Tháo gỡ vướng mắc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng

.

Ngành Thi hành án dân sự (THADS) thành phố được đánh giá là đơn vị đi đầu trong công tác giải quyết THADS liên quan đến tín dụng, ngân hàng (TDNH). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ.

Theo Cục THADS thành phố, trong năm 2017, ngành THADS thành phố đã thụ lý 409 vụ việc liên quan đến TDNH, với tổng số tiền thụ lý hơn 1.450 tỷ đồng. Trong đó, có một số việc có giá trị lớn đã xử lý xong như tại Công ty TNHH Thanh Dũng, Công ty Phước Sanh, Công ty TNHH Hoàng Oanh, Công ty Hoàng Khuyên, Công ty Kỹ thuật cơ điện lạnh Tadico… Theo Cục THADS thành phố, trong kế hoạch của 6 tháng đầu năm 2018, số vụ việc THA có liên quan đến các tổ chức TDNH phải giải quyết là 506 vụ việc, với tổng số tiền là hơn 1.000 tỷ đồng. Nhưng đến nay, ngành THADS thành phố mới giải quyết được 32 vụ việc, thu hồi được số tiền trên 239 tỷ đồng.

Bà Mai Thanh Phương, cán bộ Cục THADS thành phố cho biết, do số lượng án tăng nhiều nên có thời điểm cán bộ THA bị quá tải vì phải đảm trách nhiều vụ việc. Nhiều trường hợp không thể giải quyết do người phải THA không có điều kiện thi hành, dẫn đến lượng án chưa giải quyết tồn đọng. Thời gian qua, bình quân mỗi chấp hành viên ở Cục THADS thành phố phải xử lý hàng trăm bản án đã có hiệu lực. Đặc biệt là những vụ việc phức tạp liên quan đến TDNH như: cầm cố ô-tô, máy xúc, máy kéo, bất động sản... Những vụ việc này xử lý rất phức tạp, bao gồm từ khâu xác minh, truy tìm tài sản, thẩm định giá, bán đấu giá nên không ít vụ việc phải mất vài năm mới giải quyết được.

Đánh giá kết quả thực hiện quy chế phối hợp giữa Cục THADS thành phố với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Đà Nẵng trong việc phối hợp chỉ đạo, xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động TDNH, ông Trần Phước Thu, Cục trưởng Cục THADS thành phố cho rằng, mặc dù thời gian qua các bên chủ động phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhưng kết quả chưa được như mong muốn, hiệu quả THA thấp, tiến độ giải quyết các vụ việc còn chậm, ảnh hưởng đến quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức TDNH trên địa bàn thành phố. Mặt khác, một số Chi cục THADS có án kinh doanh thương mại lớn, khi thụ lý giải quyết thì tài sản thế chấp hết cho tổ chức TDNH; người đại diện doanh nghiệp không rõ địa chỉ, trụ sở công ty... nên khó thi hành. Cùng với đó, tâm lý ngại mua tài sản bán đấu giá để THA hoặc tài sản đem bán đấu giá ở những vị trí không thuận lợi, tài sản chung của nhiều người, tài sản nằm trong dự án giải tỏa... ảnh hưởng đến việc THA. “Người mua có tâm lý e ngại vì sợ nhiều rủi ro khi kết quả bán đấu giá bị hủy, tài sản mua được chậm được giao, người bị thi hành án tiếp tục khiếu nại việc liên quan đến tài sản bán đấu giá...”, ông Trần Phước Thu phân tích.

Để nâng cao chất lượng THA đối với các vụ việc liên quan đến TDNH, Cục THADS thành phố cho biết, bên cạnh việc tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan thi hành pháp luật, các cấp chính quyền cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nắm rõ. Đặc biệt, các tổ chức TDNH cần thẩm định chặt chẽ hồ sơ vay vốn, tăng cường giám sát hoạt động cho vay, trước, trong và sau đầu tư của các đơn vị vay vốn kinh doanh. Đối với các vụ án ngân hàng đã kê biên nhưng tài sản chưa bán được, các cơ quan THADS sẽ tiếp tục giảm giá theo quy định, phối hợp với ngân hàng và chính quyền sở tại tìm, giới thiệu người mua tài sản để giải quyết dứt điểm việc THA.

TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.
.