Tạo việc làm cho người sau cai

.

Hiện nay, dù các cấp, ngành tại Đà Nẵng có nhiều hoạt động hỗ trợ việc làm cho người sau cai nghiện nhưng vẫn còn không ít người chưa ổn định được việc làm, dẫn đến nguy cơ tái nghiện cao. Điều này đặt ra yêu cầu cần có giải pháp dài hơi và thực tế hơn trong việc giúp những người sau cai có việc làm phù hợp.

Được học nghề và có việc làm là việc rất cần thiết giúp người sau cai hòa nhập cộng đồng, tránh xa ma túy. Trong ảnh: Một giờ học nghề xây dựng của học viên ở Cơ sở Xã hội Bầu Bàng.
Được học nghề và có việc làm là việc rất cần thiết giúp người sau cai hòa nhập cộng đồng, tránh xa ma túy. Trong ảnh: Một giờ học nghề xây dựng của học viên ở Cơ sở Xã hội Bầu Bàng.

Bị bạn bè rủ rê nên anh H. (30 tuổi, quận Thanh Khê) chơi “thử” và nghiện ma túy lúc nào không hay. Sau 3 năm cai nghiện, anh H. trở về và bắt đầu xin việc nhưng đến nhiều nơi anh chỉ gặp cái lắc đầu ái ngại. “Có một số nơi cũng muốn nhận song khi biết tôi từng nghiện ma túy họ liền viện lý do chối liền. Cuối cùng tôi đành chọn một công việc khá vất vả ở xa, giấu mình là một người từng nghiện để có thể làm việc nuôi sống bản thân”, anh H. bộc bạch. May mắn hơn, anh T. (27 tuổi, quận Ngũ Hành Sơn) đã được một cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ trên địa bàn nhận vào làm việc với mức lương kha khá sau khi anh cai nghiện thành công. “Đối với chúng tôi, việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ để nuôi sống bản thân mà có thể tránh xa bạn xấu, tránh được nguy cơ quay trở lại con đường nghiện ngập”, T. chia sẻ.

Theo thông tin từ Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố, trên địa bàn Đà Nẵng có khoảng hơn 1.500 người nghiện ma túy đang được quản lý, gồm: hơn 500 học viên đang cai nghiện tại Cơ sở Xã hội Bầu Bàng, hơn 300 người tham gia điều trị Methadone, hơn 700 người đang được quản lý sau cai tại nơi cư trú và hàng chục người đang cai nghiện tại cộng đồng. Ông Phan Công Hải, Phó Giám đốc Cơ sở Xã hội Bầu Bàng cho biết, chỉ tính từ đầu năm đến nay, đơn vị đã mở 2 lớp đào tạo các nghề điện dân dụng, sửa chữa xe máy cho 50 học viên”. Chúng tôi chọn những nghề không quá phức tạp và dễ học để các em sau khi ra khỏi trung tâm có thể xin được việc làm hoặc tự tạo việc làm nuôi sống bản thân, giảm nguy cơ tái nghiện”, ông Hải nói.

Đối với người sau cai ở cộng đồng, thời gian qua, các ngành, địa phương cũng đã tổ chức gặp mặt và giới thiệu việc làm, hỗ trợ sinh kế, cho vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm. Theo đó, thành phố đã hỗ trợ học nghề cho 7 trường hợp; hỗ trợ tạo việc làm cho 13 trường hợp; hỗ trợ kinh phí tìm việc làm, giải quyết khó khăn đột xuất cho hơn 200 trường hợp với số tiền hơn 400 triệu đồng.

Quận Hải Châu là một trong những địa phương đẩy mạnh việc tư vấn ngành nghề, chính sách... cho hàng chục đối tượng sau cai, giúp họ được học nghề và tìm việc làm. Thời gian qua, các phường Hòa Cường Bắc, Bình Thuận, Phước Ninh… đã hỗ trợ 5 người sau cai nghiện vay vốn với tổng số tiền hơn 40 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Lương Vĩnh Thái, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Hải Châu cũng thừa nhận, giới thiệu được một người sau cai vào làm việc ở doanh nghiệp là chuyện không dễ dàng. “Trên địa bàn chúng tôi hiện có khoảng 70 người sau cai. Có đối tượng có việc làm hoặc đang tìm việc. Hầu hết người sau cai đều chưa có tay nghề và sức khỏe không bảo đảm, đồng thời tính kỷ luật chưa cao nên không phải công việc nào cũng phù hợp”, ông Thái nói.

Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố cho biết, đơn vị đang đề xuất UBND thành phố triển khai thí điểm hỗ trợ tạo việc làm cho người nghiện ma túy đã được chữa trị phục hồi tại quận Sơn Trà và Hải Châu. Theo đó, dự kiến mỗi năm sẽ có 20 - 50 người sau cai của mỗi quận được hỗ trợ đào tạo nghề với mức tối đa bằng 2 lần mức hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định hiện nay của UBND thành phố; đồng thời được hỗ trợ vay vốn ưu đãi theo hộ gia đình với định mức vay và lãi suất vốn vay như đối với hộ nghèo của thành phố (theo quy định hiện hành mức vay tối đa là 50 triệu đồng, lãi suất 0,55%); hỗ trợ sinh kế (phương tiện, công cụ, vật liệu…) với mức tối đa 10 triệu đồng/lao động đặc thù. Không chỉ vậy, doanh nghiệp tạo việc làm cho lao động đặc thù cũng được xem xét hỗ trợ trên cơ sở danh sách số lao động đặc thù được tiếp nhận.

Theo một cán bộ công tác lâu năm trong ngành lao động, thương binh và xã hội, bên cạnh việc hỗ trợ như trên, nên thành lập một doanh nghiệp phi lợi nhuận do thành phố quản lý và chỉ nhận những người nghiện vào làm việc. Ở đây, họ không chỉ được làm việc trong khuôn khổ mà còn được nghỉ ngơi, chữa bệnh. Những công việc mà người nghiện có thể làm tại đây là việc đơn giản, nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe của họ. Có như vậy mới giải quyết căn cơ bài toán việc làm cho người nghiện.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.
.