Viết tiếp bài "Nên mở rộng Công viên APEC"

Đưa Công viên APEC thành quần thể văn hóa-du lịch

.

Sau khi đăng bài viết “Nên mở rộng Công viên APEC” (số báo ra ngày 15-3-2018), Báo Đà Nẵng nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu bày tỏ sự ủng hộ mở rộng Công viên APEC về phía nam, hình thành không gian công cộng với những mảng xanh bên bờ sông Hàn, đưa Công viên APEC thành quần thể văn hóa-du lịch. Song, vấn đề đặt ra là cần tính toán kỹ và có những biện pháp phù hợp trong việc lấy lại không gian để mở công viên.

Nhiều người dân mong muốn Công viên APEC hiện nay được mở rộng để có chỗ cho các hoạt động văn hóa cộng đồng.  Ảnh: KHANG NINH
Nhiều người dân mong muốn Công viên APEC hiện nay được mở rộng để có chỗ cho các hoạt động văn hóa cộng đồng. Ảnh: KHANG NINH

Sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để mở rộng Công viên APEC về phía nam, việc thu hồi đất đã giao cho doanh nghiệp (chưa hoặc đã xây dựng công trình) được thực hiện theo Điều 62 Luật Đất đai hiện hành. Do đó, đối với việc thu hồi đất đã giao cho doanh nghiệp, thực hiện bồi thường hoặc hoán đổi đất. Điều kiện thu hồi là phải có quy hoạch do Sở Xây dựng đề xuất, được phê duyệt và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, có tên trong danh mục dự án thu hồi đất hằng năm...

Một số chuyên gia tâm huyết với công tác quy hoạch của Đà Nẵng hoan nghênh ý kiến mở rộng Công viên APEC hiện tại, nhưng cho rằng cần cân nhắc việc mở rộng có thật sự cần thiết và tính khả thi hay không.

Theo nhận định của một số chuyên gia, nếu mở rộng Công viên APEC nhằm thu hút du lịch, cần có đánh giá cụ thể về lượng khách dự kiến tăng. Trong trường hợp cần mở rộng, có thể tìm cách tận dụng thêm khu vực gần Bảo tàng Điêu khắc Chăm, bờ tây cầu Rồng…, tạo thành một quần thể công viên mở.

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng nhìn nhận, Công viên APEC là bằng chứng trực quan, giúp người dân thành phố và du khách thập phương luôn nhớ rằng, năm 2017, Đà Nẵng đã đăng cai thành công Tuần lễ Cấp cao APEC.

Đây là cách gợi nhớ bằng văn hóa, và rất văn hóa. Theo ông Tiếng, điều bất cập duy nhất khi chọn địa điểm hiện tại để xây dựng vườn tượng APEC 2017 là diện tích quá hẹp, không đủ không gian cần thiết để đặt cùng lúc 21 tượng nghệ thuật.

Ông nhấn mạnh: “Vườn tượng là không gian trưng bày triển lãm chứ không phải cái kho, đòi hỏi phải có độ thông thoáng nhất định. Vì lẽ đó mà lãnh đạo thành phố phải cất công đàm phán với nhà đầu tư liên quan để có điều kiện mở rộng vườn tượng về phía nam. Thậm chí, nếu không có vườn tượng, việc mở rộng công viên với tư cách không gian công cộng bên bờ sông Hàn cũng là nhu cầu chính đáng, càng mở rộng bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu”.

Bên cạnh đó, ông Tiếng cho biết, xung quanh công viên APEC hiện nay là cầu Rồng và Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thành phố nên có cách biến không gian này thành một quần thể văn hóa-du lịch.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng, Công viên APEC là dấu ấn của một sự kiện lớn, là một sản phẩm đặc trưng riêng của Đà Nẵng để “cạnh tranh” với các địa phương khác. Đã là sản phẩm đặc trưng thì phải có quy mô, có tầm để khách đến vừa du ngoạn, vừa nghiên cứu, khám phá.

Việc mở rộng không gian của Công viên APEC, kết hợp với những điểm sẵn có như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, cầu Rồng… sẽ thành một sản phẩm rất tốt, bổ trợ cho ngành du lịch. Nếu có thể thì nên mở rộng để tạo thêm một cụm sản phẩm với không gian mở, hình thành chuỗi sản phẩm mới rất tốt cho ngành du lịch của thành phố.

Cần tính toán kỹ

Theo ông Lê Tự Cường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thái Phiên, vấn đề đặt ra bây giờ là đối với việc đền bù, hoán đổi đất…, cần tính toán, trao đổi với các chủ đất sao cho phù hợp.

“Được biết, Viện Quy hoạch xây dựng, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiều cán bộ đã đi tham quan, học tập ở nhiều nơi trên thế giới và có nhiều ý tưởng rất hay về bố trí không gian cũng như mục đích đầu tư mở rộng Công viên APEC.

