Vấn đề bạn đọc quan tâm

Tắc nghẽn giao thông ở nội thị: Cần giải pháp căn cơ

.

Đà Nẵng đang đối mặt với tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn giao thông khu vực nội thị vào giờ cao điểm. Khi quy mô dân số cùng các phương tiện lưu thông ngày càng gia tăng, cần có những giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán này.

Tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ xuất hiện trong khu vực nội thị ngày càng nhiều (ảnh chụp trên đường Hùng Vương, đoạn từ đường Trần Phú đến Nhà hát Trưng Vương ngày 23-2-2018).
Tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ xuất hiện trong khu vực nội thị ngày càng nhiều (ảnh chụp trên đường Hùng Vương, đoạn từ đường Trần Phú đến Nhà hát Trưng Vương ngày 23-2-2018).

Hằng ngày, vào giờ cao điểm, tại các nút giao thông phía tây cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, ngã ba Yên Bái- Lê Duẩn, ngã tư Yên Bái - Hùng Vương, Hải Phòng - Ông Ích Khiêm, Nguyễn Văn Linh - Phan Châu Trinh, Duy Tân - Núi Thành, các tuyến đường Trần Phú (khu vực trước khách sạn Bamboo Green và Nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng), Hùng Vương, Trưng Nữ Vương, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn... xảy ra ùn ứ cục bộ.

Ngoài nguyên nhân số lượng ô-tô, xe máy gia tăng, một trong những nguyên nhân khác là xe chở khách du lịch trên 30 chỗ lưu thông, hoặc dừng đỗ để đưa đón khách trên các tuyến đường trung tâm thành phố; các ô-tô quay đầu xe giữa dòng người đông đúc.

Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố, hiện nay, các giải pháp về đầu tư hạ tầng kỹ thuật (tĩnh) cũng như phân luồng, phân tuyến (động) được ngành giao thông quan tâm và giúp tình trạng lưu thông đường phố vẫn bảo đảm tốt.

Tuy nhiên, về lâu dài, sẽ xảy ra kẹt xe nghiêm trọng nếu phương tiện giao thông tăng mạnh, dân số phát triển nhanh dồn về đô thị, lượng khách du lịch gia tăng. “Tình trạng ùn ứ dù chưa xuất hiện nhiều nhưng rất dễ nhận thấy tình trạng “đường phố hẹp dần”. Câu chuyện quy hoạch chung của thành phố cần phải được nhắc tới trước hết. Ngành giao thông phải đưa ra nhiều giải pháp để “khắc phục” hạn chế trong quy hoạch chung”, ông Cường nói.

Đại tá Trần Phước Hương, Trưởng Công an quận Hải Châu cho biết, tình trạng ùn ứ xuất hiện ở nhiều tuyến đường nội thị vào giờ cao điểm. “Khu vực trung tâm (quận Hải Châu) hiện có quá nhiều trụ sở cơ quan, trường học đóng chân. Giờ tan sở, tan trường, hàng nghìn người cùng đổ ra đường thì ùn ứ là điều khó tránh khỏi. Giờ cao điểm, 100% lực lượng cảnh sát giao thông ở quận được huy động chốt tại các nút để phân luồng, điều tiết giao thông, giữ giao thông ổn định”, ông Hương nói.

Theo Trung tá Phan Văn Thương, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố, để giải quyết vấn đề ùn ứ nói trên, nhất thiết phải xây dựng nhiều bãi đậu đỗ xe. Bên cạnh đó, tăng cường giải pháp thu phí đậu xe tại một số điểm, duy trì đậu đỗ xe theo ngày chẵn/lẻ để giảm lưu lượng xe đậu nhiều trên đường phố. Phía Công an thành phố tăng cường cán bộ, chiến sĩ điều tiết tại các điểm “nóng” ùn ứ giao thông nội thị, tăng cường xử phạt nguội (kể cả xử phạt qua camera).

Theo ngành Giao thông vận tải (GTVT), để chống ùn tắc giao thông một cách tổng thể, UBND thành phố đã có các đề án, “Tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn, kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương thức vận tải vào trung tâm thành phố”, được HĐND thành phố thông qua, gồm 7 nhóm giải pháp giai đoạn đến năm 2020, đến năm 2025 và sau năm 2025.

Trong đó có các giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy hoạch; đầu tư xây dựng phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông; hoàn thiện và mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng cũng như kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông theo lộ trình.

Thuế phí sử dụng phương tiện cá nhân (thuế, phí), hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân hoạt động tại một số trục đường, một số khu vực, quản lý chất lượng xe máy, lộ trình kiểm soát việc phát triển phương tiện cơ giới cá nhân như chính sách sở hữu phương tiện ô-tô, xe máy, kiểm soát việc phát triển phương tiện ô-tô cá nhân và xe máy. Điều tiết các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố cũng như các giải pháp về quản lý tổ chức, phân luồng giao thông.

Đồng thời, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai theo lộ trình các giải pháp tổng thể chống ùn tắc giao thông thành phố đến năm 2020, trong đó ưu tiên tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm, như rà soát, điều chỉnh quy hoạch GTVT; xây dựng, cải tạo một số nút giao thông trọng điểm như nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý, phía tây cầu Rồng, phía tây cầu Tiên Sơn...

Triển khai dự án Đầu tư xây dựng hệ thống giám sát giao thông thông minh theo hình thức BT để kết nối toàn bộ hệ thống đèn tín hiệu điều khiển tại trung tâm, lắp đặt camera xử lý vi phạm tại các nút giao, trục đường chính.

Triển khai đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe nổi, lắp ghép, các bãi đỗ xe ngầm theo quy hoạch được duyệt và nhu cầu phát trển; tiếp tục triển khai các giải pháp tổ chức giao thông: đường một chiều, cấm đỗ xe theo ngày chẵn - lẻ, cấm đỗ xe theo giờ; cải tạo các nút giao thông, xây dựng vịnh đỗ xe; phân luồng, tổ chức giao thông; thu phí đỗ xe... Triển khai các tuyến xe buýt trợ giá giai đoạn đến năm 2020, trong đó năm 2018 đưa 6 tuyến xe buýt trợ giá khác vào hoạt động. Đến năm 2020, tổng số tuyến xe buýt là 21 tuyến, trong đó có 15 tuyến trợ giá.

Mặt khác, Sở GTVT đang tổ chức triển khai khảo sát, xây dựng mô hình tính toán, đánh giá, phân tích mạng lưới giao thông toàn thành phố, làm cơ sở tổ chức, phân luồng giao thông cũng như điều chỉnh quy hoạch GTVT và đầu tư các trục giao thông theo lộ trình.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.
.