Tại quận Hải Châu, mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” được người dân hưởng ứng, không chỉ bảo vệ môi trường mà tạo thêm kinh phí thực hiện “Quỹ Ước mơ xanh” giúp học sinh khó khăn. Kết quả này xuất phát từ quá trình vận động, tuyên truyền tích cực của chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể của quận.
Phường Thanh Bình trao học bổng “Ước mơ xanh” cho học sinh nghèo từ hoạt động thu gom, phân loại rác thải. |
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Thanh Bình Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” triển khai đầu tiên tại Chi hội phụ nữ khu dân cư Thanh Sơn 1A (phường Thanh Bình) từ năm 2005.
Thời gian đầu triển khai gặp khó khăn do chưa được sự đồng thuận của người dân. Bằng sự nhiệt tình, tâm huyết của cán bộ hội và phụ nữ địa phương nên công tác thu gom rác đạt những kết quả thuận lợi.
Hai tuần 1 lần, cán bộ hội cùng các chị em phụ nữ nòng cốt đến nhà các gia đình để thu gom rác thải như: chai nhựa, giấy, báo cũ, vỏ lon bia, sắt vụn,… rồi phân loại, bán cho các cơ sở thu mua phế liệu. Số tiền bán được đóng góp vào “Quỹ Ước mơ xanh” giúp học sinh nghèo và học sinh có thành tích xuất sắc.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nhờ vận động, tuyên truyền để phụ nữ thấy rõ lợi ích, ý nghĩa của hoạt động phân loại rác nên nhiều chị em hăng hái tham gia. Từ chỗ chỉ thu được nguồn quỹ 1 triệu đồng/năm, đến nay số gia đình tham gia phân loại rác tăng lên, tiền thu được tăng từ 3 đến 4 triệu đồng/năm.
Từ 2005 đến đến nay, số tiền thu được từ hoạt động thu gom phân loại rác thải của Chi hội phụ nữ Thanh Sơn 1A gần 30 triệu đồng. “Cách làm của phụ nữ khu dân cư Thanh Sơn 1A được nhiều chi hội phụ nữ các khu dân cư khác của phường Thanh Bình thực hiện, tạo thêm nguồn lực làm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn”, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết.
Còn tại phường Thạch Thang, dù mới đưa vào triển khai “Phân loại rác thải tại nguồn” từ năm 2017, nhưng những kết quả bước đầu rất khả quan. Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Thạch Thang Lê Thị Diễm Hồng cho biết, trong năm 2017, nhờ vận động thu gom, phân loại rác thải, các chi hội phụ nữ đóng góp vào “Quỹ Ước mơ xanh” gần 20 triệu đồng.
Riêng trong quý 1-2018, gần 10 triệu đồng từ sử dụng hiệu quả rác thải tài nguyên được ủng hộ vào “Quỹ Ước mơ xanh”. Theo bà Hồng, mỗi năm, các Chi hội phụ nữ phường hỗ trợ từ 35 đến 40 học sinh nghèo bằng số tiền thu được từ hoạt động thu gom, phân loại rác.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Thang Nguyễn Đức Huấn, trong các buổi họp tổ dân phố, cán bộ phường luân phiên đến nói chuyện với người dân về bảo vệ môi trường, phát tờ rơi, phát sổ nhật ký, túi đựng rác đến từng hộ gia đình.
Tính đến nay, 26/31 khu dân cư của phường Thạch Thang triển khai hiệu quả phân loại rác thải tại nguồn, góp phần giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường. “Để thực hiện tốt mô hình này cần liên tục vận động, tuyên truyền giúp người dân hiểu ý nghĩa quan trọng của việc tái chế, tái sử dụng rác thải.
Đây là một “cuộc chiến” lâu dài và cần sự chung tay của toàn hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể”, ông Nguyễn Đức Huấn nói.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hải Châu Nguyễn Minh Huy cho biết, từ năm 2014 đến nay, UBND quận Hải Châu phối hợp với Hội LHPN quận vận động thực hiện mô hình “Phân loại rác thải sinh hoạt hộ gia đình”.
Đến nay, hiệu quả của mô hình rất thiết thực, nhận thức của người dân về phân loại rác thải góp phần bảo vệ môi trường được nâng cao. Cách làm này tạo được nguồn “Quỹ Ước mơ xanh” hỗ trợ 423 suất học bổng trị giá 228 triệu đồng giúp hàng trăm học sinh nghèo vượt khó của quận.
“Trong thời gian đến, quận tiếp tục mở rộng triển khai mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” và Đề án giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng rác thải sinh hoạt ra toàn quận, góp phần bảo vệ môi trường để tiến đến xây dựng “Quận môi trường”, ông Nguyễn Minh Huy nhấn mạnh.
Bài và ảnh: LAM PHƯƠNG