Dân Hòa Liên khổ vì dự án chậm triển khai

.

Với 39 dự án hạ tầng đô thị triển khai trên diện tích 20.000m², cả 13 thôn của xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang đều bị ảnh hưởng bởi các dự án. Công tác đền bù giải tỏa, việc thi công các dự án dở dang, chậm tiến độ kéo dài đang gây nhiều bức xúc cho người dân.

Đường ĐT 601 đoạn qua thôn Quan Nam 3 bị ngập sâu trong đợt lụt cuối năm 2017.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Đường ĐT 601 đoạn qua thôn Quan Nam 3 bị ngập sâu trong đợt lụt cuối năm 2017. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Từ “lòng chảo” Quan Nam 2

Đứng trên khu tái định cư Hòa Liên 4 nhìn về thôn Quan Nam 2, không khó nhận ra khu vực khoảng 80 hộ dân đã nằm lọt thỏm trong lòng chảo giữa bốn bề là các bức tường đất.

Cùng với đó, việc bờ kè kênh thoát lũ Hòa Liên đoạn giáp cầu số 1 (nối Quan Nam 3 và Quan Nam 4) đang được nâng cao lên, hình thành bức tường thành đất khép kín xóm 80 hộ này. Suốt 6 năm nay, hàng trăm người dân ở tổ 4, thôn Quan Nam 2 luôn phải sống chung với ngập lụt mỗi mùa mưa về.

Bà Dương Thị Kéo, người dân ở đây mô tả sự chịu đựng cùng cực của người dân do dự án treo: “Quanh làng này là các bức tường đất do dự án nâng cốt nền cao lên. Ngày trước, không thế này, nước có vào thì cũng rút ra trong ngày, lâu thì 2 ngày.

Nay thì chỉ cần mưa lớn 30 phút là cả làng bị ngâm suốt cả tuần nước mới ngót. Ở miết cũng quen, không sợ lụt chỉ sợ sập nhà vì nhà cửa đã xuống cấp, Ban quản lý dự án kiểm định rồi nên dân đâu dám bỏ tiền ra sửa. Di dời lên chỗ cao, sống nhờ nhà người khác cũng chỉ vài ba bữa. Đằng này nước ngâm cả mấy tuần, phải về lại nhà sống cùng với lũ chứ biết làm sao”.

Bà Kéo kể người chết rồi cũng khổ. Đó là đám tang cụ bà Lê Thị Đ. vào năm 2017 gặp đúng lúc trời mưa to, lũ về cả khu vực đều ngập sâu. Quan tài cụ bà phải dùng nhiều bàn ghế kê lên cao, đến ngày an táng không cách nào khiêng ra được vì nước quá sâu.

Chính quyền xã phải đưa người và thuyền vào mới di quan được. “Nhiều người già rồi muốn có chỗ tái định cư để tránh cảnh lụt lội, sống vài năm nữa nhưng không biết khi nào mới đi được”, bà Kéo thở dài.

Gia đình bà Kéo là một trong 80 hộ dân khác trong thôn nằm trong dự án Khu dân cư Hòa Liên 4 giai đoạn 3, 4. Sau kiểm định, đến nay dự án “án binh bất động” mà người dân không hiểu nguyên nhân gì.

Ông Trương Tấn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên xác nhận 80 hộ dân thôn Quan Nam 2 nằm trong lõi dự án Khu tái định cư Hòa Liên 4 giai đoạn 3 và 4 bị “treo” nhiều năm nay. Khu vực này hiện thấp hơn xung quanh khoảng 1-1,5m.

Mưa là ngập kéo dài khiến cuộc sống và sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tại khu tái định cư này, đoạn sát mép kênh thoát lũ Hòa Liên (dưới chân cầu số 1) hiện có 13 hộ dân đang bức xúc vì dự án triển khai đã “xóa sổ” đường dân sinh.

Dân đã kiến nghị di dời sớm. Hiện nay công tác đền bù giải tỏa, bàn giao mặt bằng cơ bản hoàn thành, nhưng đất tái định cư lại chưa bảo đảm ha tầng kỹ thuật, nên người dân bị chậm nhận đất để làm nhà ở, ổn định cuộc sống.

