Ngừng hoạt động hai nhà máy thép: Tạo việc làm, ổn định đời sống người dân

.

Nửa tháng qua, các cơ quan, ban, ngành và các cấp chính quyền thành phố đã tổ chức đối thoại, thông tin cho người dân, doanh nghiệp về chủ trương ngừng hoạt động của hai nhà máy thép Dana - Ý, Dana - Úc; đồng thời tuyên truyền, vận động để người dân ủng hộ chủ trương của thành phố. Trong khi đó, người dân mong muốn được tạo điều kiện tìm việc làm mới, ổn định cuộc sống và cải tạo đất để tổ chức sản xuất, xử lý ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Hai nhà máy thép kiến nghị cho sản xuất hết khối lượng nguyên liệu đang tồn đọng để giải quyết các khó khăn, nhất là những đơn hàng đã ký. 				Ảnh: HOÀNG HIỆP
Hai nhà máy thép kiến nghị cho sản xuất hết khối lượng nguyên liệu đang tồn đọng để giải quyết các khó khăn, nhất là những đơn hàng đã ký. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Ông Phan Duy Vinh (trú tổ 6, thôn Vân Dương 2) cho biết: “Hiện nay nhiều công nhân là người dân của thôn Vân Dương 2 vẫn chưa tìm được việc làm. Có gia đình có 3-4 người làm việc trong hai nhà máy đang bị thất nghiệp nên đời sống hết sức khó khăn”.

Còn ông Phạm Phú Thịnh (trú tổ 1, thôn Vân Dương 2) bày tỏ lo lắng: “Gia đình tôi có 4 người làm việc tại hai nhà máy, nay mất việc đột ngột, không có tiền lo cho con cái đi học. Do chúng tôi sinh sống xung quanh nhà máy, đi làm công nhân ở đó và trước đây có chủ trương di dời dân đến nơi ở mới nên không trồng trọt, chăn nuôi gì. Bây giờ bị mất việc đột ngột, không biết lấy gì để sinh nhai. Vả lại, do đất và mạch nước ngầm bị nhiễm độc nặng nên cũng không thể trồng cây và chăn nuôi”.

Nhiều người dân cũng bày tỏ kiến nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực xung quanh hai nhà máy thép để có biện pháp xử lý ô nhiễm nguồn nước ngầm, nhất là yêu cầu hai nhà máy xử lý an toàn trữ lượng xỉ khổng lồ đang để lộ thiên.

“Hai nhà máy thép xây dựng sai quy hoạch nên lãnh đạo thành phố quyết định ngừng hoạt động hai nhà máy và không giải tỏa, di dời dân đi nơi khác ở là phù hợp với nguyện vọng của gia đình tôi cũng như người dân xung quanh.

Chúng tôi rất vui mừng khi lãnh đạo thành phố quyết định ngừng hoạt động hai nhà máy thép, nhưng cũng kiến nghị các cơ quan chức năng sớm yêu cầu nhà máy xử lý trữ lượng xỉ để tránh gây hại cho mạch nước ngầm”, ông Lê Văn Minh (tổ 1, thôn Vân Dương 2) kiến nghị.

Bà Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang cho hay, dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND huyện Hòa Vang và xã Hòa Liên đã có sự kết nối với Khu Công nghệ cao để người dân xã Hòa Liên có thể xin việc làm tại đây hoặc đăng ký hỗ trợ giải quyết việc làm. Về đất đai sản xuất, huyện và xã cũng đang có giải pháp hỗ trợ cải tạo đất, khơi thông thủy lợi...

Ông Huỳnh Tấn Bôn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết thêm: “Xã đang chuẩn bị cho cải tạo toàn bộ đất nông nghiệp đã bị bỏ hoang trong thời gian qua để kịp tổ chức sản xuất ngay từ vụ hè thu đến. Bên cạnh đó là hỗ trợ cây giống cho người dân.

Ngoài ra, xã phối hợp với huyện và các cơ quan, đơn vị của thành phố sẽ tổ chức gặp gỡ các công nhân bị mất việc sau khi hai nhà máy ngừng hoạt động và tư vấn hỗ trợ việc làm, chuyển đổi ngành nghề...”.