Vì thế, thành phố cần giao cho các đơn vị nói trên tham mưu, thống nhất đề xuất ý tưởng về xây dựng công viên ở khu vực phía nam Công viên APEC. Tôi tin sẽ có những phương án hay, hiện đại, nên cần giao cho lãnh đạo các đơn vị nói trên quyền tham mưu để đề xuất phương án, ý tưởng xây dựng công viên”, ông Lê Tự Cường gợi ý.

KTS Hồ Duy Diệm, nguyên Trưởng ban Quy hoạch thành phố phân tích, đất xây dựng công viên của thành phố hiện nay rất ít, chỉ khoảng 0,6m2/người, trong khi tiêu chuẩn của một thành phố nhiệt đới lên tới 20-25m2/người.

Nguyên tắc thiết kế đô thị là mỗi người dân được 100m2 đất, bao gồm 10-15m2 nhà ở; 15-20m2 là giao thông công cộng (giao thông động và tĩnh); 20-25m2 là cây xanh và hồ nước; 15-20m2 là các công trình công cộng, diện tích còn lại dành cho các tiện ích khác.

Như vậy, mở thêm công viên có trồng cây xanh trong thành phố là rất cần thiết và việc quy hoạch đô thị hiện đại phải đạt tiêu chuẩn đó. “Một công viên ven sông sẽ được hưởng thêm diện tích của tự nhiên (không khí trong lành từ sông thổi vào, không gian mặt sông thoáng đãng…), có giá trị gấp đôi ở những vị trí khác.

Nếu lấy những khoảnh đất ven bờ sông Hàn hiện nay để xây dựng nhà ở thì mất cả không gian sông vừa là cảnh quan, vừa là không khí lưu thông gió… Nếu xây dựng đô thị thì sẽ vừa mất luôn đất, vừa mất luôn cả không gian sông, công viên ven sông đưa không khí trong sạch từ sông vào.

Do đó, việc mở rộng công viên, đường phố ven bờ sông Hàn rất cần thiết. Thành phố có các biện pháp phù hợp như đền bù cho người dân để lấy lại không gian, hoặc hoán đổi lại đất ở vị trí khác cho doanh nghiệp để lấy lại đất ven bờ sông Hàn mà mở công viên. Sau khi xây dựng công viên, phải tạo cảnh quan đồng nhất ven sông, tạo ra không gian mở cho người dân”, KTS Hồ Duy Diệm nói.

Một số ý kiến khác cũng nêu vấn đề: Đà Nẵng đang trong quá trình hoàn thiện không gian đô thị nên diện tích cây xanh, công viên nói chung còn thấp. Vì vậy, khi có cơ hội hình thành các khu cây xanh, công viên thì nên quyết tâm làm.

KTS Bùi Huy Trí nói: “Từ lâu, nhiều KTS, nhà quy hoạch mong muốn sử dụng toàn bộ vệt đất từ sát Công viên APEC đến cầu Trần Thị Lý để hình thành công viên ven sông. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ngoài khu đất chúng ta đang nói tới, vệt đất tiếp theo kéo dài đến chân cầu Trần Thị Lý là hai dự án khai thác quỹ đất đã có chủ đầu tư.

Các dự án này đã và đang được triển khai cũng như thực hiện các giao dịch mua bán đất. Đã có những đề xuất thu hồi hai dự án này để làm công viên. Tôi nghĩ, thực hiện điều đó rất khó, cần có quyết tâm rất lớn từ phía chính quyền và sự chia sẻ của các nhà đầu tư.

Trước hết, phải vận động các nhà đầu tư ủng hộ chủ trương của thành phố. Khi họ ủng hộ thì phải thỏa thuận các điều kiện đền bù, hoán đổi đất. Để có được khu đất, các nhà đầu tư ngoài chi phí nộp tiền đất có thể còn những chi phí khác như: lãi vay ngân hàng, chi phí chuẩn bị đầu tư, lập kế hoạch đầu tư… Chính quyền phải rất quyết tâm, đồng thời cũng rất hy vọng các nhà đầu tư có chung quan điểm vì lợi ích cộng đồng, vì tương lai lâu dài của thành phố Đà Nẵng”.

Mới đây, trên báo chí, Công ty CP Đầu tư Nam Trí bày tỏ ý kiến hoán đổi mảnh đất tại khu vực bờ tây cầu Rồng (phía đường Bạch Đằng và đường 2 Tháng 9) lấy một mảnh đất khác để thành phố mở rộng Công viên APEC. Trong tương lai gần, Công viên APEC sẽ rộng rãi, khang trang hơn và người dân sẽ được hưởng những tiện ích công cộng từ công viên mang lại.

T.HÀ - K.NINH - H.HIỆP

;
.
.
.
.
.
.