Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải là một trong những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ở chặng đường đầu của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Ông có tầm nhìn chiến lược, góp phần quan trọng vào sự phát triển của hệ thống kinh tế Việt Nam; trong đó có những quyết sách cho phát triển kinh tế và đối ngoại của đất nước.
Thủ tướng Phan Văn Khải (thứ tư, từ trái sang) thăm và làm việc tại Đà Nẵng năm 2004. Ảnh: NHÂN MÙI |
Những quyết sách cởi trói cho khu vực kinh tế tư nhân
Thủ tướng Phan Văn Khải là người tích cực và quyết tâm xây dựng thể chế theo tinh thần đổi mới, phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, đi đôi với mở cửa, hội nhập quốc tế. Trong gần hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, những luật căn bản trong thời kỳ đầu của quá trình đổi mới và mở cửa được xây dựng.
Thủ tướng Phan Văn Khải là người được đào tạo bài bản tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân Plekhanov của Liên bang Xô viết. Sau tốt nghiệp, ông về làm tại Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giữ chức Trưởng phòng.
Sau đó, ông làm tại Ban Kinh tế của Trung ương Cục và vào Nam chiến đấu (“đi B”). Sau năm 1975, ông làm việc tại Ủy ban Kế hoạch của Thành phố Hồ Chí Minh rồi sau này giữ chức Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Thời gian kế tiếp, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng Chính phủ. Ở cương vị này, ông là người cải tổ Tổ nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và xây dựng nên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng trong 9 năm (1997-2006).
Khi ông nhậm chức Thủ tướng (1997), kinh tế Đông Nam Á đang lâm vào khủng hoảng tài chính, Hàn Quốc và một số nước châu Á chịu tổn thất nặng nề. Trước tình hình đó, Chính phủ do nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đứng đầu đã nỗ lực đưa ra các giải pháp giải quyết khủng hoảng.
Những biện pháp tạm thời và có chiều sâu tiếp đó đã giúp giữ được nền kinh tế của Việt Nam lúc ấy dù tăng trưởng thấp 4,8% nhưng vẫn là tăng trưởng tốt, không chịu ảnh hưởng xấu như các nước: Hàn Quốc, Thái Lan...
Không chỉ vậy, trong giai đoạn 1997-2006, bình quân tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam là cao nhất và ổn định nhất (trung bình 7%/năm). Nền kinh tế vừa giữ được tốc độ tăng trưởng cao, bảo đảm được ổn định vĩ mô, vừa tạo được nhiều nhân tố mới cho tăng trưởng.
Một đóng góp quan trọng của Thủ tướng Phan Văn Khải vào phát triển kinh tế nước nhà chính là việc ban hành Luật Doanh nghiệp năm 1999, là cơ sở, nền tảng cho sửa đổi các chính sách kinh tế sau này. Kinh qua công tác tại Ủy ban Kế hoạch Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Thủ tướng Phan Văn Khải có nhiều cơ hội tiếp xúc và có sự thấu hiểu đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cũng như các vấn đề kinh doanh.
Sau khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, doanh nghiệp - doanh nhân và môi trường kinh doanh chính là một trong những mối ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông luôn xác định xây dựng hệ thống pháp luật đưa nền kinh tế phát triển theo hướng thị trường, là nền tảng quan trọng nhất để đất nước phát triển.
Luật Doanh nghiệp ra đời năm 1999 và sau đó sửa đổi năm 2005, cũng như thị trường chứng khoán ra đời năm 2000 là những minh chứng sống động cho quan điểm nhất quán và tầm nhìn của ông. Ngoài ra, ông cũng đặt nền móng cho cuộc cải cách giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước, bộ, ngành vào nền kinh tế, từng bước hình thành nền kinh tế thị trường, mở rộng quyền tự do cho các doanh nghiệp. Nhờ đó, kinh tế đã có bước phát triển mạnh.
Thủ tướng Phan Văn Khải (hàng đầu, bên phải) là vị lãnh đạo tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ trong đổi mới và hội nhập kinh tế của nước ta. Ảnh: TTXVN |
Khởi đầu chiến lược hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam
Bên cạnh những đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế, Thủ tướng Phan Văn Khải còn có công lớn trong việc thúc đẩy hội nhập quốc tế. Là một nhà kinh tế với kiến thức chuyên môn sâu, một lãnh đạo được đào tạo bài bản, ông rất tự tin khi tham gia các hoạt động đối ngoại.
Ông cùng tập thể các nhà lãnh đạo Việt Nam xây dựng chiến lược hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam sau giai đoạn Việt Nam bình thường hóa quan hệ với các nước lớn, gia nhập ASEAN.
Một trong những dấu ấn lớn trong 2 nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ với chuyến công du lịch sử đến Mỹ (từ 20 đến 25-6-2005). Là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ kể từ năm 1975, Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó đã hội kiến với Tổng thống George W. Bush, gặp gỡ đại diện chính giới và doanh nghiệp Mỹ, chuyển đến các bạn Hoa Kỳ thông điệp thúc đẩy hợp tác thương mại Việt - Mỹ.
Chuyến thăm đánh dấu 10 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, đồng thời mở ra hơn một thập kỷ tiếp theo hai quốc gia ngày càng lại gần nhau hơn trên mọi lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân, đặc biệt là việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện ngày 25-7-2013.
Dưới thời của Thủ tướng Phan Văn Khải, Việt Nam và Hoa Kỳ đã hoàn tất đàm phán và ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA). Cũng dưới sự lãnh đạo của ông, các bộ, ngành của Việt Nam đã hoàn tất đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO cuối năm 2006, chính thức hóa quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở phạm vi toàn cầu và tạo vị thế mới cho nền kinh tế Việt Nam phát triển trong những năm sau đó.
Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
2 năm, bãi bỏ hơn 160 “giấy phép con” Thủ tướng Phan Văn Khải quyết định thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp. Công việc khó khăn, mất nhiều công sức nhất là rà soát các “giấy phép con” đã ban hành trước đây để kiến nghị bãi bỏ những giấy phép không phù hợp với Luật Doanh nghiệp. Qua hai năm đầu thi hành Luật Doanh nghiệp (2000 và 2001), Chính phủ và Thủ tướng đã bãi bỏ 145 giấy phép; các bộ bãi bỏ thêm 15 loại giấy phép khác, ngoài ra một số giấy phép được chuyển thành điều kiện kinh doanh. |
DIỆU MINH tổng hợp