Huyện Hòa Vang đề nghị sớm hủy bỏ quy hoạch 2 khu tái định cư Hòa Liên 6 và Hòa Liên 7 để người dân yên tâm tổ chức sản xuất trở lại trên khu vực này.
Huyện Hòa Vang đề nghị sớm hủy bỏ quy hoạch 2 khu tái định cư Hòa Liên 6 và Hòa Liên 7 để người dân yên tâm tổ chức sản xuất trở lại trên khu vực này.

Theo Huyện ủy Hòa Vang, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy, trong 2 tuần qua, Thường trực Huyện ủy cùng các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận huyện và cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều lần họp dân để thông tin, giải thích, vận động.

Đến nay, hầu hết người dân hai thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 đều đồng tình ủng hộ, thống nhất cao chủ trương của thành phố. Tuy nhiên, có thông tin lãnh đạo hai nhà máy vận động, kêu gọi công nhân ký đơn tập thể đề nghị thành phố cho hai nhà máy thép tổ chức sản xuất lại.

Trong đó, có trường hợp đơn tập thể 17 hộ dân thuộc thôn Vân Dương 2 đề nghị UBND thành phố thực hiện chủ trương cũ trong thời gian sớm nhất. Sau khi xác minh, chính quyền địa phương đã tiếp xúc với những người ký tên trong đơn nhằm giải thích và những người này đã xin rút lại đơn kiến nghị.

Cũng có thông tin một số người mua đất tại khu vực xung quanh hai nhà máy vận động người dân kiến nghị thành phố được giải tỏa, di dời đến nơi ở khác... Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành đã làm việc với địa phương để quán triệt chủ trương của lãnh đạo thành phố.

Huyện Hòa Vang cũng đã chỉ đạo xã Hòa Liên tiến hành khảo sát số lao động đang làm việc thực tế tại hai nhà máy thép. Qua thống kê, có tổng cộng 180 lao động cư trú trên địa bàn xã Hòa Liên, trong đó chỉ có 62 lao động ở 2 thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2, số còn lại ở 11 thôn khác.

Ông Trần Văn Trường, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho biết: “Qua các buổi làm việc, nguyện vọng của người dân là tiếp tục được sản xuất tại địa phương và ổn định đời sống. Huyện đề nghị thành phố quan tâm, hỗ trợ khoảng 480 triệu đồng để cải tạo đồng ruộng, hỗ trợ giống, sửa chữa hệ thống tưới tiêu để người dân tổ chức sản xuất vụ hè thu 2018; đồng thời, sớm có quyết định hủy bỏ quy hoạch 2 khu tái định cư Hòa Liên 6 và Hòa Liên 7 để người dân yên tâm tiến hành sản xuất.

Đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tạo việc làm, ổn định đời sống cho công nhân bị thất nghiệp. Đề nghị thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành đánh giá lại tác động môi trường khu vực xung quanh hai nhà máy thép và tổ chức khám sức khỏe cho người dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm; sớm tiến hành khớp nối toàn bộ quy hoạch trên địa bàn xã Hòa Liên...”.

Theo chia sẻ của lãnh đạo nhà máy thép Dana-Ý, thiệt hại trước mắt là doanh nghiệp không đủ hàng giao cho các đại lý, mất thị phần. Công ty đã bị phạt do không thực hiện đúng hợp đồng mua, bán đã ký kết với các đối tác.

Ngoài ra, lãi vay và các khoản phạt do chậm thanh toán cho khách hàng. Giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán của Công ty CP Thép Dana-Ý liên tục giảm, hiện đã giảm 1/3 so với trước ngày dân bao vây nhà máy.

Ông Huỳnh Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Dana-Ý cho hay, nhà máy đã nhập hàng chục ngàn tấn nguyên liệu nhưng để đó vì dừng nấu luyện, trong khi đối tác liên tục yêu cầu cung cấp hàng. Trước đây, mỗi ngày, doanh thu của nhà máy thép Dana-Ý là 10 tỷ đồng, nhưng từ ngày bị ngừng hoạt động, doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng và còn thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Tình trạng này kéo dài sẽ đưa doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.