Cách đây 30 năm, ngày 14-3-1988, Trung Quốc xâm chiếm bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là một sự kiện đánh dấu quá trình chuẩn bị dư luận và chọn cơ hội kỹ lưỡng của Trung Quốc nhằm từng bước thực hiện âm mưu xâm chiếm quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Tàu HQ 604 bị Trung Quốc bắn chìm ngày 14-3-1988, mang theo hàng chục chiến sĩ trên tàu và những người lính công binh. Ảnh tư liệu |
Bài 1: Trung Quốc chọn cơ hội cưỡng chiếm Hoàng Sa và Trường Sa
Những tư liệu lịch sử của Việt Nam, phương Tây và cả phía Trung Quốc khẳng định rằng, trước thế kỷ XX, Việt Nam khai thác, quản lý và thực hiện chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình mà không có nước nào tranh chấp. Mặc dù trong vụ tàu Bellona vào các năm 1895-1896, chính quyền ở Hải Nam từ chối và không thừa nhận Paracels thuộc Trung Quốc, không thuộc bất kỳ quận nào của Hải Nam và bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” là bản đồ địa dư toàn bộ các tỉnh trực thuộc của Hoàng triều Thanh xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, nhưng đầu năm 1907, khi Nhật Bản đánh chiếm Đông Sa làm cho nhà cầm quyền miền Nam Trung Quốc quan tâm đến các đảo trên biển Đông, thì tháng 5-1909, Tổng đốc Lưỡng Quảng lúc bấy giờ là Trương Nhân Tuấn phái đô đốc Lý Chuẩn đem ba pháo thuyền ra thăm chớp nhoáng một vài đảo trên quần đảo Hoàng Sa rồi về và tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này. Đây là mốc đánh dấu quá trình Trung Quốc chuẩn bị dư luận, ngụy tạo chứng cớ và chọn cơ hội “ra tay” xâm chiến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Năm 1946, dựa trên Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Potsdam, 4 tàu chiến của Trung Hoa Dân quốc đổ bộ lên quần đảo Hoàng Sa với lý do giải giáp quân Nhật. Ngày 7-1-1947, Chính phủ Trung Hoa Dân quốc tuyên bố họ đã chiếm giữ được quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa) của Việt Nam, nhưng thực chất mới chỉ chiếm được đảo Phú Lâm (Woody Island) mà Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng. Hành động đó của phía Trung Quốc đã bị chính quyền Pháp ở Việt Nam kịch liệt phản đối bằng cả hành động ngoại giao lẫn quân sự. Vì vậy, tháng 4-1950, quân đội Tưởng Giới Thạch đã rút khỏi đảo Phú Lâm.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, Pháp buộc rút hết khỏi Việt Nam. Trong bối cảnh Việt - Pháp đang có sự bàn giao, lợi dụng lúc quân đội Việt Nam Cộng hòa chưa kịp ra thay thế quân Pháp, khoảng trống bố phòng ở Biển Đông trở thành cơ hội tốt để Trung Quốc cho quân chiếm đóng nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1956.
Năm 1958, khi hải quân Mỹ áp sát vùng biển Bành Hồ, eo biển Đài Loan, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố nới rộng lãnh hải ra 12 hải lý kể từ đất liền. Thủ tướng Trung Hoa lúc đó là Chu Ân Lai trong công thư gửi Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng thông báo quyết định Trung Quốc về lãnh hải và đính kèm bản đồ vẽ đường ranh giới lãnh hải trong đó bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa) lúc đó do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý. Lợi dụng vấn đề này, ngày nay Trung Quốc luôn viện dẫn Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 14-9-1958 khi trả lời ủng hộ Tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc về lãnh hải, cho rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam lúc đó do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý)!
Từ ngày 17 đến 19-1-1974, khi được Mỹ “bật đèn xanh”, thừa lúc Việt Nam còn phải dồn sức vào kháng chiến, Trung Quốc ngang nhiên đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, sau khi quân đội của họ tấn công quân đồn trú Việt Nam Cộng hòa trong một cuộc hải chiến đẫm máu giữa lực lượng hải quân Trung Quốc với lực lượng hải quân Việt Nam Cộng hòa. Hơn 50 binh sĩ của hải quân Việt Nam Cộng hòa đã bị thiệt mạng.
Sự kiện này có liên quan mật thiết đến chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ Nixon năm 1972. PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng: “Nếu không có cái bắt tay giữa Mao Trạch Đông và Nixon thì Trung Quốc không dám có hành động đánh chiếm Hoàng Sa khi đó do chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát. Mỹ đứng đằng sau quân đội Việt Nam Cộng hòa, tại sao không sử dụng lực lượng để ứng cứu? Bởi mối quan hệ lợi ích Mỹ - Trung thời điểm đó lớn hơn nhiều so với con bài Việt Nam Cộng hòa đã được định đoạt số phận rõ ràng sau Hiệp định Paris”.
Nhìn lại quá trình lịch sử 65 năm kể từ năm 1909 đến năm 1974, đó không chỉ là quá trình Trung Quốc chuẩn bị dư luận và chứng cứ, mà còn là quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và “lợi dụng khoảng trống” để “ra tay” thực hiện âm mưu cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
PGS, TS TRƯƠNG MINH DỤC
(Học viện Chính trị khu vực 3)