Trẻ nghiện trò chơi điện tử: Phụ huynh phải cứu con mình trước

.

Sáng mồng 8 tháng Giêng, ở quán cà-phê trên đường Nguyễn Chí Thanh, nhiều người hốt hoảng khi một em bé chừng 10 tuổi đang cầm điện thoại của mẹ chơi bỗng dưng ngã xuống đất. Sau khi được uống ly sữa nóng, cháu đã tỉnh táo lại. Đến lúc này mẹ của bé mới “sực nhớ” tối qua đến giờ bé chưa ăn gì.

Cũng theo bà mẹ này, bữa cơm tối qua mẹ gọi mãi nhưng bé không chịu ăn mà cứ chơi game trên máy tính, đến sáng nay cũng không ăn mà còn mặc cả với mẹ là cho chơi game mới ăn, nhưng do mẹ bận nói chuyện nên... quên luôn. Ngay lập tức, câu chuyên “đau đầu” về con nghiện game “nóng” cả quán cà-phê, khi gần như ai có con nhỏ cũng vướng vào vấn đề này nhưng lại không biết làm gì để chế ngự.

Góp chuyện, bác  sĩ  N.T.B đang công tác ở một bệnh viện lớn tại thành phố  tâm sự: Do tôi bận rộn ở phòng mạch, nên sau giờ học, cháu (con của vị này) cũng về đây và mượn điện thoại chơi trong lúc chờ tôi xong việc để chở về nhà.

Cứ vậy đến năm lớp 8 cháu nghiện game nặng, đến khi giáo viên chủ nhiệm mời lên thông báo thì gia đình mới biết cháu học sa sút hẳn, nhiều lần trốn học chơi game ở gần trường. Lúc này gia đình mới lao vào việc cấm cản con chơi game nhưng hoàn toàn bất lực nên đành gửi con vào tận Thành phố Hồ Chí Minh học nội trú tại Trường phổ thông nội trú IVS suốt 2 năm nay. Nhờ vậy, cháu đã cai được game, học tập tốt, tinh thần tốt, tuy nhiên học phí lại rất cao.

Đây có thể là những trường hợp may mắn khi cha mẹ giúp con cai nghiện game khi chưa quá muộn. Không ít gia đình đã để tình hình đi quá xa. Điển hình như vào cuối năm 2017, Công an phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) bắt 3 thanh, thiếu niên ăn cắp máy tính, điện thoại của một gia đình trên đường Châu Thị Vĩnh Tế.

Khai báo với công an, cả 3 đều cho biết đã nghiện game từ vài năm nay nhưng không có tiền chơi nên rủ nhau đi ăn cắp. Trước đó, Công an thành phố cũng đã bắt hai đối tượng 9x về hành vi lừa đảo chiếm dụng nhiều người thông qua việc thông báo trúng thưởng, sau đó yêu cầu người trúng thưởng gửi “phí” trước khi nhận thưởng. Tại cơ quan công an, cả hai đều khai nhận do nghiện game nên đã nghĩ ra cách lừa đảo này để kiếm tiền.

Theo thạc sĩ Mai Đức Vũ, phụ trách đường dây nóng của Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố, thời gian gần đây, ngoài việc tiếp nhận thông tin về trẻ em như bạo lực gia đình, xâm hại tình dục..., Trung tâm cũng nhận được nhiều chia sẻ của phụ huynh về tình trạng con nghiện game. Mặc dù số lượng chưa nhiều nhưng tại Đà Nẵng cũng đã xuất hiện những “ca” nặng như trẻ nghiện đến nỗi khi không được đáp ứng đã lên cơn co giật, sùi bọt mép...

Tất cả những trường hợp này Trung tâm đều làm bài kiểm tra đánh giá mức độ nghiện, nếu quá nặng sẽ chuyển lên Bệnh viện Tâm thần của thành phố để điều trị cắt cơn. Cũng theo thạc sĩ Mai Đức Vũ, qua tâm sự của các bậc phụ huynh, hầu hết cho thấy họ đều lúng túng và bất lực trong việc cai nghiện game cho con.

Nguyên nhân sâu sa chính là cha mẹ đã buông lỏng sự quản lý, để con thoải mái sử dụng các thiết bị có kết nối Internet, từ đó chuyển sang nghiện game lúc nào không hay và đến khi phát hiện lại lúng túng không biết phải làm gì.

Bên cạnh đó, đáng lo ngại là rất nhiều phụ huynh chọn cách giấu kín chuyện này thay vì tìm đến các chuyên gia tâm lý, hoặc thầy cô giáo để cùng giải quyết vấn đề. Cô T.V, giáo viên một trường THCS ở quận Hải Châu cho rằng, lỗi chính vẫn ở các bậc phụ huynh khi họ nghiện chơi mạng xã hội nên rất khó khuyên con không sử dụng Internet. Thậm chí, đã có trường hợp khi nhà trường mời phụ huynh lên thông báo việc con học tập sa sút do nghiện game, thay vì hợp tác với nhà trường, chính phụ huynh lại khẳng định “thời đại này trẻ em dùng điện thoại, ipad là đương nhiên” (!).

Tại Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, chưa có con số thống kê chính thức tình trạng trẻ nghiện game cũng như những hệ lụy mang lại với từng gia đình và xã hội. Chính vì vậy, đến nay vẫn chưa có chương trình mang tính quốc gia về phòng, chống vấn nạn này.

Do đó, trước hết các bậc phụ huynh phải tự cứu mình và con mình bằng cách tăng cường việc chăm sóc, quan tâm đến con nhiều hơn, dành nhiều thời gian hơn cho con, hướng con đến các hoạt động mang tính cộng đồng và hoạt động thể chất.

THANH VÂN

;
.
.
.
.
.
.