Gian nan phòng chống mại dâm

Thời gian  qua, ngành chức năng đã kiểm tra, xử phạt hàng chục cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm với số tiền hàng trăm triệu đồng, nhưng việc phòng chống mại dâm hiện nay không hề dễ dàng. Nhiều trường hợp còn lách luật để hoạt động.

Đội Kiểm tra liên ngành 178 thành phố Đà Nẵng cho biết, trong năm qua, đơn vị đã kiểm tra gần 300 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm (gồm: massage, lưu trú, cắt tóc nam nữ, karaoke, Internet, bar...) và phát hiện 69 cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm, với số tiền đề nghị xử phạt hơn 344 triệu đồng.

Không chỉ vậy, Đội Kiểm tra liên ngành 178 đã tiếp nhận thông tin và kiểm tra 12 cơ sở kinh doanh dịch vụ, trong đó có đến 10/12 cơ sở vi phạm, 2 cơ sở bị nhắc nhở và 4 cơ sở bị yêu cầu ngừng hoạt động do chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Lỗi vi phạm vẫn là: kinh doanh quá thời gian quy định; kinh doanh vượt phạm vi số phòng trong giấy phép; cơ sở vật chất không bảo đảm (như cửa có chốt từ bên trong, không nhìn thấy được vào bên trong phòng xoa bóp...), sử dụng nhân viên sai quy định, chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự...

Đó là những lỗi không mới và cũng không phải chủ cơ sở... không biết nhưng vẫn cố tình vi phạm để dẫn đến những hành vi vi phạm lớn hơn mà ai cũng biết là hoạt động mại dâm. Hiện nay, một số cơ sở còn hoán đổi lao động nữ với nhau, sử dụng lao động bên ngoài, không đăng ký với cơ quan chức năng để làm việc theo giờ, theo tour.

“Đã có nhà hàng làm ngơ để nhân viên tiếp thị đến mua vui cho khách. Chúng tôi biết nhưng rất khó xử lý vì chế tài xử phạt chưa có”, một thành viên trong Đội Kiểm tra liên ngành 178 cho biết.

Thiếu tá Phạm Thanh Sơn, Phó trưởng Công an phường Xuân Hà, quận Thanh Khê cho biết, việc phòng chống mại dâm hiện nay khó khăn hơn do các đối tượng sử dụng các trang mạng xã hội như facebook, zalo... để liên lạc, mời chào khách.

Một số đối tượng còn đóng giả khách du lịch thuê phòng vài ngày để tiện mua bán dâm nên rất khó xử lý. Ngoài ra, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm đã ban hành gần 15 năm nay nên có nhiều điều không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh, phòng, chống mại dâm trong tình hình mới.

Đồng thời, mức xử phạt hành vi mua bán dâm được quy định vẫn còn quá thấp, không đủ sức răn đe. Đơn cử như người bán dâm chỉ bị phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng, mức xử phạt dành cho người mua dâm cũng chỉ 500.000 - 1.000.000 đồng, cao nhất là 2 triệu đồng cho hành vi mua dâm nhiều người 1 lúc. Bên cạnh đó, lại thiếu quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi mại dâm như khiêu dâm, kích dục...

Vì thế, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống mại dâm, kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm, phạt tình tiết tăng nặng đối với cơ sở vi phạm nhiều lần.

Đồng thời, xây dựng chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm là cần thiết để bảo đảm tôn trọng quyền con người, vì dân tộc phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra, cũng cần lồng ghép công tác phòng, chống mại dâm vào các chương trình giảm nghèo, cho vay vốn, đào tạo nghề... để ngăn chặn và phòng ngừa phụ nữ không bị sa vào tệ nạn này.

PHƯƠNG MINH

;
.
.
.
.
.
.