Việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở tại doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố theo Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19-6-2013 của Chính phủ, trong thời gian qua đã mang lại lợi ích thiết thực cho DN và người lao động (NLĐ).
Tiếng nói của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp được coi trọng sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc tại Công ty CP Dệt may 29-3. |
Chánh Văn phòng Đảng ủy khối DN thành phố Nguyễn Thị Hạnh cho biết, kể từ khi Nghị định số 60 của Chính phủ được ban hành, việc thực hiện QCDC ở mọi loại hình DN đã được Đảng ủy khối DN quan tâm cụ thể hóa để đi vào thực tiễn.
Trên tinh thần đó, các nội dung liên quan đến sản xuất, kinh doanh, các nguồn thu, chi tài chính; chế độ, chính sách đối với cán bộ, NLĐ; chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thi đua khen thưởng, kỷ luật, chọn cử cán bộ đi học đều được nhiều DN thuộc Đảng ủy khối công khai và lấy ý kiến của cán bộ, NLĐ.
“Ở nhiều DN, tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên thể hiện vai trò nòng cốt trong thực hiện QCDC. Các phản ánh, kiến nghị của cán bộ, NLĐ thông qua tổ chức Công đoàn được Ban Giám đốc tiếp thu trả lời, tạo mối quan hệ giữa Ban Giám đốc với cán bộ, NLĐ ngày càng gắn bó mật thiết hơn”, bà Nguyễn Thị Hạnh nói.
Chuyên sản xuất ngành hàng may mặc, Công ty CP Dệt may 29-3 duy trì sự tăng trưởng và ổn định về đội ngũ công nhân lao động. Đây là DN có tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ khối DN gương mẫu trong thực hiện QCDC ở cơ sở.
Kết quả này là nhờ Công ty thực hiện tốt các chính sách chăm lo đời sống NLĐ, như: chính sách tiền lương, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, quan tâm động viên NLĐ còn khó khăn.
Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dệt may 29-3 Lê Thị Hải Châu cho biết: Để tạo được uy tín đối với chủ DN thì trước tiên tổ chức công đoàn phải khẳng định được chính mình, thông qua việc tập hợp, tuyên truyền và vận động đoàn viên thực hiện theo đúng quy định, điều lệ công đoàn, đặc biệt là làm việc có hiệu quả.
“Ban Chấp hành Công đoàn tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp nhằm góp phần mang lại lợi ích cho DN. Bên cạnh đó, Công đoàn luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các đoàn viên, NLĐ để tập hợp, nghiên cứu và phản ảnh đến chủ DN. Nhờ đó, ý kiến phản ảnh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên tại các cuộc đối thoại được Ban Giám đốc Công ty tiếp thu và từng bước xem xét giải quyết”, bà Lê Thị Hải Châu cho biết.
Bí thư Đảng ủy khối DN Phạm Nhật Phi nhấn mạnh, những DN không thực hiện đúng QCDC được xem là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay chế tài đối với hành vi vi phạm không thực hiện QCDC ở cơ sở không đủ sức răn đe.
Theo ông Phi, để tạo sự đoàn kết, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, Đảng ủy khối DN tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm tra giám sát việc thực hiện QCDC tại các cơ quan, đơn vị theo phương châm công khai, minh bạch các chế độ, chính sách, các khoản thu, chi liên quan đến cán bộ, đảng viên và người lao động.
Ngoài ra, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc giám sát, đấu tranh, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiếp tục có nhiều đóng góp cho địa phương.
“Đảng bộ chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy Đảng, lãnh đạo DN tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sở ở tất cả các loại hình DN, đặc biệt ở các DN dân doanh. Đưa việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở thành một tiêu chí để xem xét tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh”, ông Phạm Nhật Phi cho biết.
Trong khi đó, Phó Bí thư Đảng ủy Các Khu công nghiệp Phạm Văn Hòa cho rằng, để DN thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, trước hết cần nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của Công đoàn trong việc tham mưu, phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện tốt QCDC ở cơ sở tại DN.
Mặt khác, Đảng ủy các cấp cần tiếp tục đôn đốc các DN xây dựng đầy đủ các quy chế theo Nghị định số 60; tổ chức hội nghị cán bộ, công chức và hội nghị người lao động, đối thoại định kỳ bảo đảm đúng quy định của pháp luật nhằm đẩy mạnh, mở rộng và phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người lao động.
Bài và ảnh: Trọng Hùng