Phòng cháy chữa cháy tại chung cư, nhà cao tầng: Không thể lơ là, chủ quan

.

Vụ cháy chung cư Carina Plaza ở quận 8, TP. Hồ Chí Minh ngày 23-3 cho thấy công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC) của hệ thống chung cư, nhà cao tầng trên cả nước còn lơ là, chủ quan. Đà Nẵng có nhiều chung cư, nhà cao tầng nên nếu xem nhẹ công tác PCCC sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

 Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 3 tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn nhà cao tầng trên địa bàn thành phố. Ảnh: NGỌC PHÚ
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 3 tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn nhà cao tầng trên địa bàn thành phố. Ảnh: NGỌC PHÚ

Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Đại tá Lê Ngọc Hai, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố Đà Nẵng cho biết:

- Tại các công trình nhà cao tầng hiện nay, công tác PCCC được UBND các cấp và các sở, ban, ngành, người dân ngày càng quan tâm, chú trọng. Nhiều chủ đầu tư, ban quản lý dự án đã nhận thức việc bảo đảm an toàn PCCC cho công trình phải thực hiện ngay từ giai đoạn lập dự án, thiết kế, thi công công trình; thường xuyên duy trì công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC cho cán bộ, công nhân viên và người dân.

Tuy nhiên, tại một số chung cư và nhà cao tầng, một bộ phận người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở, chủ hộ gia đình và cá nhân chưa làm tốt trách nhiệm trong công tác PCCC. Một số chung cư chưa thành lập lực lượng PCCC tại chỗ hoặc có thành lập nhưng không duy trì hoạt động. Chủ đầu tư không bàn giao đầy đủ hồ sơ thiết kế, phí bảo trì công trình cho ban quản trị, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng công trình. Một số chung cư còn né tránh, chậm thực hiện các kiến nghị khắc phục về an toàn PCCC của Cảnh sát PCCC, nhất là với các chung cư đã giao về cho các hộ dân tự quản lý, dẫn đến tình trạng vi phạm về an toàn PCCC tiếp tục kéo dài.

Ý thức của người dân về công tác PCCC chưa cao, một số người dù không xảy ra sự cố nhưng vẫn nhấn nút báo cháy, hoặc rút chốt các bình chữa cháy nên có hiện tượng các nhà trưởng, bảo vệ ngắt chuông báo cháy; không thường xuyên duy trì các phương tiện PCCC; không khởi động các máy bơm chữa cháy và kiểm tra đường ống định kỳ, hoặc không kiểm tra tín hiệu hay độ chính xác của trung tâm báo cháy tự động...

* Việc kiểm tra, cấp phép trước khi đưa các chung cư, nhà cao tầng vào hoạt động được triển khai trong thời gian qua như thế nào? Cơ quan chức năng đã làm gì để nâng cao ý thức cho người đứng đầu cơ sở?

- Trong thời gian qua, trên địa bàn Đà Nẵng, công tác thẩm duyệt, nghiệm thu đối với các công trình loại hình nhà cao tầng (trong đó có loại hình chung cư) được triển khai bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31-7-2014 của Chính phủ và Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16-12-2014 của Bộ Công an. Bên cạnh đó, Cảnh sát PCCC thành phố Đà Nẵng cũng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC của chủ đầu tư trong việc chấp hành các quy định về thẩm duyệt và nghiệm thu.

Cụ thể, trong năm 2017 và các tháng đầu năm 2018, Cảnh sát PCCC thành phố đã xử lý vi phạm hành chính đối với 8 trường hợp nhà cao tầng. Các lỗi vi phạm tập trung chủ yếu bao gồm: thi công không đúng hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt; không trình hồ sơ thẩm duyệt lại khi cải tạo, mở rộng công trình… Riêng với loại hình chung cư, Cảnh sát PCCC thành phố đã xử lý 1 trường hợp với lỗi vi phạm đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC.

Nhằm nâng cao ý thức của người đứng đầu cơ sở cũng như người dân, trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố đã triển khai nhiều hình thức, trong đó thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các văn bản pháp luật liên quan công tác PCCC và kiến thức cơ bản về cháy, nổ cũng như các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC; đồng thời, tổ chức huấn luyện, tập huấn nhiều kỹ năng nhằm xử lý các tình huống khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Tăng cường kiểm tra an toàn về PCCC, qua đó kịp thời hướng dẫn và chỉ ra những tồn tại, thiếu sót trong việc bảo đảm an toàn PCCC, giúp người đứng đầu cơ sở cũng như người dân khắc phục kịp thời các thiếu sót và thực hiện tốt hơn công tác PCCC.

Đại tá Lê Ngọc Hai (bìa phải) kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy nhà cao tầng trên địa bàn Đà Nẵng. 						         Ảnh: Ngọc Phú
Đại tá Lê Ngọc Hai (bìa phải) kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy nhà cao tầng trên địa bàn Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Phú

* Ông có khuyến cáo gì đối với những người đứng đầu các cơ sở này cũng như người dân để họ bảo vệ tính mạng và tài sản của mình?

