Báo chí "tiếp sức" nông thôn mới

.

Nông nghiệp, nông thôn và nông dân là đề tài rộng lớn với báo chí. Khi huyện Hòa Vang cùng cả nước bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM), các loại hình báo chí trên địa bàn thành phố đã tích cực tìm kiếm đề tài tác nghiệp về quá trình xây dựng NTM.

Nhiều tác phẩm viết về NTM Hòa Vang được đăng tải, đóng góp không nhỏ vào quá trình xây dựng vùng nông thôn của thành phố với diện mạo thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại…

Chương trình nông thôn mới đã thay đổi diện mạo nông thôn huyện Hòa Vang.  Trong ảnh: Mô hình trồng hoa lan Mokara ở xã Hòa Châu đã mang lại cho người nông dân thu nhập gần 500 triệu đồng/năm.
Chương trình nông thôn mới đã thay đổi diện mạo nông thôn huyện Hòa Vang. Trong ảnh: Mô hình trồng hoa lan Mokara ở xã Hòa Châu đã mang lại cho người nông dân thu nhập gần 500 triệu đồng/năm.

Tiếp sức cho Hòa Vang về đích sớm  

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hòa Vang Trần Văn Trường khẳng định, từ khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (tháng 1-1997), với đặc thù là huyện nông thôn duy nhất của thành phố, còn nhiều khó khăn, nên công tác tuyên truyền luôn được Đảng bộ, chính quyền địa phương coi trọng.

“Những năm đầu sau khi chia tách, báo chí viết về nông thôn Hòa Vang, ngoài nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị ở cấp huyện và xã thì nội dung chủ yếu là về sản xuất nông nghiệp thông qua các vụ lúa, các hoạt động thủy lợi cung ứng nước tưới tiêu và sản xuất hoa màu, việc thay đổi phương thức canh tác, giống cây trồng, con vật nuôi… được nhiều cơ quan báo chí đăng tải kịp thời; nhất là Báo Nông nghiệp Việt Nam, Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng”, ông Trần Văn Trường cho biết.  

Theo ông Trường, từ sau năm 2005, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển các loại hình nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn… được thực hiện, mang lại năng suất cao hơn.

Cùng với đó, các mô hình kinh tế HTX và kinh tế hộ gia đình phát triển như: nuôi cá, nuôi gà, trồng nấm, trồng hoa, trồng rau, đan lưới… đã trở thành những đề tài mới được các nhà báo tìm hiểu, phản ánh, cổ vũ cho địa phương.

Đặc biệt, từ khi bắt tay xây dựng NTM tại huyện Hòa Vang vào năm 2011, các cơ quan báo chí Trung ương và thành phố có nhiều nỗ lực phản ánh ngay từ khi phát động chương trình đến những chỉ đạo, định hướng cụ thể từ Trung ương và Thành ủy về xây dựng NTM tại huyện.

“Sau khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 19-3-2012 về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn thành phố”, các cơ quan báo chí đã cử phóng viên tác nghiệp trên nhiều lĩnh vực, trong đó đi sâu phân tích, đánh giá, dự báo về tình hình triển khai quy hoạch nông thôn, xây dựng hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, nhất là thi đua hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng NTM theo quy định của Trung ương”, ông Trần Văn Trường cho biết thêm.   

Được UBND huyện Hòa Vang phân công nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo chương trình xây dựng NTM của địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành là người trực tiếp đưa nhiều lượt phóng viên đến các vùng xây dựng NTM tại các xã để tác nghiệp trên nhiều nội dung.

Ông Hành phấn khởi cho biết, trong công cuộc xây dựng NTM, có rất nhiều mô hình tốt, cách làm hay được huyện và xã chỉ đạo triển khai nhân rộng. Điều đáng mừng là các cơ quan thông tấn báo chí cũng có nhiều cách thể hiện hay đối với phong trào có ý nghĩa này.

“Những tác phẩm báo chí về Hòa Vang có giá trị thông tin cao, giúp huyện nắm bắt thêm tình hình các xã, các đơn vị. Người dân cũng có thêm thông tin từ những mô hình hay, cách làm tốt để học hỏi, áp dụng để nâng cao thu nhập gia đình”, ông Đặng Phú Hành cho biết.

Theo ông Đặng Phú Hành, trong quá trình xây dựng NTM, bên cạnh những ưu điểm, những cách làm quyết liệt, đồng bộ, huy động sức dân đồng thuận thì rõ ràng vẫn còn những nơi làm chưa tốt, chưa nỗ lực hết mình để xây dựng NTM.

Với những địa phương, đơn vị như vậy, mong báo chí có tiếng nói trung thực để giúp huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những hạn chế nhằm mục tiêu chung là nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu mà huyện Hòa Vang được Chính phủ công nhận về đích chương trình xây dựng NTM từ cuối năm 2015, sớm 5 năm so với lộ trình chung của cả nước.

