Cải thiện điều kiện sống cho người nghèo

.

Nếu các cơ chế, chính sách dành cho người nghèo đang ngày càng đồng hành, trở thành “bệ đỡ” giúp các gia đình vươn lên phát triển kinh tế thì đối với hộ nghèo không còn sức lao động, các chính sách ấy cùng với một số quy định của thành phố và những cách làm mới của các địa phương đã giúp bà con ổn định cuộc sống.

Ông Ngô Văn Dũng (giữa) được nhân viên Trung tâm BTXH Đà Nẵng hướng dẫn đi bằng xe tay quay phục hồi chức năng. Ảnh: V.T.L
Ông Ngô Văn Dũng (giữa) được nhân viên Trung tâm BTXH Đà Nẵng hướng dẫn đi bằng xe tay quay phục hồi chức năng. Ảnh: V.T.L

Nhìn từ Trung tâm Bảo trợ xã hội

Bước qua tuổi 84, bà Nguyễn Thị An chính thức trở thành người già neo đơn sau khi “trôi nổi phận đời” qua nhiều địa chỉ tá túc.

30 tuổi, bà An làm vợ kế một người đàn ông sau khi vợ trước ông này qua đời. Hai người sống trong một con hẻm ở đường Hàm Nghi (cũ, nay là đường Nguyễn Chí Thanh, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu). Ở với nhau không có con, chồng bà bán nhà cho người khác và rời khỏi địa phương, chừa lại một gian bếp cho bà tá túc.

Năm 2013, người này bán nhà, bán cả gian bếp. Không chỗ an thân, bà được một người là con của chồng bà với người vợ trước đưa về ở chung tại thôn 5 xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. “Ăn nhờ ở đậu” được một thời gian, thấy người ta đối xử với mình không tốt, thiếu tôn trọng, bà muốn bỏ đi mà chẳng biết đi đâu.

Một lần, gặp lại con một người hàng xóm thời bà sống ở đường Nguyễn Chí Thanh, nghe bà An than thở, anh này thương cảm trước hoàn cảnh éo le của bà, bèn đưa bà về ở nhờ trong nhà mình. Không thân nhân, không bà con ruột thịt, bà sống nhờ vào lòng tốt của người hàng xóm với mức trợ cấp xã hội mỗi tháng 540.000 đồng.

Tháng 7-2016, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng xét theo nguyện vọng của bà, đã đưa bà vào Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) thành phố.

Bà An là một trong 69 người già (trong đó có 32 người không tự chăm sóc được) đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm BTXH Đà Nẵng. Bà Hệ Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm cho biết, nơi đây còn có 18 trẻ em và 75 người lớn hầu hết thuộc các dạng khuyết tật và tâm thần.

Ông Ngô Văn Dũng, gần 70 tuổi, người già neo đơn ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, vào đây từ năm 2014. Mấy năm trước ông bị tai biến, chân bị liệt không đi được, hằng ngày đi bằng xe tay quay phục hồi chức năng.

Ngoài chế độ theo quy định của Nhà nước, đơn vị còn chủ động cải thiện bữa ăn hằng ngày cho bà con bằng các loại rau củ quả trồng tại chỗ hoặc bằng quà tặng của các tổ chức, cá nhân đến làm công tác từ thiện.

Các dịp lễ, Tết, sinh hoạt của trung tâm trở nên nhộp nhịp hơn. 4 ngày Tết, suất ăn mỗi người được thêm 300.000 đồng, trong đó thành phố hỗ trợ 200.000 đồng, các nguồn từ thiện góp 100.000 đồng. Tết Nguyên đán vừa rồi, trung tâm tổ chức nấu bánh chưng, bánh tét, làm các loại mứt... để những người lớn tuổi nhớ lại không khí Tết ngày trước. Trong đêm văn nghệ do nhóm NSƯT Đỗ Linh về phục vụ, bà Nguyễn Thị An đã xung phong lên hát dân ca, những làn điệu bà hay ngâm nga thời còn trẻ.

Để các “cư dân” ở đây được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn, thành phố triển khai xây dựng Công trình nâng cấp mở rộng Trung tâm BTXH Đà Nẵng (gồm 7 khối nhà, 1 nhà đa năng và 1 nhà bếp) có tổng kinh phí 120 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và thành phố, mỗi bên một nửa.

Giai đoạn 1 khởi công xây dựng 3 khu nhà từ tháng 10-2016, dự kiến tháng 5 tới sẽ “về nhà mới”. Sau đó sẽ tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 trên mặt bằng các khu nhà cũ, trong đó có một khối nhà dành cho dịch vụ dưỡng lão, tương tự như nhà dưỡng lão.

Công trình mới được xây dựng kiên cố này, theo nhận định của bà Hương, là “cái được lớn nhất” đối  với sự an nguy của các “cư dân” ở trung tâm. Mấy năm trước mỗi khi có bão là phải đưa mọi người đi tránh bão ở các nơi kiên cố, xa nhất là Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng) trên đường Âu Cơ, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu. Việc di chuyển người già, trẻ con, nhất là những người khuyết tật, đến nơi khác là cực kỳ khó khăn.

Từng bước nâng cao đời sống người dân

Nói về chính sách an sinh xã hội của Đà Nẵng, ông Nguyễn Đình Minh, Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB&XH thành phố cho rằng, cùng với tập trung thực hiện đầy đủ các chính sách BTXH của Trung ương, Đà Nẵng ban hành nhiều chính sách thiết thực để từng bước cải thiện điều kiện sống cho các đối tượng như:

Nâng mức trợ cấp xã hội cho các đối tượng BTXH từ 270.000 lên 350.000 đồng, hỗ trợ xây dựng các mô hình CLB liên thế hệ, mô hình giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em đang được nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở BTXH ngoài công lập… Hiện có hơn 36.000 đối tượng BTXH được trợ cấp thường xuyên với kinh phí chi trả hằng năm đến trên 150 tỷ đồng.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo và “không có hộ đặc biệt nghèo”, cũng theo ông Minh, các chính sách, giải pháp giảm nghèo được các địa phương triển khai đồng bộ nhằm giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi, khuyến nông lâm ngư, phát triển các ngành nghề, xây dựng nhân rộng các mô hình…

Người nghèo đã khó khăn, nghèo mà không còn sức lao động lại càng khó khăn gấp bội. Nếu các cơ chế, chính sách dành cho người nghèo đang ngày càng đồng hành, trở thành “bệ đỡ” giúp các gia đình vươn lên phát triển kinh tế thì đối với hộ nghèo không còn sức lao động, các chính sách ấy cùng với một số quy định của thành phố và những cách làm mới của các địa phương đã giúp bà con ổn định cuộc sống...

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, những kết quả về BTXH thời gian qua cho thấy, công tác an sinh xã hội trên địa bàn thành phố đã tạo được sự đồng thuận và quyết tâm cao của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và nhân dân. Bằng các giải pháp, chính sách đồng bộ, có kế hoạch phân công giám sát cụ thể trong các hoạt động đã góp phần thực hiện tốt các mục tiêu trên các lĩnh vực bảo đảm cho các hộ gia đình tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch...

Đây sẽ là tiền đề vững chắc góp phần đảm bảo ổn định xã hội, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, tạo đà cho sự phát triển bền vững của thành phố.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.