- Cháy, nổ luôn gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho Nhà nước cũng như nhân dân. Vì vậy, hơn ai hết, những người đứng đầu cơ sở và người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động PCCC. Theo đó, đối với người đứng đầu cơ sở, cần thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC đối với cơ sở theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31-7-2014 của Chính phủ; đồng thời, phải duy trì liên tục chế độ kiểm tra đối với các hệ thống, thiết bị PCCC đã được trang bị tại công trình và các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC trong suốt quá trình hoạt động.

Thực hiện nghiêm túc các quy trình, quy định về vận hành sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế các hệ thống, thiết bị PCCC và hệ thống kỹ thuật liên quan. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức PCCC và thao tác sử dụng phương tiện chữa cháy cho những người dân đang làm việc và sinh hoạt trong các công trình. Phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy nhằm nâng cao nhận thức cho người dân; đồng thời kiểm tra dụng cụ, phương tiện chữa cháy đã trang bị và khả năng sẵn sàng chữa cháy của lực lượng PCCC cơ sở nhằm chủ động chữa cháy khi có cháy, nổ xảy ra.

Tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân về ý thức chấp hành nội quy an toàn PCCC trong khu chung cư (sử dụng điện, ngọn lửa trần hay sử dụng gas an toàn, cách sắp xếp bố trí vật dụng sinh hoạt không lấn chiếm lối, đường thoát nạn chung…). Khắc phục lỗi của hệ thống PCCC (máy bơm chữa cháy, hệ thống báo cháy tự động); rà soát, thay thế các đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn đã bị hỏng, hướng dẫn nhà trưởng hoặc các đội viên đội PCCC mỗi nhà vận hành máy bơm chữa cháy, duy trì công tác bảo trì, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy luôn trong thường trực sẵn sàng chiến đấu.

Đối với người dân, phải chấp hành nghiêm túc nội quy, quy định an toàn về PCCC; tham dự đầy đủ các buổi tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC; chủ động tham mưu, đề xuất, phản ánh với người đứng đầu cơ sở và Cảnh sát PCCC các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC, các trường hợp gây mất an toàn PCCC tại khu vực đang sinh sống và làm việc để có biện pháp xử lý; đồng thời phải cộng đồng trách nhiệm trong công tác phòng ngừa không để cháy xảy ra và tham gia chữa cháy khi xảy ra cháy, nổ nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân cũng như những người xung quanh. Trang bị phương tiện bảo hộ chống khói, thang dây thoát nạn tại từng tầng của khu chung cư...

Đại tá Lê Ngọc Hai cho biết, với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, các cao ốc, nhà cao tầng, chung cư hiện phát triển nhiều. Trên địa bàn thành phố hiện nay có 57 khu chung cư các loại (trong đó có 43 khu với 171 block thuộc quản lý của Công ty Quản lý nhà chung cư và Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng; 14 khu do các doanh nghiệp đầu tư, khai thác). Về chiều cao, 17 khu có chiều cao từ 9 tầng trở lên; 31 khu có chiều cao từ 5-9 tầng; 9 khu có chiều cao dưới 5 tầng và hơn 600 khách sạn, nhà cao tầng bao gồm các loại công năng như: nhà ở căn hộ, văn phòng, khách sạn, thương mại dịch vụ và có những nhà được kết hợp nhiều công năng.

Chấn chỉnh sai phạm về PCCC tại các chung cư

Cảnh sát PC&CC thành phố Đà Nẵng vừa kiểm tra đột xuất công tác PCCC một số chung cư trên địa bàn quận Sơn Trà. Qua kiểm tra, tổ đã phát hiện nhiều sai phạm tại các chung cư. Tại block nhà 2A chung cư Làng cá Nại Hiên Đông, các chuông báo cháy tại chung cư không phát huy được công dụng, một số đèn chỉ dẫn thoát hiểm không sáng hoặc bị đập bể; đặc biệt, hệ thống báo cháy trong chung cư đã không còn hoạt động từ lâu… Tại chung cư 12T3 Nại Hiên Đông, hệ thống đèn nháy giăng trên trần nhà, dọc các hành lang rất nguy hiểm; một số bình chữa cháy hết hạn sử dụng hoặc hết bọt chưa được đổi; người dân sử dụng vật chắn để mở cửa cầu thang tăng áp...

Cảnh sát PC&CC thành phố yêu cầu Phòng Cảnh sát PC&CC số 3 phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan nâng cao ý thức người dân trong bảo quản trang thiết bị PCCC, thực hiện đúng quy định về PCCC; sửa chữa hệ thống PCCC tại các chung cư, thường xuyên kiểm tra và bố trí lại các thiết bị PCCC cho phù hợp…

An Nhiên

NGỌC PHÚ thực hiện

;
.
.
.
.
.
.