Lặn lội trên những cung đường

Là người có nhiều năm làm báo, nhà báo Văn Thành Lê (Báo Đà Nẵng) đã có hàng trăm bài báo viết về nông thôn Hòa Vang trên nhiều mảng đề tài. Nhà báo Văn Thành Lê chia sẻ, là người làm báo “có duyên” với Hòa Vang, ông đã dọc ngang qua nhiều vùng đất trong hơn 20 năm qua, từ đó cảm nhận được đổi thay của huyện nông thôn duy nhất ở Đà Nẵng.

Cảm nhận đầu tiên là vẻ sạch đẹp của cảnh quan môi trường và sự rộng rãi, thông thoáng của những con đường vốn một thời mưa bùn nắng bụi. Cảnh quê dần trở thành cảnh phố, những con đường mới đưa người dân gần lại với nhau, ngay cả việc ra đồng xuống giống hay thu hoạch mùa vụ mang về cũng đã trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tất cả điều đó được nhà báo Văn Thành Lê đưa vào những trang báo giàu chất văn học.

“Với vùng quê Hòa Vang, sau bao năm tháng đổi thay giờ đã sáng lên bức tranh NTM rất khang trang. Mới về cảnh quan, môi trường, nhưng tất cả những giá trị văn hóa tinh thần của “người nhà quê” vẫn được bảo lưu và trân quý, mặc dù lũy tre làng đây đó không còn nữa”, nhà báo Văn Thành Lê cho biết.

Là người được “biệt phái” theo dõi địa bàn huyện Hòa Vang, nhà báo Vy Hậu (Báo Công an Đà Nẵng) đã viết hàng trăm bài báo trên tất cả các lĩnh vực của địa phương. Anh có mặt trên mọi nẻo đường từ các xã miền núi đến vùng đồng bằng.

Từ những bài viết về mô hình mới, hiệu quả trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, cho đến công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn sự bình yên các vùng nông thôn của Hòa Vang… đều được nhà báo Vy Hậu phản ánh chân thật, sinh động, kịp thời.  

Trong loạt bài “Dấu ấn nông thôn mới Hòa Vang” đăng trên Báo Đà Nẵng giữa năm 2017, nhóm phóng viên Báo Đà Nẵng đã dành thời gian gần 1 tháng để tìm hiểu các mô hình sản xuất mới như vùng trồng hoa lan Mokara xã Hòa Châu; trồng rau, dưa lưới an toàn theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel ở xã Hòa Khương…

Họ lặn lội lên các xã miền núi Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh để có cái nhìn thực tế, chính xác về đời sống người dân khá lên nhờ biết nấu rượu cần, chăn nuôi bò, trồng bơ, thanh long ruột đỏ, nuôi dê... Là phóng viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong viết về NTM nên với phóng viên Quốc Khải, mỗi chuyến đi về với nông thôn Hòa Vang để viết về đề tài nông thôn mang lại nhiều cảm xúc.

“Tôi nhớ rất rõ, giữa buổi chiều nắng gắt, chúng tôi ra cánh đồng xã Hòa Tiến để “săn” những tấm ảnh người nông dân tưới nước trồng rau an toàn. Thấy được những hình ảnh như vậy mới cảm nhận được nỗi vất vả của người nông dân để làm nên những mùa vàng bội thu”, phóng viên Quốc Khải nói.

Để tăng tính hấp dẫn cho đề tài NTM, trong năm 2016, UBND huyện Hòa Vang phối hợp với Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc thi viết về “xây dựng NTM Hòa Vang”. Cuộc thi này nhằm tăng cường sự quan tâm của các cơ quan báo chí, tạo sự đồng thuận và hưởng ứng của xã hội đối với chương trình xây dựng NTM và cơ cấu lại ngành nông nghiệp; đẩy mạnh cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Cuộc thi đã tìm ra những chủ nhân xứng đáng để nhận giải.

Theo ông Trần Văn Trường, mục đích to lớn hơn nữa đó là tạo thêm động lực, sức hấp dẫn để các cơ quan báo chí chọn Hòa Vang làm nơi tác nghiệp thông qua những chuyển biến tích cực từ chương trình xây dựng NTM mà Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và nhân dân huyện đang nỗ lực từng ngày.

“Tôi mong muốn các nhà báo quan tâm hơn đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hãy đến gần hơn nữa với người nông dân để phản ánh kịp thời những đòi hỏi nóng bỏng, từ đó góp phần xây dựng nông thôn Hòa Vang bừng sáng”, ông Trần Văn Trường mong mỏi.

Diệu Minh

;
.
.
.
.
.
.