Ký ức không phai

.

Trong tâm khảm các cựu chiến binh (CCB) và cựu quân nhân (CQN) từng chiến đấu, công tác tại Trường Sa mãi mãi không phai mờ những tháng ngày làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đặc biệt là trận chiến tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí trao hoa cho các cựu chiến binh tham gia chương trình “Biển gọi”, tối 13-3. Ảnh: THANH TÌNH
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí trao hoa cho các cựu chiến binh tham gia chương trình “Biển gọi”, tối 13-3. Ảnh: THANH TÌNH

Đầu năm 1987, hàng trăm thanh niên ưu tú ở Đà Nẵng, Quảng Nam và nhiều địa phương khác tràn đầy nhiệt huyết, hăng hái tòng quân giữ nước và được biên chế vào Quân chủng Hải quân để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Sau 6 tháng huấn luyện tại Đoàn M126 ở thành phố Hội An (Quảng Nam), các anh được phân công về công tác tại Trung đoàn Công binh 83 Quân chủng Hải quân (nay là Lữ đoàn Công binh 83).

CCB Nguyễn Văn Tấn, 51 tuổi (ở đường Núi Thành, quận Hải Châu), vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm sâu sắc của 30 năm trước. Anh Tấn kể: Đầu tháng 3-1988, từ cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), các anh lên tàu ra làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa. Trên những con tàu rẽ sóng ra khơi, các anh hát vang những bài ca cách mạng và bừng bừng nhiệt huyết tuổi thanh xuân.

Ngày 14-3-1988, Trung Quốc xâm chiếm trái phép đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa). Các anh kiên cường chiến đấu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Thiếu úy Nguyễn Văn Phương, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh và nhiều chiến sĩ khác đã ngoan cường ôm giữ lá cờ của Tổ quốc trên đảo Gạc Ma cho đến khi bị trúng đạn, ngã xuống. Anh Phương hy sinh tại chỗ, anh Lanh bị thương nặng, được đưa về tuyến sau cứu chữa… 64 chiến sĩ trung kiên đã vĩnh viễn ra đi trong trận đánh ấy. Trong đó có 9 người con của thành phố Đà Nẵng anh hùng (7 người ở phường Hòa Cường, nay là Hòa Cường Bắc và Hòa Cường Nam, 1 người ở phường Bình Hiên, quận Hải Châu và 1 người ở phường An Hải Tây, quận Sơn Trà). Các anh đã chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng. Các anh đã nằm lại giữa trùng khơi, thân xác hòa tan vào lòng biển mẹ. Những người con đất Việt thân yêu với gương mặt cương nghị, trẻ trung và trẻ mãi ở tuổi đôi mươi trên các bức ảnh thờ. Các anh hy sinh cho đất nước trường tồn.

Giữa bộn bề cuộc sống đời thường, bao kỷ niệm sâu sắc trong những năm tháng làm nhiệm vụ trên vùng biển Trường Sa thân yêu vẫn khắc sâu trong tâm khảm các CCB/CQN Trường Sa. Sau khi xuất ngũ, các anh luôn tận tình giúp đỡ nhau khắc phục khó khăn, bền bỉ vượt khó vươn lên. Dẫu công việc mưu sinh vất vả, các anh vẫn nêu cao tinh thần quyết thắng và tình đồng chí, đồng đội năm xưa. Tiêu biểu như CCB Trần Văn Xuất ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) nỗ lực phấn đấu làm giàu chính đáng, trở thành chủ một doanh nghiệp lớn về sản xuất-kinh doanh đá mỹ nghệ, tạo việc làm cho hơn 300 lao động, trong đó có nhiều người là đồng đội cũ. Hay như anh Nguyễn Lê Cao Nghiêm ở phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tiếp tục học tập, thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) và kết quả các môn học đều đạt khá, giỏi, nay đã trở thành một cán bộ giàu nhiệt huyết và năng lực của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Đà Nẵng. Ngoài công tác, anh còn hăng hái tham gia các hoạt động nghĩa tình đồng đội, là một trong những người vận động thành lập Ban Liên lạc Truyền thống Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng giai đoạn 1984-1988…

Bên cạnh đó, những gia đình liệt sĩ Trường Sa thường xuyên được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quan tâm hỗ trợ trong sự tôn vinh và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Đặc biệt, 9 liệt sĩ Trường Sa ở Đà Nẵng đã được các cơ quan chức năng xây mộ gió tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố và hằng năm tổ chức đưa đón thân nhân đến viếng mộ hết sức chu đáo. Ông Lê Văn Xuân ở phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu), cha của liệt sĩ Lê Văn Xanh hy sinh trong trận đánh 14-3 năm xưa, chia sẻ: Các dịp kỷ niệm “Ngày giỗ Gạc Ma”, Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng đội của con tôi đều đến thăm và cán bộ địa phương cũng luôn quan tâm, thăm hỏi, động viên gia đình tôi, đó là nguồn động viên to lớn, làm tôi cảm thấy ấm lòng, vơi bớt nỗi đau thương. Tôi rất vinh dự với tên gọi “Gia đình liệt sĩ Trường Sa” và tích cực động viên con cháu lên đường bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.

Cầu siêu các liệt sĩ Trường Sa hy sinh ngày 14-3-1988

Ngày 13-3, tại khu vực cảng Mân Quang (quận Sơn Trà), Ban Liên lạc truyền thống Bộ đội Trường Sa thành phố Đà Nẵng thời kỳ 1984-1988 phối hợp với chùa Phổ Quang (Đà Nẵng) tổ chức lễ cầu siêu 64 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh bảo vệ các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao (quần đảo Trường Sa) ngày 14-3-1988.

Buổi lễ có sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân, thân nhân các gia đình liệt sĩ Trường Sa tại Đà Nẵng và các địa phương khác, thể hiện sâu sắc đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và sự tôn vinh, tri ân đối với các anh hùng, liệt sĩ.

LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.
.