Rà soát chất lượng quy hoạch để phù hợp phát triển thành phố

.

Chiều 13-4, Đoàn giám sát chuyên đề “Hoạt động đầu tư công trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, do Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) thành phố về tình hình triển khai hoạt động đầu tư công do sở thực hiện trong thời gian qua.

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT thành phố, giai đoạn 2003-2017, tổng số dự án được phê duyệt trên địa bàn thành phố khoảng 2.500 dự án, với tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) 71.874 tỷ đồng.

Trong đó, nhiều dự án có quy mô đầu tư lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, đường vành đai phía nam, nút giao thông khác mức ngã ba Huế, Bệnh viện Ung bướu, Sân vận động Hòa Xuân…

Toàn thành phố triển khai 328 khu tái định cư mới (hoàn thành 240 khu tái định cư, 88 khu tái định cư thực hiện dang dở). Về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, đến cuối năm 2017, toàn thành phố có 2.171 tuyến đường, với chiều dài 1.260km, tăng 1.894 tuyến đường so với năm 2003.   

Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Văn Sơn cho rằng, 15 năm qua (2003-2017), việc phân bổ kế hoạch vốn cho các công trình được thực hiện đúng quy định hiện hành về quản lý, thanh toán vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước và phù hợp với quy hoạch, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội từng thời kỳ, từng năm.

Hiện nay, việc phân cấp trong quản lý vốn đầu tư XDCB cho các quận, huyện phù hợp với vai trò vừa là chủ đầu tư, vừa là chủ sở hữu nguồn vốn ngân sách Nhà nước được giao, tạo sự chủ động, tự quyết định đầu tư từ những công trình, dự án phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương; phát huy tính năng động, sáng tạo tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các quận, huyện.

Việc phân cấp này tạo điều kiện cho các địa phương huy động nguồn lực của hệ thống chính trị và các tổ chức, công dân trong việc kêu gọi các dự án xã hội hóa theo quy định, bảo đảm tính công khai, minh bạch nguồn vốn đầu tư và có sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng và doanh nghiệp.

“Nếu như trước năm 2015, việc phân cấp vốn XDCB cho các quận, huyện chỉ đạt từ 5 đến 8 tỷ đồng/năm thì hiện tại trong giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn này đã đạt từ 40-50 tỷ đồng/năm”, ông Trần Văn Sơn cho biết.

Tại buổi làm việc, Sở KH-ĐT thành phố kiến nghị sớm điều chỉnh quy định của Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng về việc cho phép thực hiện lập thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán trong bước chuẩn bị đầu tư; đồng thời cho phép giải ngân theo kế hoạch vốn bố trí hằng năm của các dự án và điều chỉnh tổng hợp, điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn trình HĐND thành phố thông qua tại các kỳ họp.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung ghi nhận những kết quả trong thực hiện đầu tư công do Sở KH-ĐT thành phố thực hiện thời gian qua; đề nghị trong thời gian đến, Sở KH-ĐT cần đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm đơn giản hóa các thủ tục đầu tư công đối với các dự án, công trình trên địa bàn.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung lưu ý Sở KH-ĐT cần rà soát lại công tác quy hoạch các dự án để điều chỉnh lại cho phù hợp với sự phát triển chung của thành phố.

“Nếu chúng ta làm tốt công tác quy hoạch, chắc chắn công tác đầu tư các dự án không những bảo đảm chất lượng, tiến độ thi công mà còn đạt hiệu quả về công năng sử dụng. Ngược lại, công tác quy hoạch không đúng, chắc chắn sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch chung của thành phố”, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh.

Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.
.