Nhiều dự án chậm tiến độ đang gây khó khăn trong đời sống, sinh hoạt của người dân xã Hòa Liên. Ảnh: SƠN TRUNG
Nhiều dự án chậm tiến độ đang gây khó khăn trong đời sống, sinh hoạt của người dân xã Hòa Liên. Ảnh: SƠN TRUNG

Đến “xóm ngập” Quan Nam 6

Từ tổ 4 thôn Quan Nam 2 đi lên cầu Đình, từ đó nhìn về phía tổ 2 thôn Quan Nam 6, dễ nhận ra một bên là dự án khu đô thị Quan Nam - Thủy Tú được xây dựng bờ kè dọc theo kênh thoát lũ Hòa Liên rất vững chãi; bên kia kênh là xóm nhà dân khu vùng đệm kênh thoát lũ Hòa Liên với vài chục nóc nhà nằm sát mép kênh.

Sự chênh lệch rất lớn về độ cao khiến cho mùa mưa nước lũ tràn qua kênh và tràn vào tổ 2 thôn Quan Nam 6 như một lẽ tất yếu. Ông Ngô Xuân Nắng, thương binh, có nhà nằm sát kênh, cho biết cứ mưa là nước ngập. Sau khi bờ kè phía dự án khu đô thị mới được xây cao kiến cố, bên xóm nhà ông không chỉ ngập mà nước còn xoáy.

Nước tràn vào kéo theo tất cả đồ đạc trên đường đi của chúng. Mưa là cả xóm kéo nhau chạy lũ. Nhà ông sát mương nước, bị sập, hư hỏng liên tục. Chính quyền và các cơ quan chức năng thường xuyên phải hỗ trợ làm lại nhà mới 5 lần rồi.

Ông Trương Tấn Mạnh cho hay, trước thực trạng bị “ép” ngập như thế, người dân đang có kiến nghị cho di dời để bảo đảm an toàn nhà cửa, tính mạng vào mùa mưa lũ.

Với 39 dự án hạ tầng đô thị triển khai trên diện tích 20.000m², cả 13 thôn của xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang đều bị ảnh hưởng bởi các dự án. Đưa cho phóng viên 4 trang kiến nghị dày đặc của HĐND xã với HĐND huyện Hòa Vang, Chủ tịch UBND xã Trương Tấn Mạnh khẳng định sờ đến dự án nào kể cả dự án tại định cư dân đã về ở cũng có bức xúc.

Ông Mạnh chốt lại những vấn đề người dân bức xúc điển hình nhất. Đó là tiến độ thi công Kênh thoát lũ Hòa Liên quá chậm, lòng kênh không nạo vét, quy hoạch không khớp nối gây ngập lụt vào mùa mưa cho người dân.

Các dự án tái định cư kiểm định rồi “treo”, khu tái định cư thiếu đất bố trí cho dân khiến người không di dời được bị cô lập trong vùng ngập lũ. Các dự án triển khai không khớp nối gây nên tình trạng cứ mưa là ngập lụt cho người dân ở khu vực dự án treo, dự án chậm triển khai.

Nhiều khu tái định cư hạ tầng chưa hoàn thiện. Đường ĐT 601 đoạn đi qua xã đã xuống cấp trở thành con đường “nắng bụi, mưa bùn”. Nhiều diện tích đất nông nghiệp của xã không sản xuất được do ảnh hưởng của dự án.

Bức tranh nông thôn Hòa Liên đang thực sự “chuyển mình” từ màu xanh cây cỏ sang màu bê-tông hóa. Dẫu có những đổi thay theo hướng đô thị hóa, nhưng biết bao hệ lụy từ việc dự án chậm triển khai đang phủ trùm lên người dân Hòa Liên.

Những dấu hiệu tích cực từ các dự án là không phủ nhận, nhưng hậu quả dẫn đến phá vỡ cấu trúc làng quê ở Hòa Liên tạo nên các hệ lụy cũng không hề nhỏ, là cái giá quá đắt cho bài toán quy hoạch ở Hòa Liên.

SƠN TRUNG-TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.
.