc Tịnh lúc đó giữ chức Binh Bộ Hữu Thị Lang, liền dâng sớ xin vua Tự Đức tự thân đến biên thùy để vỗ an tướng sĩ, rao mời khắp binh dân.
Trước sự chứng giám của nhà vua, ông tâu xin vận dụng sức người sức của 6 tỉnh Nam Kỳ để lấy lại bờ cõi, không phải hao tốn đến binh lương của triều đình, của nhân dân các tỉnh khác. Ông được vua Tự Đức khen là người có nghĩa khí, phong làm Hồng Lô Tự Khanh và giao giữ chức Tuần vũ Định Tường kiêm chức Khâm Phái Biện Sự Quân Vụ.
Đến Vĩnh Long, ông động viên quân dân chiến đấu, thu góp lương thực, tuyển mộ nghĩa binh, hô hào nhân dân chống giặc, gây được phong trào giết giặc cứu nước rầm rộ trong nhân dân. Ông đã cùng phối hợp với Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương... lãnh đạo các cuộc kháng chiến đánh thắng nhiều trận được lưu danh trong sử sách. Xuất sắc nhất là trận dùng hỏa công đốt cháy chiến thuyền Espérance và đánh đắm thuyền Manha trên sông Nhật Tảo. Với những chiến tích đã đạt, ông được vua Tự Đức ngợi khen, tuyên dương công trạng và được thăng chức Lại Bộ Hữu Thị Lang vào tháng 11-1861.
Năm 1862, khi đang cùng với quan quân tập trung công sức trong việc đánh đuổi giặc Pháp thu hồi các tỉnh miền Đông, chẳng may ông lâm phải một chứng bệnh cấp tính và đột ngột qua đời ngay tại quân thứ Vĩnh Long lúc tuổi đời còn quá trẻ. Nghe tin ông mất, vua Tự Đức thương tiếc khôn xiết mà phê rằng: “Người ngay thẳng, mẫn cán chẳng may bị mất sớm, guồng máy làm việc của triều đình bị trở ngại. Người không có thủ túc trợ giúp, phỏng làm được việc gì đây? Chỉ còn biết nuốt nước mắt khóc mà thôi”.
“Quê hương Hòa Vang tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc những cống hiến to lớn của nhà yêu nước Đỗ Thúc Tịnh - một nhân vật có nhiều công lao trong lịch sử dân tộc và lịch sử địa phương. Hội thảo “Cuộc đời và sự nghiệp của nhà yêu nước Đỗ Thúc Tịnh” làm rõ thêm ý nghĩa toàn bộ sự nghiệp của ông, một người con ưu tú của quê hương đã nêu một tấm gương sáng ngời về đạo làm người, đạo làm quan của một bậc đại trí; đồng thời tìm ra những hướng đi, giải pháp thiết thực góp phần gìn giữ và phát huy một di sản văn hóa quý giá của huyện Hòa Vang và thành phố Đà Nẵng. Qua đó bổ sung, hoàn thiện các sử liệu về cuộc đời và sự nghiệp của ông, từ đó tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ việc học tập và làm theo tấm gương cụ Đỗ Thúc Tịnh”. (Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường phát biểu tại hội thảo “Cuộc đời và sự nghiệp của nhà yêu nước Đỗ Thúc Tịnh” do Ban Thường vụ Huyện ủy Hòa Vang phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử thành phố tổ chức ngày 7-3-2018). |
ĐOÀN HẠO LƯƠNG