Xây dựng "Thành phố đáng sống" - Vừa là mục tiêu vừa là động lực của Đà Nẵng

.

Mới đây, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức cuộc họp với các ngành, đơn vị liên quan để thảo luận nội dung dự thảo Bộ tiêu chí xây dựng “Thành phố đáng sống” nhằm góp phần phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng văn minh, hiện đại, nhân văn và có bản sắc riêng.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng cho biết, Bộ tiêu chí xây dựng “Thành phố đáng sống” hướng đến mục tiêu cuối cùng là sự phát triển bền vững, làm hài lòng người dân và theo kịp các tiêu chuẩn quốc tế.

Bộ tiêu chí xây dựng “Thành phố đáng sống” hướng đến đối tượng là người dân thành phố, du khách và nhà đầu tư, bảo đảm sự phát triển bền vững, làm hài lòng người dân và theo kịp các tiêu chuẩn quốc tế. 																                    Ảnh: N.T
Bộ tiêu chí xây dựng “Thành phố đáng sống” hướng đến đối tượng là người dân thành phố, du khách và nhà đầu tư, bảo đảm sự phát triển bền vững, làm hài lòng người dân và theo kịp các tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: N.T

* Thưa ông, Bộ tiêu chí xây dựng “Thành phố đáng sống” của Đà Nẵng hướng đến đối tượng nào và mục tiêu gì?

- Trước hết, phải khẳng định rằng, thuật ngữ “Thành phố đáng sống” trên thế giới hiện nay được dùng với hàm nghĩa cơ bản là thành phố quản trị tốt để có sự phát triển hài hòa cả về kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội một cách bền vững nhằm đạt được mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Vì vậy, phấn đấu trở thành “Thành phố đáng sống” vừa là mục tiêu vừa là động lực của thành phố Đà Nẵng.

Để cụ thể hóa các mục tiêu này, thành phố cần có một bộ tiêu chí  xây dựng “Thành phố đáng sống” làm cơ sở đánh giá, đo lường việc thực hiện các mục tiêu trên các lĩnh vực.

Với yêu cầu đó, Bộ tiêu chí xây dựng “Thành phố đáng sống” mà Đà Nẵng xây dựng sẽ phải hướng đến đối tượng là người dân thành phố, du khách, doanh nghiệp và nhà đầu tư với mục tiêu cuối cùng là bảo đảm sự phát triển bền vững, làm hài lòng người dân và theo kịp các tiêu chuẩn quốc tế.

* Thế giới và các quốc gia khác hiện cũng có nhiều chỉ số đánh giá, bảng xếp hạng với các tiêu chí khác nhau. Vậy Bộ tiêu chí xây dựng “Thành phố đáng sống” của Đà Nẵng có tham khảo từ các chỉ số đánh giá, bảng xếp hạng của quốc tế không, thưa ông? Nếu có, làm thế nào để bộ tiêu chí vừa tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, vừa phù hợp với đặc thù riêng của địa phương?

- Mục tiêu xây dựng “Thành phố đáng sống” của Đà Nẵng cũng chính là từng bước chuẩn hóa các điều kiện để thành phố bước vào sân chơi hội nhập sâu rộng và cạnh tranh giữa các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới.

Do đó, Bộ tiêu chí xây dựng “Thành phố đáng sống” của Đà Nẵng chắc chắn sẽ được tham khảo các bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá của các tổ chức quốc tế để bảo đảm tính phổ biến, tính tổng quát nhưng cũng phải bảo đảm tính đại diện và tính khác biệt của Đà Nẵng.

Bộ tiêu chí cũng kế thừa những kết quả đạt được từ các chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”…, đặc biệt là những nét văn hóa tốt đẹp thấm sâu trong mỗi con người Đà Nẵng.

