Xây dựng môi trường lao động an toàn

.

Đà Nẵng hiện có hơn 18.000 doanh nghiệp, mỗi năm tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Vì vậy, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh luôn là mối quan tâm hàng đầu của tổ chức Công đoàn trước nguy cơ tiềm ẩn tai nạn lao động.

Bảo đảm an toàn lao động góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người lao động. Trong ảnh: Công ty CP Dệt may 29-3 luôn bảo đảm các điều kiện sản xuất an toàn cho người lao động.           Ảnh: N.Y
Bảo đảm an toàn lao động góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người lao động. Trong ảnh: Công ty CP Dệt may 29-3 luôn bảo đảm các điều kiện sản xuất an toàn cho người lao động. Ảnh: N.Y

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, thời gian qua, công tác ATVSLĐ luôn được các cấp, ngành quan tâm và đã tổ chức thực hiện tương đối tốt, tạo ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ của người sử dụng lao động và người lao động tại các doanh nghiệp, góp phần phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, ý thức của người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) dẫn đến chất lượng công tác ATVSLĐ chưa được bảo đảm. Năm 2017, toàn thành phố đã xảy ra 14 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng.

Riêng 4 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 3 vụ tai nạn lao động, để lại hậu quả thương tâm. Những ngành nghề, lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động như xây dựng, gia công kim loại cơ khí, lắp ráp vận hành máy và thiết bị sản xuất...

Để tạo sự quan tâm, nỗ lực từ nhiều phía, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố không ngừng chỉ đạo các cấp Công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của NSDLĐ và NLĐ trong việc cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khỏe, bảo đảm tính mạng NLĐ.

Bên cạnh đó, thúc đẩy công tác phối hợp giữa Công đoàn với các cơ quan chức năng, chính quyền đồng cấp và giữa Công đoàn cơ sở với NSDLĐ nhằm triển khai các chương trình hành động cụ thể xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Bà Đinh Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố cho biết, bảo đảm ATVSLĐ là công tác được quan tâm thường xuyên của tổ chức Công đoàn nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ trong môi trường lao động, nhất là ở những ngành nghề có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao.

Bà Đinh Thị Thanh Hà cho biết, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018 có chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”, với nhiều hoạt động trọng tâm như: tổ chức các hoạt động truyền thông về ATVSLĐ; tăng cường công tác giám sát, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thanh, kiểm tra công tác ATVSLĐ; tổ chức hội nghị, hội thảo, phát động các phong trào thi đua, các cuộc thi tìm hiểu về ATVSLĐ; tổ chức ký cam kết thi đua thực hiện tốt công tác ATVSLĐ trong các phân xưởng, tổ, đội sản xuất…

Bên cạnh đó, các đơn vị tích cực phát huy sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ. Ngoài ra, tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại đơn vị, doanh nghiệp…

Ngoài công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của NSDLĐ và NLĐ, các cấp Công đoàn thành phố tiếp tục đẩy mạnh tham gia với chính quyền, NSDLĐ kiện toàn mạng lưới ATVSLĐ, tổ chức các cuộc tự kiểm tra công tác ATVSLĐ theo đúng quy định.

Năm 2018, LĐLĐ thành phố tổ chức các hoạt động thực hiện chương trình “An toàn và sức khỏe cho NLĐ - An toàn và sức khỏe cho lao động trẻ” trên địa bàn thành phố với 3 hoạt động trọng tâm. Trong đó, có việc tập huấn cho cán bộ Công đoàn ở một số doanh nghiệp trong ngành xây dựng, cán bộ Công đoàn phường và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về cải thiện ATVSLĐ trong ngành xây dựng; hỗ trợ đối thoại về ATVSLĐ và theo dõi thực hiện cải thiện ATVSLĐ tại một số doanh nghiệp. Cùng với đó là theo dõi, hỗ trợ thực hiện cải thiện ATVSLĐ tại 10 doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn theo chương trình phối hợp thực hiện các hoạt động thuộc dự án Lao động trẻ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhằm nhận diện và đánh giá rủi ro tại nơi làm việc và cách thức hoạt động của ban ATVSLĐ chung trong việc bảo đảm ATVSLĐ cho NLĐ. Dự án này sẽ cải thiện điều kiện cho NLĐ nói chung và lao động trẻ nói riêng tại các doanh nghiệp xây dựng vừa và nhỏ. Thông qua các hoạt động này tăng cường năng lực và hỗ trợ kỹ thuật để cải thiện ATVSLĐ, từng bước giúp NLĐ, đặc biệt là những lao động trẻ nâng cao nhận thức, hiểu thêm về vai trò của Công đoàn trong công tác bảo đảm ATVSLĐ.

NGỌC YẾN

;
.
.
.
.
.
.