Quận Thanh Khê với nhu cầu lấn biển để phát triển

.

Việc UBND quận Thanh Khê đề xuất bồi đắp vịnh Đà Nẵng để phát triển kinh tế-xã hội đang tạo ra nhiều luồng dư luận. Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, ý tưởng lấn biển đã có từ rất lâu và hiện nay trở thành nhu cầu bức thiết về phát triển dịch vụ, du lịch của quận.

Bờ biển dài 4km ngang qua địa phận quận Thanh Khê khá đẹp cần được khai thác hiệu quả.
Bờ biển dài 4km ngang qua địa phận quận Thanh Khê khá đẹp cần được khai thác hiệu quả.

Trở lại câu chuyện đề xuất lấn biển để phát triển dịch vụ, du lịch, ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê chia sẻ, ý tưởng này manh nha từ khi hình thành đường Nguyễn Tất Thành (đoạn qua quận Thanh Khê dài 4km). Khi đó, người dân, cán bộ, công nhân, viên chức, các ngành chức năng đều cho rằng ít nhất phải chừa diện tích phần bờ biển để phát triển dịch vụ, du lịch.

Thực tế, con đường lấn sát ra bờ biển, bãi biển còn lại nhỏ hẹp, nơi rộng nhất chỉ hơn 50m, riêng đoạn cầu Phú Lộc thì sát mép nước.

“Bây giờ, phải làm dịch vụ, du lịch thế nào đây khi khách du lịch đi ngang qua, dừng lại chụp vài tấm hình, ngắm biển xong rồi về? Hiện nay, tại quận Thanh Khê, quỹ đất không còn nhiều, việc thu ngân sách cũng không còn theo kịp các quận khác, nên bây giờ muốn phát triển Thanh Khê theo định hướng cơ cấu kinh tế thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp- thủy sản, trong đó ưu tiên hàng đầu là thương mại - dịch vụ thì chỉ còn cách “mở mang bờ cõi” ra thôi”, ông Tĩnh nói.

Cũng theo ông Tĩnh, vịnh Đà Nẵng, đặc biệt địa phận Thanh Khê là nơi “tập kết” rác thải từ thượng nguồn đổ về. Hằng năm, quận Thanh Khê huy động một lực lượng đông đảo tình nguyện viên cùng Xí nghiệp Môi trường Sông Biển để tham gia dọn dẹp bờ biển.

Nếu lấn biển để hình thành các khu dịch vụ, có hàng cây che chắn thì sẽ không còn cảnh rác vương vãi như hiện nay; đồng thời bảo vệ công trình chắn sóng, bảo vệ nhà cửa người dân trên suốt đoạn đường dài 4km này.

Do đó, quận đề xuất bồi lấn vịnh Đà Nẵng ra tối đa 200m, dọc 4km qua quận Thanh Khê, tương đương quy mô 80ha lấn biển để tạo quỹ đất phát triển dịch vụ. Dĩ nhiên không thể lấn biển theo kiểu dàn hàng ngang mà phải có điểm nhấn, điển hình như nhà xương cá ở Dubai hay Singapore.

Ông Tĩnh cho biết, ý tưởng này được Ban Thường vụ Quận ủy đồng ý và đến thời điểm hiện tại đã trở thành nhu cầu bức thiết trong phát triển kinh tế của quận Thanh Khê. Ý tưởng tốt nhưng làm thế nào là cả vấn đề và cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Khê mong lãnh đạo thành phố quan tâm, cân nhắc; chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu về ý tưởng này; trong đó có việc đánh giá về tác động môi trường thật khoa học.

“Chúng ta đều hiểu chinh phục tự nhiên nhưng phải tuân thủ quy luật tự nhiên. Vì thế, cần có sự chỉ đạo sát về đề xuất này. Tôi cho rằng ý tưởng lấn biển phát triển du lịch của quận Thanh Khê nhằm mục đích thay đổi diện mạo nơi đây là rất thiết thực”, ông Tĩnh nêu ý kiến.

Ý tưởng lấn biển của quận Thanh Khê đã nhận được nhiều luồng dư luận. Tuy nhiên, tại cuộc họp với Quận ủy Thanh Khê vào đầu tháng 3-2018, nhiều ý kiến cho rằng ý tưởng rất chính đáng để xem xét và định hướng quy hoạch Thanh Khê thời gian tới nên lồng ghép với phát triển vịnh Đà Nẵng bền vững trong bối cảnh thành phố đang xem xét nghiên cứu quy hoạch vịnh Đà Nẵng để hình thành “đô thị biển”.

Trong báo cáo sơ khởi quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2035 của UBND thành phố tại hội thảo vào ngày 19-3 cũng nêu rõ quy hoạch vịnh Đà Nẵng thành “đô thị biển” nằm trong định hướng phát triển không gian đô thị Đà Nẵng đến 2035.

“Đô thị biển” này sẽ mang tính chất độc đáo về một đô thị trên biển với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc, tạo điểm nhấn cho Đà Nẵng về du lịch, thu hút các dòng vốn đầu tư tạo sức lan tỏa chung. Đồng thời, phát triển không gian đô thị Đà Nẵng gắn với phát huy lợi thế hiếm có của thành phố so với các đô thị trên thế giới về biển - sông - núi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, điều này góp phần nâng cao giá trị và tầm vóc của Đà Nẵng. “Cần có quy hoạch và chính sách thu hút đầu tư xây dựng, khai thác vịnh Đà Nẵng để khu vực này tạo ra giá trị tăng cao, một đô thị khác biệt, hiện đại như Dubai”, ông Trần Du Lịch- thành viên tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ nói.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.