Người dân có việc làm với thu nhập ngày càng cao là 1 trong 28 thang đo của dự thảo Bộ tiêu chí xây dựng “Thành phố đáng sống” của Đà Nẵng. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH TCIE Việt Nam (Khu Công nghiệp Hòa Khánh mở rộng) đang  làm việc. 									   	    Ảnh: TRÂM ANH
Người dân có việc làm với thu nhập ngày càng cao là 1 trong 28 thang đo của dự thảo Bộ tiêu chí xây dựng “Thành phố đáng sống” của Đà Nẵng. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH TCIE Việt Nam (Khu Công nghiệp Hòa Khánh mở rộng) đang làm việc. Ảnh: TRÂM ANH

* Bộ tiêu chí xây dựng “Thành phố đáng sống” của Đà Nẵng được xây dựng như thế nào để bảo đảm yếu tố định lượng?

- Đây là vấn đề khó nhất trong việc soạn thảo Bộ tiêu chí “Thành phố đáng sống” vì nếu không định lượng được sẽ không thể đánh giá, đo lường kết quả thực hiện các mục tiêu đã đề ra và vươn tới. Chính vì vậy, Bộ tiêu chí này trước hết phải xây dựng cho được các nhóm tiêu chí, trong các nhóm tiêu chí có từng tiêu chí cụ thể và sau đó trong mỗi tiêu chí cụ thể phải có các chỉ tiêu phù hợp để phấn đấu thực hiện trong từng giai đoạn.

* Từng giai đoạn phát triển của thành phố sẽ phát sinh các vấn đề khác nhau, làm sao để Bộ tiêu chí xây dựng “Thành phố đáng sống” phù hợp với các giai đoạn khác nhau, thưa ông?

- Ngay cả các bộ tiêu chí của các tổ chức uy tín ở Bắc Mỹ và châu Âu, họ cũng phải điều chỉnh thường xuyên sau mỗi lần khảo sát chất lượng cuộc sống của các thành phố lớn trên thế giới để theo kịp với sự phát triển của khu vực và quốc tế. Do vậy, Bộ tiêu chí xây dựng “Thành phố đáng sống” của Đà Nẵng cũng sẽ đặt ra yêu cầu xây dựng có tính mở, tính thực tiễn. Tức là sẽ bổ sung theo nhịp độ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, của đất nước, của khu vực và thế giới; theo sự phát triển về ý thức của người dân và trình độ nhận thức của chính chúng ta.

* Trước khi áp dụng vào thực tiễn, nội dung dự thảo Bộ tiêu chí xây dựng “Thành phố đáng sống” của Đà Nẵng sẽ còn tham vấn thêm ý kiến từ các chuyên gia, người dân như thế nào để hoàn thiện?

- Ban Tuyên giáo Thành ủy đang xây dựng Đề án Bộ tiêu chí xây dựng “Thành phố đáng sống” để trình xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy về việc triển khai nghiên cứu và biên soạn trong năm 2018. Sau khi được sự đồng ý của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện đề án này và mời một số chuyên gia tham gia nghiên cứu, biên soạn. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi sẽ tham vấn các chuyên gia đầu ngành trong nước, lấy ý kiến góp ý của người dân thành phố, nhà đầu tư và du khách để xây dựng một bộ tiêu chí phù hợp với tất cả mục tiêu, yêu cầu mà chúng ta đã đặt ra.

6 tiêu chí, 28 thang đo

Dự thảo Bộ tiêu chí xây dựng “Thành phố đáng sống” gồm 6 nhóm tiêu chí, cụ thể: nhóm tiêu chí phát triển bản thân con người, nhóm tiêu chí quản lý, nhóm tiêu chí cơ sở hạ tầng, nhóm tiêu chí môi trường kinh tế, nhóm tiêu chí môi trường sống, nhóm tiêu chí đời sống văn hóa-xã hội.

Từ 6 nhóm tiêu chí này, dự thảo chia thành 28 thang đo cụ thể hơn, như: người dân có việc làm với thu nhập ngày càng cao; người dân có chỗ ở ổn định; giảm nghèo và bất bình đẳng xã hội; giao thông đi lại thuận tiện, giảm thiểu tai nạn giao thông; thông tin hai chiều giữa chính quyền và người dân; sự hài lòng của du khách đối với các dịch vụ du lịch…

TRÂM ANH thực hiện

;
.
.
.
.
.
.
.