Những người bà, người mẹ thứ hai...

.

Ở tuổi ngoài hai mươi, cơ hội việc làm đang rộng mở nhưng chị Nguyễn Thị Thanh Loan (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) đăng ký làm cô giáo đứng lớp xóa mù chữ cho những đứa trẻ ở bãi rác Khánh Sơn khiến ai cũng ngạc nhiên. Bản thân chị ban đầu cũng chỉ nghĩ đơn giản: “Mấy đứa nhỏ tội quá, giúp cho nó biết chữ”, vậy mà đến giờ đã tròn 22 năm chị gắn bó với những trẻ em bất hạnh.

Với chị Trần Thị Chi Lan, việc các cháu khỏe mạnh tăng cân là nguồn động lực lớn nhất để chị làm việc.
Với chị Trần Thị Chi Lan, việc các cháu khỏe mạnh tăng cân là nguồn động lực lớn nhất để chị làm việc.

Chị Loan tâm sự: “Đến bây giờ tôi vẫn còn ấn tượng với buổi đầu đứng lớp, nhìn những đứa trẻ lấm lem, tóc tai bù xù ngồi cố đánh vần từng chữ mà nước mắt tôi tuôn trào. Thế là cứ dạy hết tháng này đến tháng khác, dù mỗi tháng ban đầu chỉ được hỗ trợ 50 đồng. Rồi lớp học giải tán, tôi lại theo các em về Gia đình số 3 thuộc Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố suốt từ năm 1996 đến nay”.

22 năm theo nghề chăm trẻ em bất hạnh, mỗi tháng xa nhà 20 ngày để ở lại trông trẻ với đủ thứ việc không tên từ đi chợ nấu ăn, chở mấy đứa nhỏ đi học, tối về chị vừa kiểm tra bài, vừa tranh thủ vá lại những chiếc áo cho tụi nhỏ... Mỗi tháng chị nhận 3 triệu đồng cho từng ấy việc.

“May là ông xã ủng hộ và cáng đáng kinh tế gia đình, còn tiền lương của tôi chỉ đủ đổ xăng và mua đồ vặt cho gần 30 đứa trẻ trong Gia đình số 3, nhưng tôi hạnh phúc vì mình có đến gần 30 đứa con”, chị cho biết.

Tình cờ khi có người giới thiệu công việc tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi thành phố (trực thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố), chị Nguyễn Thị Tánh ở xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) nhận lời ngay, bởi chị tin “mình có kinh nghiệm nuôi 2 con rồi nên chắc về đây cũng sẽ làm được”.

Thế nhưng ngày đầu tiên về làm việc tại đây, chị đã bị sốc nặng. Trong ngôi nhà nhỏ có đến gần 20 đứa trẻ, trong đó có khoảng 1/3 là trẻ bại liệt sống gần như thực vật. Đêm trực đầu tiên cùng một đồng nghiệp, chị đã thức trắng vì cứ xoay như chong chóng với gần 20 đứa lúc đói sữa, lúc thay tả, lúc khóc đòi bồng.

Vậy mà giờ đây tròn 21 năm ròng rã chưa một ngày nghỉ, cứ mỗi tuần 4 ngày chị đạp xe từ Hòa Khương về Trung tâm với khoảng cách gần 20km để chăm sóc những đứa nhỏ ở tận phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn).

Và cũng chừng đó cái Tết chị phải xa nhà, đón giao thừa với những đứa trẻ bất hạnh bị bỏ rơi. Chị không nhớ mình đã khóc bao nhiêu lần vì cực quá và thương các em nhỏ quá. 21 năm qua, chị cũng không nhớ hết bao nhiêu lần phải vào bệnh viện chăm “các con” ốm đau, và bao nhiêu lần tất bật lo hậu sự vì căn bệnh ngặt nghèo cướp mất các em!

Đã bao lần người thân trong gia đình khuyên chị bỏ việc về nhà làm nông phụ giúp chồng nuôi con ăn học, nhưng lần nào chị cũng từ chối vì: “Tôi đã quá thương mấy đứa nhỏ ở đây rồi. Dù biết rằng sau khi mình già yếu sẽ không có lương hưu như những người khác, cuộc sống sau này sẽ rất khó khăn”.

Ở cái tuổi ngoài 60, nhưng bà Nguyễn Thị Gương ở tận xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) vẫn đều đặn tuần 4 ngày chạy xe máy đến Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi ở đường Thủ Khoa Huân (quận Sơn Trà, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Bà tâm sự, tôi chỉ tình cờ biết ở đây có nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi, nhưng rồi như có ai níu chân không rời được các cháu. Suốt 9 năm qua, dù với mức hỗ trợ hơn 2 triệu đồng/tháng, nhưng bà vẫn vui vẻ, tận tâm với công việc. Bà cho biết: “Ở đây có 4 người chia làm 2 ca, mỗi ca 2 người thay nhau chăm sóc 13 đứa trẻ, trong đó đứa lớn nhất 14 tháng, đứa nhỏ chỉ vài ngày tuổi.

Vì vậy, gần như trong suốt ca trực một ngày một đêm, các bà, các cô chỉ tranh thủ chợp mắt 1-2 giờ đồng hồ, còn lại cứ xoay vòng với đủ công việc”. Chị Trần Thị Chi Lan, một người chăm sóc trẻ tại đây, tâm sự: “Cực thì khỏi nói vì mỗi người phải trông đến 6-7 đứa trẻ, trong đó có cháu vài ngày tuổi bị ba mẹ bỏ rơi trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng. Nhưng nhìn mấy cháu khỏe mạnh, tăng cân qua bàn tay chăm sóc của mình nên cảm thấy vui. Tôi không có con, với tôi cả 13 đứa trẻ đều là con hết”.

Nói về tương lai của những người mẹ, người bà thứ hai này, bà Trần Thị Nhì, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi Đà Nẵng tỏ ra lo lắng: “Tất cả họ đến với trẻ bất hạnh bằng tấm lòng, không đòi hỏi gì. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chính sách để họ có thể cống hiến lâu dài hơn, nhất là sau khi sức yếu phải có nguồn thu nhập ổn định sống với tuổi già”.

Còn chị Nguyễn Thị Mỹ, người phụ trách Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi thành phố cho rằng, hiện các trung tâm chủ yếu tồn tại từ nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm, nên cần có thêm sự hỗ trợ của chính quyền để những người bà, người mẹ thứ hai này yên tâm chăm sóc cho những đứa trẻ bất hạnh.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.
.