Nhiều năm liên tiếp (2014-2018), Việt Nam lấy chủ đề “Yêu thương và chia sẻ” cho Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3; bởi đơn giản, sự yêu thương và chia sẻ chính là nguồn cội khơi dậy niềm hạnh phúc.
Nhiều gia đìnht trẻ đã góp nhặt những yêu thương bình dị trong cuộc sống, cùng vun đắp gia đình hạnh phúc. Ảnh: ĐINH LƠ |
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng căn phòng trọ trong căn hẻm nhỏ đường Hà Huy Tập (quận Thanh Khê) của đôi vợ chồng trẻ khuyết tật Trần Đăng Trung và Trần Thị Tố Trinh luôn tràn ngập tiếng cười.
Bị tai nạn giao thông vào năm 2012, cậu sinh viên Trần Đăng Trung “đòi sống đòi chết” khi biết một chân của mình không cử động được. Tuy nhiên, sau khi tham gia Hội Người khuyết tật thành phố Đà Nẵng, nhìn nhận về cuộc sống của Trung không còn bi quan và cũng từ đây hạnh phúc đã mỉm cười với anh.
Trong một lần sinh hoạt chung ở Hội, anh gặp gỡ và nên duyên cùng Tố Trinh – một cô gái bị tật đôi chân từ nhỏ. Vượt qua rào cản của gia đình vì lo ngại hai người khuyết tật chung sống sẽ khó khăn gấp bội, đến nay họ đã có một bé trai kháu khỉnh.
Hằng ngày, sau công việc ở Hội Người khuyết tật, Trung vội vã về nhà phụ vợ đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, chăm con. “Có thể nhiều người cho rằng sao tôi vất vả thế, nhưng tôi nghĩ đôi chân mình khỏe hơn vợ, đôi tay cũng rắn chắc hơn thì mình đỡ đần, chở che cho cô ấy nhiều hơn. Mỗi ngày, cùng vợ chia sẻ từ việc nhỏ đến việc lớn với tôi là niềm hạnh phúc lớn lao”, Trung tâm sự…
Với chị Nguyễn Thị Bích Trợ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ 8 Tân An B (phường Tân Chính, quận Thanh Khê), bên cạnh cuộc sống gia đình, thì việc chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh là điều chị cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Chị Trợ kể, những ngày trưa nắng chang chang, chị lại tự tay nấu cơm rồi mang vào bệnh viện cho những người mình chưa từng quen biết. “Nhiều người bảo trưa nắng ở nhà nghỉ cho khỏe, tội chi hành thân mình, nhưng đó là cái tình người với nhau, mình cảm thấy vui là được. Từ hành động của mình, con cái theo đó học hỏi, sống có tình, có nghĩa”, chị Trợ nói về những ngày chăm sóc một phụ nữ đơn thân quê Tiên Phước, Quảng Nam, nằm tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Chính những chia sẻ, yêu thương từ một bộ phận cư dân là gốc rễ sâu xa để nhiều hành động, cử chỉ đẹp dần lan tỏa trên địa bàn thành phố. Đó là nụ cười mến khách của chị bán hàng, là lời mời lịch sự của anh xích lô, là ứng xử nhân văn của cảnh sát giao thông, là hành động trả lại của rơi…; đến những dự án mang đầy sự sẻ chia với cộng đồng như: dự án Một bức tranh – nhiều hy vọng, Nhà vệ sinh Thoải mái như ở nhà...
Các ngành, đoàn thể cũng vào cuộc với hàng loạt chương trình: Chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng”, hình thành nhiều câu lạc bộ (CLB) liên quan đến xây dựng gia đình như CLB Gia đình 3 thế hệ, CLB Gia đình bền vững, CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.
Anh Huy Lê (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai từ nhiều năm nay cũng không khỏi tự hào: “Tôi cảm thấy vui và hài lòng với cuộc sống tại Đà Nẵng, càng tự hào khi đi đâu cũng nghe nói về Đà Nẵng là thành phố đáng sống.
Tôi nghĩ, để xứng đáng với danh hiệu đó, ngay bây giờ chúng ta phải phát đi thông điệp yêu thương và chia sẻ trong gia đình, giữa những người bạn rồi trong mỗi đơn vị, cơ quan, trường học… bằng những hành động thiết thực nhất sẽ góp phần đem lại hạnh phúc cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng”.
Ngày Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Bhutan-Vương quốc bé nhỏ nằm sâu trong lục địa miền đông Himalayas, vốn được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố như: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Tháng 6-2012, Liên Hợp Quốc tuyên bố chọn ngày 20-3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. 193 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) cùng cam kết ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân. Dịp này, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc. Theo đó, đề nghị các sở, ngành liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan, nêu gương người tốt, việc tốt; các hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc; tuyên truyền về chính sách, pháp luật và việc thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. |
NGỌC HÀ