Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển

.

LTS: Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) dự kiến diễn ra từ ngày 7 đến 12-5, trong đó có việc tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Đồng thời, hội nghị cũng tập trung thảo luận, quyết định nhiều nội dung quan trọng khác. Nhân dịp này, Báo Đà Nẵng triển khai các bài viết liên quan đến những vấn đề quan trọng của hội nghị.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác cán bộ đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Đối với thành phố Đà Nẵng, từ khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) thành phố phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, thành phố chủ động và tích cực chuẩn bị đội ngũ cán bộ trẻ kế cận, khắc phục tình trạng bị động, hụt hẫng cán bộ.

Quan tâm đào tạo, luân chuyển cán bộ trưởng thành từ cơ sở là nhiệm vụ quan trọng trong công tác cán bộ hiện nay. Trong ảnh: Cán bộ trẻ huyện Hòa Vang tham dự Đại hội CLB Cán bộ trẻ huyện nhiệm kỳ 2017-2022
Quan tâm đào tạo, luân chuyển cán bộ trưởng thành từ cơ sở là nhiệm vụ quan trọng trong công tác cán bộ hiện nay. Trong ảnh: Cán bộ trẻ huyện Hòa Vang tham dự Đại hội CLB Cán bộ trẻ huyện nhiệm kỳ 2017-2022

Đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận

Qua đánh giá từ các đề án về công tác cán bộ, đặc biệt Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã đào tạo đội ngũ cán bộ khá dồi dào, đa dạng, trình độ chuyên môn bài bản tại các cơ sở đào tạo chất lượng trong và ngoài nước.

Tính đến đầu năm 2017, toàn thành phố có gần 27.700 cán bộ, trong đó, độ tuổi dưới 40 có 17.750 người, chiếm 64%. Cán bộ có trình độ đại học có 14.721 người, sau đại học có 2.120 người. Cán bộ có trình độ lý luận chính trị, trung cấp có 1.583 người và 1.088 cán bộ có trình độ chính trị cao cấp và cử nhân.

Nét nổi bật là công tác phát triển cán bộ trẻ diễn ra từ cấp thành phố đến phường, xã. Trong đó, điển hình là Đề án tạo nguồn cho chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND các xã, phường (Đề án 89) đã tạo ra một lớp cán bộ cấp cơ sở đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển các địa phương.

Ngoài việc đào tạo, thu hút cán bộ trẻ, Ban Thường vụ Thành ủy còn tạo nguồn cán bộ kế cận thông qua hình thức tiến cử.

Chủ trương này được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ thành phố, trong đó nhấn mạnh: “Trong nhiệm kỳ này, mỗi cấp ủy viên phải tiến cử ít nhất một cán bộ trẻ để đào tạo thành một cán bộ lãnh đạo, quản lý tốt”. Kết quả, sau hai nhiệm kỳ triển khai tiến cử, đến nay đã bổ sung hàng chục lượt cán bộ trẻ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, đặc biệt đã có cán bộ trẻ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, có 7 cán bộ dưới 40 tuổi giới thiệu ứng cử và có 3 người được bầu vào Thành ủy, chiếm tỷ lệ 5,45% trong tổng số cấp ủy viên. Tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020, số cán bộ dưới 40 tuổi được bầu vào Thành ủy tuy tăng hơn nhưng cũng chỉ đạt 9,6% (5/52 người).

Hiện nay, cơ cấu cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố còn thấp, chưa có tính kế thừa. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về công tác cán bộ nên còn e dè, chưa mạnh dạn đưa cán bộ vào quy hoạch hoặc giao cho cán bộ trẻ thử thách, rèn luyện. Trong bổ nhiệm cán bộ còn có tư tưởng cầu toàn, mang giải pháp tình thế, thiếu tính chiến lược.

Mặc dù thành phố có chủ trương tiến cử cán bộ trẻ để tạo nguồn xem xét đưa vào quy hoạch, đào tạo nhưng thực sự vẫn chưa có giải pháp cụ thể để phát huy hết tiềm năng của đội ngũ này. Các cán bộ trẻ đưa vào quy hoạch nhưng thiếu ý chí rèn luyện, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao hoặc có tư tưởng tự mãn…

Do vậy, từ tháng 2-2017, Ban Thường vụ Thành ủy quyết định ban hành Đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh do Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và cán bộ chủ chốt đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Hiện nay, đề án đang trong bước đầu thực hiện.

Lựa chọn cán bộ chủ chốt hội đủ uy tín, năng lực, phẩm chất

Đầu tháng 2-2018, tại Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 7 (khóa XII) tổ chức hội nghị tham gia ý kiến dự thảo đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất đạo đức và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức tại Đà Nẵng.

Tham gia góp ý dự thảo đề án, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề nghị cần tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ; nâng cao nhận thức về công tác cán bộ.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng, việc luân chuyển cán bộ nên chọn những người có đủ năng lực, chuyên môn, đủ phẩm chất chính trị để bố trí vào các vị trí chủ chốt. Bên cạnh đó, thời gian thử thách đối với cán bộ được luân chuyển cũng không nhất thiết phải kéo dài đến 3 năm.

Nếu xét thấy trong 1 năm mà cán bộ đó thể hiện được năng lực tốt, nổi trội thì có thể bố trí công tác ở vị trí cao hơn cho phù hợp. Ngoài ra, đối với cơ quan tham mưu cần phải bố trí được cán bộ đủ năng lực, công tâm để làm tốt công tác tham mưu, nắm bắt tốt tình hình để đề xuất, kiến nghị với Trung ương những bất cập trong công tác bổ nhiệm cán bộ để Trung ương kịp thời xử lý.

Theo Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, cần đánh giá lại việc bầu cấp ủy, kể cả bầu Ủy viên Trung ương Đảng, vì hiện nay có tình trạng có những cán bộ lãnh đạo uy tín chưa thực sự cao ở địa phương, nhưng lại trúng cử vào Ủy viên Trung ương Đảng.

Chủ trì hội nghị quan trọng này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết, hiện bộ máy các cấp đang có sự chồng chéo, nhiều tầng nấc, hoạt động kém hiệu quả.

Trong đề án tới đây của Trung ương phải sửa được những bấp cập, hạn chế hiện nay. Trong đó, 2 trọng tâm cần tiếp tục đổi mới là công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và chủ chốt các cấp; thực hiện 2 đột phá về lựa chọn, tìm kiếm nhân tài và đột phá về kiểm soát quyền lực, thay thế bố trí cán bộ.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, từ thực tiễn sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) “về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, cần đánh giá đầy đủ những gì làm được, chưa làm được, nguyên nhân để có giải pháp phù hợp; trên cơ sở đó hoàn chỉnh đề cương đề án trình hội nghị Trung ương 7 sắp đến.

Bài và ảnh: Diệu Minh

;
.
.
.
.
.
.