Xử lý tài sản không rõ nguồn gốc: "Cứ băn khoăn thì giải quyết gì"

.

Vấn đề xử lý tài sản không rõ nguồn gốc trong dự luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Chiều nay (31-5), Quốc hội dành cả buổi chiều thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi. Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến là xử lý tài sản không rõ nguồn gốc và xem ra chưa thể có một phương án khả thi.

“Có tài sản do tế nhị người ta không công khai được”

Phát biểu tại tổ, đại biểu Thuận Hữu (đoàn Hải Phòng) nhấn mạnh, qua tổng kết thực tiễn cho thấy kết quả thu hồi tài sản tham nhũng là nhức nhối khi chỉ đạt khoảng 8% và nếu không làm tốt vấn đề này thì công cuộc phòng chống tham nhũng chưa thực sự hiệu quả. Tuy vậy, về phương án xử lý tài sản không giải trình rõ nguồn gốc thì đại biểu này bày tỏ băn khoăn vì việc đánh thuế là không theo hướng “suy đoán vô tội” trong khi chưa chứng minh được nguồn gốc của tài sản và đẩy trách nhiệm chứng minh cho đối tượng kê khai.
“Có tài sản do tế nhị người ta không công khai được. Thu hồi được tài sản là điều phấn khởi nhưng không thể thu hồi bằng mọi giá” – ông Thuận Hữu nêu quan điểm.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền: Cứ băn khoăn thì không giải quyết được vấn đề gì
Đại biểu Bùi Văn Xuyền: Cứ băn khoăn thì không giải quyết được vấn đề gì

Cũng nhấn mạnh việc thu hồi tài sản còn bức xúc, dù xử được người này người kia nhưng cái mất là tài sản của nhà nước và nhân dân, đại biểu Bùi Văn Xuyền – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đoàn Thái Bình) nhấn mạnh cần có biện pháp để thu hồi thật tốt còn “cứ băn khoăn thì không giải quyết được vấn đề gì”.

“Anh kê khai không trung thực thì phải chịu xử lý. Cứ nói quyền con người, quyền công dân chung chung thì chẳng làm được gì. Việc kê khai có thể quy định chặt chẽ ở luật, không phải công chức rồi thì anh làm cái gì cũng khó xử lý. Tài sản không nói ra được thì anh phải chấp nhận chứ sao?” – ông Xuyền nêu quan điểm vì tài sản tăng thêm có căn cứ hay không, chiếm hữu tài sản có căn cứ hay không thì Bộ luật Dân sự đều đã đề cập.

Cơ quan Quốc hội bầu kiểm soát tài sản mới độc lập

Đại biểu Hoàng Thanh Tùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng phải xử lý rất nghiêm đối với các tài sản do tham nhũng mà có, phải thể hiện quan điểm một cách rõ ràng. Song không thể nào xử lý một cách đơn giản để quy tất cả tài sản kê khai không trung thực hoặc không giải trình được hợp lý thành tài sản tham nhũng hoặc tài sản do phạm tội mà có để áp dụng các biện pháp theo kiểu dễ dàng như luật này.

“Cách tiếp cận này là hơi dễ cho Nhà nước mà chưa thể hiện sự tôn trọng hợp lý đối với quyền sở hữu tài sản của công dân – một quyền được Hiến định. Tài sản đó có thể là rất hợp pháp nhưng vì việc quản lý tài sản của nhà nước ta chưa chặt chẽ nên trong một số trường hợp khó giải trình được một cách hợp lý để tự chứng minh tài sản của mình là hợp pháp” – ông Hoàng Thanh Tùng nói. 

Đại biểu Hoàng Thanh Tùng: Truy thu 45% giá trị tài sản là cách tiếp cận này là hơi dễ cho Nhà nước
Đại biểu Hoàng Thanh Tùng: Truy thu 45% giá trị tài sản là cách tiếp cận này là hơi dễ cho Nhà nước

Vị đại biểu này đề nghị xử lý đối với tài sản này phải đáp ứng, giải quyết được một cách hài hòa hai mối quan hệ. Một mặt phải xử lý nghiêm, tịch thu toàn bộ tài sản do tham nhũng mà có. Mặt khác phải thể hiện sự tôn trọng thỏa đáng đối với quyền sở hữu tài sản của công dân. Theo ông, hai phương án mà Chính phủ trình đều chưa đáp ứng được yêu cầu ấy.

“Chưa kể, nếu chúng ta tiếp cận theo cách thức này thì vô hình trung, nếu tài sản đó đúng là tài sản do tham nhũng hoặc phạm tội mà có thì chúng ta chỉ thu được 45%, 55% còn lại sẽ lại được hợp pháp hóa thông qua hình thức thu thuế” – ông Tùng đặt vấn đề và lưu ý thêm không biết thế nào là tài sản không giải trình được một cách hợp lý, cơ quan nào là trọng tài xem xét hợp lý hay không hợp lý.

Ở góc độ khác, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh quan trọng nhất là xác định được cơ quan kiểm soát và chứng minh tài sản, nếu không thì luật mới hay luật cũ cũng thế, chẳng có tác dụng gì.

“Cơ quan này phải độc lập mới có tác dụng. Tôi nghĩ cơ quan này do Quốc hội bầu thì tốt hơn vì không chịu áp lực nào thì mới làm được, còn thanh tra cũng khó vì vẫn sẽ bị chi phối. Luật sửa đổi khác luật trước về cái này thì mới tốt, không thì không khác luật cũ” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm và nhấn mạnh vấn đề này cần bàn cho thấu đáo nếu không luật được thông qua mà vẫn như cũ thì dân mất niềm tin.

 

Theo VOV

;
.
.
.
.
.
.