Làm lại cuộc đời

Với sự quyết tâm của chính bản thân, sự quan tâm, giúp đỡ của lực lượng công an, chính quyền địa phương, nhiều trường hợp nghiện ma túy trên địa bàn quận Liên Chiểu đã cai nghiện thành công, làm lại cuộc đời. 

Dưới cái nắng đầu hè gay gắt, người đầm đìa mồ hôi nhưng anh Đặng Ngọc S. (SN 1976, trú phường Hòa Minh) vẫn thoăn thoắt khuân vác gạch, đong cát, sạn, xi-măng trộn hồ cho kịp tiến độ công trình. Nhìn anh già hơn so với tuổi 42 trông thấy. Gặp chúng tôi, anh không hề dè dặt mà cởi mở chia sẻ về những năm tháng đắm chìm trong ma túy của mình.

Cách đây khoảng 15 năm, anh S. ham chơi, tự mình tìm đến ma túy rồi sa vào con đường nghiện ngập. “Ngày đó, tôi chẳng biết ma túy có tác hại gì, thấy vui, thấy thích thì dùng rồi nghiện nặng lúc nào chẳng hay”, anh S. nhớ lại. Năm 2010, anh S. bị Công an quận Thanh Khê bắt giữ, đưa vào Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề 05-06 (nay là Cơ sở Xã hội Bầu Bàng) để cai nghiện tập trung. Dưới sự động viên, quan tâm của các cán bộ, anh S. dần thức tỉnh, vượt qua những cơn thèm thuốc và thành công sau 10 tháng cai nghiện.

Tháng 2-2011, sau khi trở về, nhận được sự chào đón, động viên của người thân và chính quyền địa phương, anh S. có thêm động lực, bắt đầu tìm kiếm việc làm. Anh lao vào công việc để trả nợ, bù đắp những vất vả mà bố mẹ và vợ con đã chịu đựng trong những năm tháng ăn chơi của anh. “Ngày trở về, nhìn cảnh bố mẹ già, vợ và các con thơ kham khổ, tôi càng thêm hối hận, thương gia đình vì mình mà tàn lụi. Động lực thôi thúc tôi cố gắng vì bản thân, vì bố mẹ và vợ con. Nhận thấy nghề phụ hồ đang “hái” ra tiền, tôi quyết theo nghề này, kiếm tiền trả nợ, nuôi vợ con”, anh S. nghẹn ngào chia sẻ.

Giờ đây, sau khi rời công trường, anh nhanh chóng về nhà cùng bố mẹ, vợ con. Có những buổi chủ nhà đãi thợ, anh cũng chỉ ngồi chung vui, uống vài ngụm bia rồi tranh thủ về sớm. Thấy anh tu chí làm ăn, gia đình ai cũng khấp khởi vui mừng. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, hiện nay gia đình anh S. đã có chỗ ở mới, cuộc sống gia đình dần ổn định, 4 con nhỏ của anh đều được đến trường.

Cũng như anh S., anh Hồ Quốc H. (SN 1989, trú phường Hòa Khánh Nam) cũng có thời gian ăn chơi nghiện ngập. Gần 10 năm trước, nhắc đến anh H., làng xóm ai nấy đều ngao ngán. Từ một cậu bé ngoan hiền, chỉ một lần thử ma túy đá, H. đã sa vào con đường ăn chơi, nghiện ngập. Đến tháng 2-2012, H. bị bắt buộc đưa vào cai nghiện tập trung tại Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề 05-06. Khi những cơn nghiện đã qua đi, H. hối hận, dần nhận ra những sai lầm của mình nên quyết tâm từ bỏ thứ thuốc chết người ấy để làm lại cuộc đời.

“Sau 4 tháng ở Trung tâm, được sự giúp đỡ của các cán bộ, cuối cùng tôi cũng vượt qua giai đoạn khó khăn, vật vã. Ngày đó, nếu không có sự ủng hộ, động viên của gia đình, của các anh công an, chắc tôi không có động lực vươn lên và được như ngày hôm nay”, anh H. cho biết. Hiện tại, anh H. có cuộc sống ổn định bên vợ và hai con nhỏ. Anh mở quán bán cà-phê, toàn tâm toàn ý lo cho gia đình nhỏ mới gây dựng.

Còn Nguyễn Như T. (SN 1994, trú phường Hòa Khánh Nam), dính phải “cái chết trắng” khi mới 16 tuổi. Tuổi nhỏ, đua đòi cùng bạn bè, T. tụ tập ăn chơi, bỏ bê mẹ già. Đến năm 2012, T. dần tỉnh ngộ, thương mẹ sức yếu vừa phải lo mưu sinh vừa lo khuyên nhủ anh, anh tự hứa phải đoạn tuyệt ma túy. Sau 3 tháng cai nghiện, tháng 7-2012, T. trở về. Được các hội, đoàn thể hướng dẫn, giới thiệu công việc, T. vào làm công nhân công ty may. “Hiện tại, tôi đã có công việc ổn định, có thể lo cho bản thân và cho mẹ. Giờ tôi cố gắng làm lụng tích góp để có tiền cưới vợ, bù đắp những tháng ngày ăn chơi của mình”, T. tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Liên Chiểu cho biết, ngoài thực hiện theo chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy thành công từ 5 năm trở lên của thành phố, quận và các phường cũng đã có những chính sách để giúp đỡ người sau cai hòa nhập cộng đồng như xem xét, hỗ trợ vốn vay, phương tiện sinh kế để họ có công ăn việc làm ổn định, phát triển kinh tế. “Với những trường hợp vừa mới trở về sau cai, địa phương luôn có sự động viên, khích lệ tinh thần để tránh trường hợp tái nghiện. Bên cạnh đó, địa phương còn thường xuyên triển khai những nội dung tuyên truyền cụ thể để mọi người tránh xa tệ nạn xã hội. Vì thế, trên địa bàn quận số lượng người nghiện ngày càng giảm. Theo thống kê đến năm 2017, toàn quận có 9 trường hợp cai nghiện thành công sau 5 năm trở lên không tái phạm”, bà Thanh cho hay.

THU THẢO

;
.
.
.
.
.
.