Ban chấp hành Trung ương Đảng cho rằng Đề án cải cách chính sách tiền lương có những điểm mới, đột phá nhưng muốn thành công phải thực hiện hiệu quả ngay việc cải cách thu chi ngân sách, tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước, đổi mới hoạt động của khối sự nghiệp công lập để tạo nguồn bền vững cho Đề án.
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 7. Ảnh: VGP |
Chiều nay (9/5), Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thảo luận về Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp”. Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phát biểu ý kiến, trao đổi thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao về những nhiệm vụ, giải pháp mà Đề án đề ra nhằm thực hiện triệt để, toàn diện chính sách tiền lương.
Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng, quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế-xã hội, liên quan trực tiếp đến cân đối vĩ mô, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng.
Chính sách tiền lương ở nước ta tính đến nay đã trải qua 4 lần cải cách. Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách này vẫn đang tồn tại nhiều bất cập, làm nảy sinh nhiều vấn đề trong xã hội.
Mục tiêu tổng thể của Đề án cải cách tiền lương lần này là xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, hiện đại, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, nhân lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế; góp phần xây dựng hệ thống chính trị ổn định, thống nhất, liên tục, thông suốt, tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng chống tham nhũng; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Tìm nguồn lực cho cải cách tiền lương
Theo đồng chí Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, thực tiễn 20 năm qua cho thấy mong muốn cải cách tiền lương không thực hiện được. Nguyên nhân chủ yếu là không triệt để đưa các loại chi phí vào lương. Chính vì thế, trả lương không xác đáng mà bình quân, cào bằng.
Thứ hai, nguồn lực có hạn, lương được điều chỉnh nhiều lần nhưng đến nay vẫn thấp, không theo kịp mặt bằng thị trường. Đặc biệt quy định mặt bằng lương theo hệ số nên làm mất ý nghĩa tiền lương. Thứ ba, quá trình thực hiện tiền lương lại phát sinh phụ cấp và thu nhập ngoài lương.
“Đặc biệt, ban hành và quyết định phụ cấp thu nhập tăng thêm không theo nguyên tắc nào, dẫn đến phụ cấp đặc thù, làm cho méo mó quan hệ tiền lương, mất đi vai trò ý nghĩa của tiền lương, nhất là tiền lương không còn là vai trò chính và là động lực của cán bộ công chức”, đồng chí Ngô Đông Hải đánh giá.
Các đại biểu cũng đã chỉ ra nhiều hệ lụy từ bất cập trong chính sách tiền lương, đặc biệt là lương khu vực công thấp, không khuyến khích được người lao động, không thu hút được nhân tài vào làm việc tại khu vực này.
Một trong những vấn đề được các đại biểu tập trung phân tích làm rõ là với những mục tiêu to lớn mà Đề án nêu ra, thì phải chuẩn bị được nguồn lực.
Đồng chí Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nêu ý kiến: Vấn đề tăng năng suất lao động, mấu chốt nhất hiện nay từ Nghị quyết Trung 3 khóa XI là tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn với thực hiện 3 đột phá chiến lược. Nếu thực hiện thành công Nghị quyết này sẽ đưa nền kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nâng lên mức độ “khá”. Bên cạnh đó là thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế hoạt động của khối đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đồng chí Bế Xuân Trường, đây là sẽ nguồn lực chính để thực hiện thành công cải cách tiền lương.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng chia sẻ quan điểm trên: “Muốn có nguồn cải cách tiền lương phải đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa. Sự chia sẻ của xã hội đối với khu vực dịch vụ công sẽ giảm bớt cho chúng ta gánh nặng phải chi ngân sách cải cách tiền lương. Dùng cơ chế nhất định sẽ hiệu quả. Đây là điểm nếu tập trung làm mạnh sẽ có nguồn quan trọng để chúng ta cải cách tiền lương”.
Đồng chí Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề nghị việc cải cách kinh tế, cải cách thu chi ngân sách tạo nguồn cho cải cách tiền lương là việc phải làm ngay.
“Phải có quyết tâm chính trị cao, đặc biệt đối với đề án này, quyết tâm chính trị không chỉ đặt vào thực hiện cải cách tiền lương mà quyết tâm chính trị cao hơn cần đặt vào các Nghị quyết Trung ương 6 đã ban hành và Nghị quyết liên quan đến tinh giản bộ máy, xác định vị trí việc làm. Do đó, việc thực hiện các chủ trương, chính sách khác sẽ có tính chất quyết định đối với thành công của đề án cải cách tiền lương. Thứ hai, Đề án cải cách phải tuân thủ quy luật thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong khu vực công cải cách gắn với hiệu quả làm việc và trong khu vực doanh nghiệp gắn với điều chỉnh cải thiện hợp lý năng suất lao động. Như vậy, nguyên tắc thị trường cũng nên coi là nguyên tắc quan trọng cải cách tiền lương”, đồng chí Bùi Nhật Quang nói.
Không để vì lương mà chạy đua chức vụ
Đánh giá Đề án có nhiều điểm mới, mang tính đột phá, tuy nhiên một số đại biểu cũng lưu ý đến tính vùng miền, không cào bằng, vì đặc thù, mức độ chi phí của mỗi vùng miền khác nhau.
Theo đồng chí Phạm Hoài Nam, Tư lệnh Quân chủng Hải quân: “Sự phát triển không đồng đều giữa miền núi, đồng bằng, miền Bắc-Trung-Nam, thành thị và nông thôn khiến chi tiêu của cán bộ công chức khác nhau. Có những thành phố lớn, một công chức phục vụ hơn 1 vạn dân. Ở những tỉnh, thành phố nhỏ hơn thì một công chức phục vụ vài trăm dân hoặc hơn 1.000 dân. Vì vậy, chính sách đãi ngộ đối với từng công chức, từng địa bàn phải phù hợp, đáp ứng năng lực lao động của cán bộ bỏ ra, tránh tình trạng cào bằng các tỉnh, thành phố, vùng miền. Nếu không, một lần nữa chúng ta kéo lùi chính sách tiền lương”.
Một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn trước việc phân tách riêng bảng lương chức vụ với bảng lương chuyên môn nghiệp vụ có dẫn đến tình trạng cán bộ công chức không tập trung phấn đấu về công vụ, chức nghiệp mà chỉ tập trung cuộc đua vào các chức vụ.
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải,việc tách riêng bảng lương chức vụ nhằm thực hiện nguyên tắc thứ bậc là thỏa đáng với người có trách nhiệm, chức vụ. Tuy nhiên cũng cần có giải pháp để không làm phát sinh cuộc chạy đua: “Phải gắn phân định bảng lương vào việc xem xét đề bạt cán bộ với việc thực hiện đề án khác như ‘Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ’, làm thế nào để chặt chẽ, có chất lượng, đúng người đúng việc. Thứ hai, thực hiện đầy đủ các chế độ đãi ngộ với cán bộ công chức để cán bộ công chức yên tâm phấn đấu theo chức nghiệp. Thứ ba, quan tâm đến bảng lương chuyên gia với mức lương thỏa đáng để cán bộ công chức bên cạnh phấn đấu theo ngạch bậc có thể phấn đấu theo chức nghiệp suốt đời không phải chạy đua theo chức vụ”.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhấn mạnh, việc cải cách chính sách tiền lương liên quan đến nhiều chính sách, ảnh hưởng đến nhiều tầng lớp nhân dân, các đối tượng trong xã hội nên đòi hỏi quyết tâm chính trị cao trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị. Các đại biểu đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét kỹ các nội dung của đề án, bảo đảm Nghị quyết sau khi ban hành đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả cao.
Theo Chinhphu.vn