Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh New Zealand mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với Việt Nam, thể hiện chính sách coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực, thông qua Việt Nam để tăng cường hơn nữa quan hệ New Zealand-ASEAN.
Ngày 10-11-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nhân dịp bà Thủ tướng sang dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Ảnh: VGP |
Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa New Zealand từ ngày 11 đến 14-3. Đây là chuyến thăm chính thức New Zealand đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kể từ khi nhậm chức.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975 đến nay, quan hệ Việt Nam và New Zealand luôn phát triển tích cực, tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Ngay từ năm 2009, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Năm 2013, hai nước ký Chương trình hành động giai đoạn 2013-2016 triển khai quan hệ Đối tác toàn diện. Năm 2015, hai nước ra Tuyên bố chung nhất trí tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện hướng tới Đối tác chiến lược. Bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương - APEC 2017, Việt Nam-New Zealand cũng đã hoàn tất việc soạn thảo và ký Chương trình Hành động giai đoạn 2017-2020.
Trong thời gian 5 năm gần đây, tần suất trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước thật sự đáng ghi nhận: Toàn quyền New Zealand đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam năm tháng 9-2013; Thủ tướng Việt Nam và New Zealand tiến hành các chuyến thăm chính thức lẫn nhau nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước lần lượt vào tháng 3 và tháng 11-2015; tân Thủ tướng Jacinda Ardern, ngay sau khi nhậm chức Thủ tướng vào cuối tháng 10-2017 đã nhận lời và tham dự Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng.
Nếu như về đối ngoại, New Zealand coi Việt Nam là nhân tố quan trọng trong chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thì về kinh tế, New Zealand đánh giá Việt Nam là một đối tác tiềm năng.
Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 17 của New Zealand và là quốc gia trong khối ASEAN đạt tốc độ phát triển nhanh nhất trong quan hệ thương mại với New Zealand. Trong 5 năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều đặn từ 15-20%. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 900 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất hơn 425 triệu USD và nhập hơn 401 triệu USD.
Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu đứng thứ 19 vào thị trường New Zealand. Đến nay, nước bạn có 28 dự án còn hiệu lực ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 101,94 triệu USD, đứng thứ 41/120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Việt Nam có 6 dự án liên doanh đầu tư tại New Zealand với tổng vốn đăng ký là 25,62 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo; khách sạn và ăn uống; nông lâm nghiệp và thủy sản…
Với đà tăng trưởng gần đây cùng với thuận lợi là nền kinh tế Việt Nam và New Zealand có tính chất bổ sung cho nhau trên nhiều phương diện và những đóng góp quan trọng trong thương mại dịch vụ trên các lĩnh vực giáo dục, hàng không, du lịch, dịch vụ tư vấn... khả năng đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều về hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước lên mức 2,5 tỷ NZD (tương đương 1,7 tỷ USD) vào năm 2020 như mục tiêu mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra là hoàn toàn hiện thực.
Bên cạnh các lợi thế có được từ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), có hiệu lực từ tháng 1-2010, việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký tại Chile ngày 8-3 vừa qua, sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước và các nước liên quan thông qua việc mở cửa thương mại hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy dòng vốn đầu tư và những mối liên kết gần gũi hơn thông qua giải quyết một loạt vấn đề.
Hiện nay, Việt Nam và New Zealand cũng đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) cùng với 9 nước ASEAN và 5 nước đối tác khác của ASEAN gồm Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Khi kết thúc đàm phán, đây sẽ là Hiệp định lớn nhất thế giới và giúp tạo ra một thị trường chung rộng lớn cho hàng hóa xuất khẩu của cả Việt Nam và New Zealand, từ đó tạo thêm nhiều việc làm cho người dân hai nước.
Nông nghiệp là lĩnh vực sôi động và có đóng góp quan trọng trong hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia. Trong những năm qua, thương mại hàng nông sản là một phần quan trọng trong giao thương giữa Việt Nam và New Zealand. Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sang New Zealand bao gồm trái cây nhiệt đới, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, hải sản. Xuất khẩu nông sản của New Zealand chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của New Zealand sang Việt Nam, bao gồm sản phẩm sữa, nguyên liệu ngành dệt may, hoa quả, gỗ nguyên liệu và khoáng sản.
Điểm nhấn đáng chú ý khác trong quan hệ Việt Nam-New Zealand là giáo dục. Theo thống kê, có gần 3.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại New Zealand, đứng thứ 9 trong các quốc gia có sinh viên Việt Nam. Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand có khoảng hơn 5.000 người, là cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước.
Về du lịch, lượng khách từ New Zealand sang Việt Nam có tăng song chưa đáng kể. Năm 2009 đạt 18.400 người, đến năm 2017 đạt 49.175 người.
Từ tháng 6-2016, Hãng hàng không New Zealand đã khai trương đường bay thẳng Oakland-Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế và giao lưu nhân dân hai nước.
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand có khoảng hơn 5.000 người, chủ yếu sinh sống ở Oakland, Christchurch và Wellington, Thủ đô của New Zealand.
Không chỉ hợp tác song phương, trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, Việt Nam và New Zealand luôn dành sự ủng hộ tích cực lẫn nhau.
Có thể nói, chuyến thăm New Zealand của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp thêm động lực để làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, được xác lập năm 2009, ngày càng đi vào thực chất, tạo đà để mở rộng các lĩnh vực hợp tác trong tương lai, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên mà hai bên có nhu cầu và thế mạnh.
Theo Chinhphu.vn