Câu lạc bộ Nam giới tiên phong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) có nhiều cách làm năng động, sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực.
Các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ luôn sôi nổi, hào hứng. |
Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần vào tối thứ sáu của tuần cuối tháng. Trong sinh hoạt, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ nêu ra một vấn đề hay một tình huống để các thành viên cùng tham gia ý kiến về giải pháp xử lý với sự khêu gợi, định hướng của người phụ trách chuyên đề. Từng thành viên đều có giấy ghi ý kiến của mình để dán lên bảng.
Người phụ trách chuyên đề đọc cho mọi người cùng nghe ý kiến của các thành viên và cùng trao đổi, đánh giá để tìm ra cách xử lý đúng. Ngoài ra, câu lạc bộ còn tổ chức truyền thông bằng hình thức sân khấu hóa, trả lời câu hỏi trắc nghiệm, tổ chức hội thi tìm hiểu về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình… Với những hình thức đó, nội dung sinh hoạt của câu lạc bộ luôn sôi nổi, hào hứng và hấp dẫn.
Tại buổi sinh hoạt tháng 5-2018, tình huống được nêu ra là bà N.T.L, nhân viên của Công ty X, thường bị giám đốc công ty sàm sỡ và dọa đuổi việc nếu không chiều ý ông ta. Anh Ngô Tấn Giáo - người phụ trách chuyên đề, phát cho mỗi thành viên một tờ đáp án là nên nghỉ việc để không bị sàm sỡ nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình. Rồi anh mời mọi người phát biểu chính kiến của mình.
Ban đầu, ai cũng đồng ý theo đáp án. Sau đó, với sự gợi mở của anh Giáo, nhiều thành viên cho rằng không nên nghỉ việc, vì nghỉ việc sẽ ảnh hưởng cuộc sống gia đình; nhiều người nhấn mạnh vẫn tiếp tục làm việc nhưng phải thường xuyên cảnh giác, kiên quyết không gặp giám đốc khi chỉ có một mình, trường hợp cần thiết thì nhờ Công đoàn, Hội Phụ nữ… can thiệp.
Kết luận vấn đề, anh Giáo khẳng định cách xử lý ban đầu (nghỉ việc) là không phù hợp, cách xử lý sau mới là đúng, là tích cực và lưu ý cần phải thực hiện khéo léo nhằm giữ được việc làm ổn định và bảo vệ được hạnh phúc gia đình.
Cùng với đó, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ đã tiếp cận các đối tượng có hành vi bạo lực và các trường hợp bị bạo lực tại địa phương để tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của từng trường hợp, qua đó phân tích đúng sai, làm thay đổi hành vi nam tính tích cực.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đặng Đông cho biết: Phương châm của câu lạc bộ là không áp đặt nhận thức mà làm cho từng người tự nhận thức và tự thay đổi hành vi, từ hành vi bạo lực chuyển sang yêu thương, chia sẻ.
Thời gian qua, hoạt động của câu lạc bộ đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần hàn gắn tình cảm và hạnh phúc của nhiều cặp vợ chồng. Cụ thể như anh N.D ở tổ 32 làm nghề phụ hồ, trước kia hay say xỉn và đánh vợ. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ đã gặp anh D, nhẹ nhàng phân tích, làm cho anh thấy hành vi đánh vợ là sai và thấy được vai trò của người chồng, người cha trong gia đình.
Từ đó, anh D dần dần thay đổi nhận thức, không còn những hành động thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đối với vợ. Còn ông Đ.H.Q (tổ 5) từ chỗ phó mặc việc nhà cho vợ và thường xuyên la mắng vợ con, được Ban chủ nhiệm câu lạc bộ trao đổi, góp ý về vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên đối với cuộc sống và hạnh phúc gia đình.
Qua đó, ông Q dần thay tâm đổi tính, tận tụy chia sẻ với vợ từ việc buôn bán đến các việc nội trợ hằng ngày, đồng thời không còn quát nạt vợ con…
Không chỉ tuyên truyền phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, câu lạc bộ còn chú trọng tuyên truyền cho phụ nữ biết cách xử lý phù hợp, không làm cho nam giới nóng giận, tức tối, bức xúc. Nhiều tình huống được đưa ra trao đổi, tranh luận và đi đến cách xử lý tốt nhất.
Chẳng hạn, khi chồng đi nhậu về khuya, vợ không nên mắng mỏ mà cần thể hiện sự yêu thương, lo lắng, chăm sóc đối với chồng thì người chồng mới dần dần giảm thiểu việc đi nhậu về khuya. “Bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái là điều mà gia đình và cộng đồng phải chung tay ngăn chặn, trong đó người vợ biết nhường nhịn chồng, không đưa chồng vào trạng thái giận dữ là một yếu tố hết sức quan trọng”, anh Đông chia sẻ thêm.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM