Năm 2007, trong một lần làm rẫy giúp gia đình vợ ở Quảng Trị, anh Huỳnh Anh (ở thôn Yến Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đạp phải mìn khiến anh bị mất chân trái. Ở tuổi 35 khỏe mạnh, là trụ cột kinh tế nhưng sau tai nạn, anh trở thành “gánh nặng” cho gia đình.
Sự việc xảy ra quá bất ngờ nên thời gian đầu anh suy sụp vì không biết làm gì nuôi chính mình chứ chưa nói đến việc lo cho con cái ăn học. Sau thời gian nằm nhà, anh được người quen giới thiệu cách trồng nấm và qua vài lần… thất bại, anh cũng có thể kiếm sống được bằng nghề mới này.
Thế nhưng, khi vừa tạm ổn định cuộc sống thì trận bão năm 2016 đã phá tan trại nấm của anh. Đang lúc anh rơi vào bế tắc, qua giới thiệu của UBND xã, anh được Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội (gọi tắt là Trung tâm) thành phố đến khảo sát và hỗ trợ anh 7 triệu đồng khôi phục trại nấm.
Đến bây giờ, việc sản xuất nấm của gia đình anh có quy mô lớn hơn trước, với mức thu nhập khoảng gần 5 triệu đồng mỗi tháng…
Anh Nguyễn Giỡ được hỗ trợ kinh phí để mua tủ kem buôn bán. |
Cũng là nạn nhân của bom, mìn còn lại sau chiến tranh, chị Bùi Thị Tân (ở số 195/25 Thái Thị Bôi, quận Thanh Khê) hằng ngày mưu sinh bằng công việc may vá cho bà con trong xóm. Vì chỉ còn một chân nên việc sử dụng máy may cũ khiến công việc của chị khá vất vả và mất nhiều thời gian.
May mắn là khi chiếc máy may cũ không thể sử dụng được nữa cũng là lúc chị nhận được một chiếc máy may công nghiệp từ Trung tâm, giúp chị thao tác nhanh gọn và đường may sắc sảo hơn, khách hàng ưa chuộng hơn.
Còn anh Nguyễn Giỡ (tổ 2, phường Hòa Quý) sau khi lập gia đình cũng trở thành người tàn tật do giẫm mìn cụt một chân. Không lâu sau, vợ anh lại bị bỏng nước sôi nên không thể làm việc nặng, cả nhà chỉ trông cậy vào hàng tạp hóa nhỏ khiến kinh tế càng khó khăn.
Đầu năm 2017, gia đình anh được Trung tâm tặng một tủ kem và hỗ trợ ít vốn mở rộng hàng tạp hóa nên cuộc sống cũng dần bớt vất vả.
Đây chỉ là 3 trong nhiều trường hợp nạn nhân bom, mìn và các vật liệu nổ trong chiến tranh tại Đà Nẵng được hỗ trợ để vươn lên trong cuộc sống. Chương trình hỗ trợ phương kế sinh nhai cho nạn nhân bom, mìn của Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội được triển khai từ năm 2013, đã cho thấy hiệu quả rõ rệt khi giúp người tàn tật có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình. Riêng tại Đà Nẵng, đến nay đã có gần 150 trường hợp nạn nhân bom, mìn được hỗ trợ kinh phí gần 700 triệu đồng.
Anh Trần Văn Thanh, chuyên viên của Trung tâm, người theo suốt chương trình từ năm 2013 đến nay cho biết, những trường hợp được chọn hỗ trợ kinh phí phải thực sự là người gặp khó khăn về kinh tế lẫn tinh thần.
Khi được chọn hỗ trợ kinh phí, người hưởng lợi còn được tập huấn kỹ năng về nghề mà họ sẽ sinh sống. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng “mềm” để nạn nhân bom, mìn có thể tự tin hơn và làm việc độc lập. Một số trường hợp không những có việc làm cho bản thân mà còn giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ gặp khó khăn về kinh tế.
THANH VÂN