Chuyển biến trong công tác dân số tại Hòa Bắc

.

Những năm trở lại đây, nhờ thực hiện tốt công tác truyền thông cùng với xây dựng mạng lưới cộng tác viên (CTV), công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Người dân xã Hòa Bắc quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe, một phần nhờ hiệu quả của công tác truyền thông dân số.
Người dân xã Hòa Bắc quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe, một phần nhờ hiệu quả của công tác truyền thông dân số.

Bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, xác định công tác DS-KHHGD là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, cấp ủy và chính quyền xã đã huy động tối đa sự vào cuộc của tất cả các ban, ngành, đoàn thể; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Cơ tu, dần tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS)-KHHGD và từng bước nâng cao nhận thức.

Dưới sự quan tâm và chỉ đạo của Đảng ủy, HĐND, UBND xã, thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn xã Hòa Bắc đạt được những kết quả tích cực; nhất là công tác tuyên truyền, vận động, huy động cộng đồng trong việc tham gia chiến dịch truyền thông dân số. Đội ngũ CTV dân số từ xã đến thôn đã đến từng hộ gia đình, vận động người dân và cấp phát phương tiện tránh thai phi lâm sàng. Bên cạnh đó, Ban DS-KHHGĐ của xã cũng phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ thành phố, Trung tâm Dân số huyện Hòa Vang tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề liên quan đến việc sàng lọc trước sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh và các vấn đề liên quan đến SKSS, tổ chức tư vấn CSSKSS cho trẻ vị thành niên; duy trì và đẩy mạnh các mô hình “Tư vấn và CSSK người cao tuổi dựa vào cộng đồng”, “Tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân”. Nhiều nội dung về KHHGĐ được lồng ghép trong những buổi sinh hoạt, hội họp của từng thôn. Nhờ đó, các chỉ tiêu về tỷ suất sinh thô, dịch vụ KHHGD, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đều giảm và vượt so với chỉ tiêu huyện giao.

Anh Phan Văn Đà, thôn Tà Lang, chia sẻ: “Năm nào các cán bộ dân số cũng đến tận nhà truyền đạt về chương trình DS-KHHGĐ và tư vấn CSSKSS. Nhờ đó, gia đình tôi dần hiểu rõ hơn về các chính sách, chủ trương của Đảng, bản thân tôi cũng nhận thức được CSSKSS là việc của cả vợ và chồng. Tôi cùng vợ quyết định dừng ở 2 con để chăm sóc, nuôi dạy cho tốt, không sinh con thứ 3”.

Bà Hồ Thị Kim Tuyền, cán bộ chuyên trách dân số xã Hòa Bắc cho biết, nhờ sự tác động tích cực của công tác truyền thông DS-KHHGĐ, nhận thức của người dân đã có nhiều thay đổi. Việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ không chỉ ở phụ nữ mà còn có sự tham gia tích cực ở nam giới. Từ sự thay đổi nhận thức đó, các chỉ tiêu dân số đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch; đặc biệt là kiến thức CSSKSS cho phụ nữ dân tộc Cơ tu được nâng lên đáng kể. Nhiều gia đình đồng ý thực hiện mô hình gia đình ít con để tập trung phát triển kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ đặt vòng, sử dụng bao cao su tại xã Hòa Bắc đạt 100%; triệt sản (2/1), uống thuốc (98/50) và sử dụng thuốc tiêm (11/9) vượt các chỉ tiêu đề ra.

Thời gian tới, để công tác DS-KHHGĐ ở xã Hòa Bắc đạt hiệu quả cao, cấc cấp ủy và chính quyền địa phương tại Hòa Bắc tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai các chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ CSSKSS, tiếp tục duy trì hoạt động mô hình, câu lạc bộ về dân số; triển khai thực hiện đề án sàng lọc trước  và sau sinh, đẩy mạnh thực hiện đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, xã hội hóa dịch vụ KHHGĐ...

Bài và ảnh: THU THẢO

;
.
.
.
.
.
.